Không lường trước được sự cố hầm đường sắt Bãi Gió, tỉnh Khánh Hòa

Tối 21/4, sau 9 ngày bị ách tắc do sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, qua đèo Cả, tỉnh Khánh Hòa, tuyến đường sắt Bắc - Nam chính thức được thông tuyến. Đường sắt bị sạt lở vào mùa nắng, sự cố xảy ra trong quá trình thi công, các đơn vị phải mất rất nhiều thời gian, kinh phí cho công tác khắc phục, hàng vạn hành khách bị ảnh hưởng việc đi lại.

Hơn 17h ngày 21/4, đoàn tàu công trình được lệnh thông xe kỹ thuật hầm Bãi Gió. Ngay sau khi đoàn tàu đi qua, hàng chục cán bộ kỹ thuật, nhân viên ngành Đường sắt đi vào hầm Bãi Gió, kiểm tra kỹ từng chằng néo, vị trí gia cố, từng đoạn nhỏ đường ray. Sau khi thấy đã đảm bảo an toàn, đến 18 giờ 15 phút, đoàn tàu hàng HH84 được phát lệnh qua hầm từ ga Đại Lãnh ra phía Bắc. Tàu hàng HH84 gồm 1 đầu máy và 18 toa hàng, tổng trọng lượng gần 850 tấn qua hầm với tốc độ 5km/h. Khi tàu này vừa ra khỏi cửa hầm, cả trăm người lao động đang có mặt tại hiện trường vỡ òa niềm vui.

Các đơn vị khoan từ sườn núi gia cố hầm đường sắt

Ông Nguyễn Văn Định, Công nhân Công ty Cổ phần đường sắt Phú Khánh cho biết, kể từ cơn bão số 12 năm 2017, lần này đường sắt Bắc - Nam mới xảy ra sự cố, gây ách tắc dài ngày. Sau khi xảy ra sạt lở, hàng trăm người lao động trong khu vực Nam Trung bộ được điều động đến công trường, ăn, ở tại chỗ, thay nhau làm việc ngày đêm để khắc phục sự cố.

"Lúc mà bít hầm rồi không khí không lưu thông được, anh em làm phía trong ngột ngạt, cứ 1 giờ đồng hồ phải thay người. Anh em làm vất vả nhưng khi nhìn thấy cảnh đầu tàu thông qua được, ai cũng mỉm cười và vỗ tay. 9 ngày qua, chúng tôi dù ở xa hay ở gần đều túc trực bên công trường, thay ca nhau 24/24 để giải quyết sự cố. Ngủ thì trong những khu tập thể, tự mua chiếu trải xuống nền nhà ngã lưng, làm 3 ca liên tục", ông Định cho hay.

Hầm Bãi Gió nằm trên địa bàn xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hầm này dài khoảng 900 m, được Pháp xây dựng năm 1930, đưa vào sử dụng từ năm 1936. Vỏ hầm làm bằng bêtông, dài hơn 400 m, cao 5 m, rộng 4 m. Sau gần 90 năm khai thác, sử dụng, hầm đã bị xuống cấp nặng và hiện đang được sửa chữa, gia cố theo Gói thầu số 11A, Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư. Khi xảy ra sạt lở vào ngày 12/4, ngành Đường sắt khẩn trương đưa thiết bị, nhân lực vào để đưa đất, đá ra ngoài, việc khắc phục gặp nhiều khó khăn do quá chật hẹp. Trong khi đó, tình trạng sat lở tiếp tục xảy ra, không đảm bảo an toàn trong lúc thi công.

Tàu SE8 qua hầm Bãi Gió tối 21/4

Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc điều hành dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang cho biết, thi công trong hầm chật, hẹp, thiếu không khí, nguy cơ sạt lở cao nên đơn vị đã thay đổi phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối.

"Ban đã mời tổ chuyên gia, các đơn vị có kinh nghiệm trong làm hầm cùng đưa ra phương án đấy, thống nhất phương án đấy là phương án tối ưu. Có cơ sở an toàn nhất định. Đặc thù của hầm đường sắt là không gian chật hẹp, điều kiện không gian thực hiện không có nhiều. Việc làm phải tuần tự, không thể đồng loạt như các hầm đường bộ bình thường, đào dần và lắp vì chống, phun neo dần dần", ông Hưng nói.

Công nhân ngành Đường sắt thông hầm Bãi Gió

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt cho biết, đường sắt quốc gia hiện có 39 hầm đường sắt; trong đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam có 27 hầm. Việc tu bổ, sửa chữa các hầm đường sắt cũng như kết cấu hạ tầng đường sắt nói chung còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí bố trí hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 40%-50% so với nhu cầu. Ông Trần Thiện Cảnh cho biết thêm, vừa qua, trong quá trình gia cố, sửa chữa, việc khảo sát, các đơn vị không lường hết mọi yếu tố liên quan nên xảy ra sự cố.

"Chúng ta không lường hết được, vị trí bị sự cố rơi vào đúng vị trí không phải mũi khoan thăm dò, có xảy ra bục vỏ hầm. Rút kinh nghiệm trong thời gian tới, qua xử lý sự cố này, xem xét phương pháp gia cố cố kết đỉnh hầm trước khi đục vào vỏ hầm để tránh gây sạt lở như vừa qua", ông Cảnh cho biết thêm.

Sự cố hầm Bãi Gió đã gây thiệt hại nặng nề đến hạ tầng và giao thông vận tải đường sắt. Gần 30 ngàn hành khách trên 110 chuyến tàu phải chuyển tải bằng ô tô qua đèo Cả mất thêm thời gian, kinh phí. Hàng chục chuyến tàu hàng cũng phải trung chuyển. Đó là chưa kể đến việc nhiều hành khách hủy vé, hủy vận chuyển hàng hóa. Về đường bộ, đoạn qua đèo Cả, cơ quan chức năng đã cấm ô tô lưu thông. Các phương tiện phải đi hầm đường bộ Đèo Cả hoặc phân luồng lên Tây Nguyên, chi phí tăng thêm cho hàng trăm cây số.

Cửa phía Bắc hầm Bãi Gió

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, ngành Đường sắt đã rút ra được nhiều kinh nghiệm sâu sắc qua sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió vừa qua.

"May mắn là sự cố lần này đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng. Qua sự cố này sẽ có những giải pháp mang tính chủ động hơn, rà soát kiểm đếm tất cả những tài sản cầu, hầm kiến trúc có tuổi thọ đã lâu, có nguy cơ mất an toàn. Chúng ta triển khai các biện pháp, giải pháp để chúng ta gia cố trước, tránh tình trạng bị động để xảy ra sự cố", ông Mạnh bày tỏ.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-luong-truoc-duoc-su-co-ham-duong-sat-bai-gio-tinh-khanh-hoa-post1090642.vov