Không thể lơ là

Thời gian qua, thu hút DN tham gia đầu tư được xác định là yếu tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp tăng sức cạnh tranh trong hội nhập. Hợp tác công tư (PPP) là một trong những giải pháp được Bộ NN&PTNT thúc đẩy để phát triển các ngành hàng nông sản nói chung và tăng cường thu hút DN vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Trải qua quá trình 6 năm, đến nay, 8 nhóm công tác ngành hàng trong nông nghiệp đã được hình thành theo hình thức PPP. Trong đó điển hình phải kể tới ngành hàng cà phê. Cùng thành lập với các nhóm ngành hàng khác như chè, hồ tiêu, thủy sản, hàng hóa tập trung, rau quả từ năm 2009, hoạt động của ngành hàng cà phê ghi nhận những kết quả khá khả quan. Cụ thể, việc triển khai các dự án theo hình thức PPP đã giúp năng suất cà phê tăng lên 17%, thu nhập người nông dân tăng lên 14% và giảm đáng kể phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, dự án mô hình cà phê còn tiến hành tập huấn cho nông dân về sản xuất bền vững, hỗ trợ xây dựng bộ tài liệu quốc gia, được áp dụng chung không chỉ trong dự án mà ở tất cả cả các tỉnh sản xuất cà phê trên cả nước.

Trái ngược với cà phê, thủy sản được đánh giá là ngành hàng kém hơn cả, thậm chí bị thụt lùi hẳn một bước so với các ngành hàng còn lại. Và một trong những nguyên nhân quan trọng, trong cuộc Họp thường niên Nhóm công tác PPP ngành hàng thuộc Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) mới đây, đại diện Ban thư ký PSAV, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) đã thẳng thắn chỉ rõ vai trò tham gia của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chưa tích cực.

Thực tế, nguyên nhân khiến PPP trong nông nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn có nhiều như: Nông nghiệp vốn là lĩnh vực tiềm ẩn không ít rủi ro khiến nhà đầu tư ngần ngại; việc bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án PPP còn khá khó khăn; chưa hình thành được mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực này… Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, đã là nhóm PPP, muốn hiệu quả, trước tiên cần có sự hợp tác cả hai phía là cơ quan quản lý Nhà nước được chỉ định tham gia và DN. Hút DN đầu tư vào nông nghiệp đã khó, cơ quan quản lý Nhà nước còn thờ ơ, không chịu bắt lấy “bàn tay” DN thì khó khăn còn nhân lên gấp bội. Vì thế, thái độ thiếu tích cực như trường hợp của Tổng cục Thủy sản là điều khó chấp nhận.

Muốn phá tan cái khó này, có lẽ ngoài kêu gọi sự chủ động của các đơn vị liên quan, Bộ NN&PTNT cần có những biện pháp cứng rắn, “mạnh tay” hơn để không chỉ riêng Tổng cục Thủy sản mà những cơ quan quản lý khác trực thuộc Bộ NN&PTNT được chỉ định là đơn vị cùng tham gia các nhóm ngành hàng PPP trong nông nghiệp không dám và không thể lơ là.

Đức Quang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khong-the-lo-la.aspx