Không muốn hiến tủy cho mẹ chồng vì bà từng đối xử thậm tệ với tôi

Từ ngày bước chân về làm dâu đến nay, chưa bao giờ bà gọi tôi là con thì nay, bà lúc nào cũng "mẹ mẹ, con con" ngọt ngào với tôi... Bà hỏi tôi thích ăn gì, có mệt không, công việc thế nào...

Không muốn hiến tủy cho mẹ chồng vì bà từng đối xử thậm tệ với tôi

Tôi vẫn biết rằng, rũ bỏ sự thù hận, oán trách là cách tốt nhất giúp cuộc sống của mình thanh thản hơn. Nhưng quả thực lúc này, tôi không biết làm sao để có thể tha thứ và rộng lòng giúp đỡ người phụ nữ ấy. Hơn 5 năm qua, cuộc sống của tôi đầy những khổ đau, uất hận.

Đó là địa ngục! Tất cả đều do mẹ chồng tôi tạo ra. Có lẽ nghe tôi nói vậy, ai cũng sẽ chê trách: Tại sao con dâu lại chỉ trích nặng lời với mẹ chồng như vậy? Nhưng tôi không nói ngoa cho mẹ chồng bởi bà luôn tìm cách đặt điều, nói xấu con dâu với con trai và họ hàng, cố tình đẩy tôi ra khỏi nhà.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, gia đình khá khó khăn. Bằng nỗ lực của bản thân, tôi tốt nghiệp cấp 3 loại xuất sắc, thi đỗ vào trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, tôi sở hữu bằng cử nhân kế toán loại ưu. Ra trường, tôi dễ dàng xin vào làm việc cho một công ty nước ngoài về lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu nhập ổn định.

Tôi quen và yêu anh qua một người bạn. Được 1 năm thì anh dắt tôi về ra mắt gia đình. Ngày đầu bước chân vào nhà anh, tôi đã cảm giác mình không được chào đón. Hôm đó bố anh không xuống nhà chỉ có mẹ ngồi nói chuyện với chúng tôi nhưng cũng chỉ vài ba câu thăm hỏi cho có, không có buổi tối thân mật trà nước chuyện trò như tôi đã nghĩ.

Mẹ anh tuy miệng lúc nào cũng tươi cười nhưng ánh mắt bà luôn dò xét và không thân thiện. Sau ngày hôm đó, tôi không nghe anh nói gì về nhận xét của mẹ anh dành cho tôi, tôi hỏi thì anh chỉ nói “mẹ nói em cũng dễ thương”.

Sau hai năm yêu nhau, tôi trót có bầu và đã xin phép bố mẹ đôi bên cho cưới. Và ngay từ phút đầu về nhà chồng tôi đã không được thừa nhận. Bà đẩy tôi vào nhà bằng cửa sau chỉ vì “tội” có bầu trước khi cưới. Rồi sau đó bà đối xử như thể tôi là con đàn bà chửa hoang phải bấu víu lấy con trai bà. Bà hành hạ tôi bằng những lời lẽ cay nghiệt nhất.

Còn nhớ, hồi sinh viên, có cô bạn giới thiệu tôi đến làm cùng ở một quán bi-da gần trường đại học. Tôi không rõ vì sao mà mẹ chồng biết được chuyện này, vì thế lần nào thấy tôi làm gì không vừa ý là bà lại lấy chuyện này ra nói tôi. Bà bảo, là gái tỉnh lẻ, lại còn đi làm nghề mà theo bà là “không mấy lành mạnh”.

Có lần, tôi vô tình nghe bà nói với em chồng rằng, bà thấy tiếc nuối và ân hận khi đồng ý cho con trai lấy một đứa con gái làm quán bi-da. Quả thực, tôi chỉ làm ở đó 3 tháng, ngoài nhặt bóng, tiếp nước, tôi không phải làm gì khác. Nghề nào cũng có người nọ người kia, sao mẹ chồng tôi dằn hắt, dè bỉu tôi chỉ vì tôi đi làm thêm kiếm tiền ăn học?

Lần khác, mẹ chồng tôi nói chuyện với hàng xóm, bảo tôi là đứa con dâu vụng về, không biết điều. Cơm nước, giặt giũ đều một tay bà làm. Tôi chỉ việc đi làm về chăm sóc con mà cũng làm không đến nơi đến chốn. Bà còn nói nghi ngờ tôi có mối quan hệ bất chính bên ngoài. Đầu óc lúc nào cũng chỉ tơ tưởng tới… trai. Dù biết mẹ chồng không ưa mình, nhưng tôi vẫn thấy sốc và buồn.

Anh là con cả trong nhà. Tôi về làm dâu, các em lần luợt xin ra ở riêng, bởi thế, vợ chồng tôi phải gồng gánh trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ. Sau nửa năm về sống cùng, mặc dù tôi đã cố lấy lòng bà bằng mọi cách như ngoan ngoãn, lễ phép chào hỏi, gọi dạ bảo vâng, thỉnh thoảng mua quà biếu tặng… nhưng vẫn không hài lòng mẹ chồng. Kiểu gì bà vẫn tìm ra được những lỗi vụn vặt của tôi để bắt bẻ.

Tôi chết sững khi biết kết quả trong tất cả các xét nghiệm thì có tôi và cô em chồng là tương thích với bà

Dẫu sống phải chịu sự soi xét, hà khắc của mẹ chồng nhưng tôi luôn nhẫn nhịn, sống phải đạo làm dâu con, lúc nào cũng hiếu thuận, để rút ngắn khoảng cách với mẹ chồng. Sau này, tôi tìm hiểu từ hai em gái của anh, thì được biết, trước khi chúng tôi kết hôn, bà có đi xem bói và nghe ông thầy tướng phán rằng sau này tôi sẽ trở mặt phản bội nhà chồng, thậm chí còn khiến chồng mất mạng. Khi không cản được chúng tôi đến với nhau, bà đâm ghét bỏ tôi.

Càng ngày sự áp đặt của mẹ chồng lên tôi càng nặng nề. Bà cấm tôi không được ra ngoài nếu không có chồng đi cùng, không được giao lưu bạn bè quá nhiều, đi làm phải về đúng giờ. Đặc biệt, gái có chồng thì không giao lưu với đàn ông khác, không đi công tác xa nhà quá 1 ngày.

Bà không muốn tôi tham gia các câu lạc bộ, không đi bơi dù đây là môn thể thao tôi ưa thích. Đi đâu, làm gì, tôi cũng phải báo cáo mẹ chồng từ A-Z. Thậm chí, đi thể dục buổi sáng lâu hơn bình thường, bà cũng mỉa mai, bóng gió nói tôi có “bạn tình”, bận rộn hẹn hò nên về muộn.

Mẹ chồng quy định, trách nhiệm của tôi là hầu hạ, phục vụ chồng và mẹ chồng mọi việc trong nhà. 6 giờ chiều, tôi phải có mặt ở nhà để nấu nướng, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa. Vì vậy có những lúc thức ăn trong nhà hết chưa kịp mua, bà đổ lỗi cho tôi là “không biết tiết kiệm”, “vung tay quá trán”. Chồng tôi cũng rất hiểu sự chịu đựng của vợ.

Anh thường xuyên an ủi, động viên, hy vọng một ngày nào đó mẹ sẽ hiểu tôi và bớt gây khó dễ cho con dâu hơn. Nhưng tình hình ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Sinh con xong, tôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Đã có lúc, tôi nghĩ đến cái chết để giải thoát. Hoặc có hôm tôi nằng nặc yêu cầu chồng phải đồng ý ly dị nếu không tôi sẽ ôm con bỏ đi. May là chồng tôi luôn ở bên an ủi, động viên nên tôi vượt qua được…

Dẫu sống phải chịu sự soi xét, hà khắc của mẹ chồng nhưng tôi luôn nhẫn nhịn, sống phải đạo làm dâu con

Cách đây không lâu mẹ chồng tôi phát hiện bị ung thư máu. Tình trạng bà ngày một xấu hơn. Bác sĩ nói, cần ghép tủy thì bà mới sống được thêm vài năm. Cả nhà tôi đã quyết định tất cả mọi người cùng đi xét nghiệm xem ai có thích hợp không. Thật tâm thì tôi không muốn làm xét nghiệm này.

Nhưng lúc ấy nghĩ trăm ngàn người mới có tủy trùng khớp, con cái còn chưa chắc cho được huống gì tôi đây nào có huyết thống gì. Nghĩ đi nghĩ lại tôi cũng làm xét nghiệm vì mình cũng chẳng thiệt đi đâu, mà nếu không làm bị mọi người nghĩ mình hẹp hòi.

Thế nhưng ông trời quả thực muốn trêu lòng người. Tôi chết sững khi biết kết quả, trong tất cả các xét nghiệm thì có tôi và cô em chồng là tương thích với bà. Nhưng em chồng tôi từ trước nay sức khỏe rất yếu nên mọi người mặc định luôn tôi là người sẽ hiến tủy cho mẹ.

Mấy ngày nay, mẹ chồng thay đổi thái độ một cách đột ngột với tôi. Từ ngày bước chân về làm dâu đến nay, chưa bao giờ bà gọi tôi là con thì nay, bà lúc nào cũng “mẹ mẹ, con con” ngọt ngào với tôi… Bà hỏi tôi thích ăn gì, có mệt không, công việc thế nào…

Thưa các anh chị, nói ra hẳn mọi người sẽ bảo tôi ích kỷ, nhưng tôi quả thực không muốn giúp đỡ mẹ chồng chuyện này. Tôi không vượt qua được sự ích kỷ và cũng không thể quên những chuyện mẹ chồng đã gây ra cho mình. Mọi người hãy cho tôi một lời khuyên.

Nguyễn Hoàng Th. (Hà Nội)

NHÀ VĂN PHONG ĐIỆP

Yêu thương sẽ hóa giải mọi hận thù

Bạn thân mến!

Tuần trước tôi đã ngồi lặng đi rất lâu khi đọc thông tin về hàng trăm giáo viên và phụ huynh học sinh ở Quảng Ninh đã đứng xếp hàng chờ xét nghiệm để hiến máu. Nhìn khuôn mặt ai cũng đượm vẻ âu lo. Tôi đọc được trên những khuôn mặt ấy niềm mong mỏi rằng máu của mình sẽ có ích cho một cháu bé lớp 6 vừa bị tai nạn do ngã từ tầng 4 xuống trong khi chơi đùa ở trường học. Bệnh nhi thuộc nhóm máu hiếm trong khi quỹ máu của bệnh viện không đủ cho việc cứu chữa cháu.

Và sau khi lời kêu gọi từ trường học, từ phòng giáo dục của thành phố được phát đi, đã có hàng trăm người hưởng ứng. Họ đến để được chung tay cứu lấy mạng sống cho cháu bé đang trong cơn nguy cấp kia. Rất nhiều người trong số họ không quen biết cháu bé. Nhưng họ đã thu xếp công việc bận rộn của mình, đến bệnh viện, kiên nhẫn xếp hàng với niềm tin tưởng rằng mình có thế làm được việc gì đó có ích.

Tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi: Nếu là mình, mình có làm thế không? Và bạn, nếu là bạn, bạn có làm thế không? Khi có một bàn tay chìa ra, cần sự giúp đỡ của chúng ta, tôi và bạn có sẵn lòng giúp đỡ hay không? Nhất là khi sự giúp đỡ của chúng ta có thể cứu sống một con người, liệu chúng ta có phân vân suy tính, hay thẳng thắn khước từ?

Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta khước từ đi lòng tốt, sự tử tế, có thể sẽ không ai trách cứ chúng ta, nhưng chính lương tâm chúng ta sẽ lên tiếng. Nó sẽ dằn vặt chúng ta, lên án chúng ta, khiến chúng ta ân hận. Bởi vì tôi và bạn hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh người đang cần đến sự giúp đỡ của người khác. Bạn sẽ có cảm giác thế nào nếu không có một bàn tay nào chìa ra, động viên, san sẻ với chúng ta?

Hãy biết gieo yêu thương để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn nhé

Chúng ta sẽ đau đớn, tuyệt vọng đến thế nào? Nhưng nếu trong hoàn cảnh ấy, có một người mà ta nghĩ rằng họ không ưa mình, thậm chí ghét mình, vậy mà lại sẵn sàng cứu giúp mình thì sao? Tôi luôn nghĩ tình yêu thương sẽ giúp chúng ta hóa giải mọi hận thù, hiềm khích. Tình yêu thương sẽ giúp cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn.

Có thể bạn sẽ trách tôi rằng, tôi không chia sẻ với câu chuyện của bạn. Rằng bạn có một người mẹ chồng đối xử với bạn rất nhẫn tâm, rằng bạn bị xúc phạm và tổn thương sâu sắc. Sự giận dữ, sự oán hận ở bạn lớn đến nỗi bạn hoàn toàn không muốn có bất kì sự giúp đỡ nào dành cho người phụ nữ ấy. Rằng ai ở hoàn cảnh của bạn mới hiểu.

Tôi có một người bạn khá thân, cô ấy cũng có một sự đau khổ vô cùng lớn về việc mẹ đẻ và cô ấy thường xung khắc với nhau. Cô ấy luôn có cảm giác rằng mẹ đẻ không yêu mình. Bà khắc nghiệt đến mức nghiệt ngã. Mọi tình yêu thương bà dường như dành hết cho cậu em trai, trong khi người em trai thì vô trách nhiệm, chẳng đếm xỉa gì đến sự quan tâm, chăm sóc mà người mẹ dành cho mình.

Vậy là mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi bà đau yếu, những lúc cần đưa bà đi khám bệnh... người bạn tôi luôn kề cận, chăm sóc mẹ trong sự nhiếc móc, khó chịu của bà. Vì sao bà lại đối xử với cô ấy như vậy? Cô ấy không tài nào hiểu nổi. Nhưng dù có bị đối xử thậm tệ đến thế nào, cô ấy vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng, không một lời nói ra nói vào. Bởi cô ấy luôn xác định rằng đó chính là người đã sinh ra mình, nuôi mình lớn khôn, cho mình ăn học thành người.

Không có mẹ thì làm sao có mình. Vậy thì chăm sóc mẹ, hiếu lễ với mẹ là sự trả ơn thiết thực nhất của người con đối với mẹ mình. Suy nghĩ như vậy khiến cô ấy thanh thản hơn, dù thẳm sâu tâm hồn mình, tôi hiểu cô ấy vẫn rất đớn đau. Nhưng nếu như thay bằng cách chăm sóc mẹ, cô ấy bỏ mặc người mẹ của mình liệu có khiến cô ấy thanh thản hơn không? Tôi nghĩ là không.

Quay trở lại câu chuyện của bạn. Bạn có thể từ chối hiến tủy cho người mẹ chồng vì bà đã chẳng hề yêu thương bạn. Nhưng hãy nhớ, nếu không có bà, người bạn đời của bạn cũng sẽ không tồn tại trên cõi đời này. Nếu bà qua đời, trong khi sự giúp đỡ của bạn có thể cứu được tính mạng cho bà, liệu bạn có thấy nhẹ nhõm trong lòng? Vậy nên, hãy biết gieo yêu thương để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn nhé.

Theo Người Giữ Lửa

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/khong-muon-hien-tuy-cho-me-chong-vi-ba-tung-doi-xu-tham-te-voi-toi-147660/