KHÔNG LÀM THÌ ĐỨNG RA MỘT BÊN...

Trong chuyến làm việc tại tỉnh Đồng Nai về giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) và tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói về tầm quan trọng của việc giải phóng mặt bằng cho dự án nói trên, với số tiền lên tới 23.000 tỷ đồng, nên cần xử lý nhanh, dứt điểm.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm”. Phát biểu này thể hiện thái độ quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trước sự trì trệ, chậm chạp của không ít bộ, ngành, địa phương trong giải ngân VĐTC suốt thời gian qua.

Một điều hết sức bất cập cứ lặp đi lặp lại mấy năm nay, đó là việc giải ngân VĐTC chậm, không năm nào hoàn thành kế hoạch, có nghĩa là có tiền, thậm chí có nhiều tiền, mà không tiêu được! Lãi vay thì vẫn phải trả! Trong khi nhu cầu của xã hội là quá lớn, từ những cơ sở hạ tầng cấp bách cho tới các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm. Điều kỳ lạ là cùng một cơ chế, chính sách nhưng kết quả giải ngân VĐTC của các bộ, ngành, địa phương lại rất khác nhau. Đến thời điểm này, có tới 7 bộ, cơ quan Trung ương có chất lượng giải ngân vốn theo kế hoạch năm rất tệ, tỷ lệ giải ngân chỉ dưới 5%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Thế nhưng cùng với đó lại có 3 bộ và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 50%; trong đó Ninh Bình giải ngân được tới 72%, Nghệ An giải ngân được hơn 60%. Cùng một cơ chế, chính sách, thủ tục liên quan tới giải ngân VĐTC, có những bộ, địa phương làm được và làm rất tốt; có bộ, địa phương không làm được. Như thế, lỗi là ở cơ chế hay lỗi ở con người?

 Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các đơn vị thực hiện cam kết với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện dự án đúng tiến độ. Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các đơn vị thực hiện cam kết với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện dự án đúng tiến độ. Ảnh: TTXVN

Việc quản lý, giám sát VĐTC ngày càng chặt chẽ, minh bạch hơn là một yêu cầu tất yếu. Thế mà VĐTC hiện vẫn được cho là đầu tư chưa hiệu quả bằng đồng vốn tư nhân. Cùng một loại công trình, nếu là do tư nhân đầu tư, quản lý thì giá thường rẻ hơn và chất lượng thường tốt hơn. Vì thế, nếu ai đó cho rằng hiện nay việc quản lý VĐTC chặt quá, đến mức không tiêu nổi tiền, muốn tiêu được tiền phải nới lỏng quy định, thì người ấy phải xem lại. Bởi chúng ta dứt khoát không thể tạo ra sự dễ dãi trong việc sử dụng VĐTC, để rồi lại có những dự án, công trình chất lượng kém có giá "cắt cổ". Để nâng cao chất lượng đầu tư công, chúng ta cứ hình dung như trong một cuộc thi chạy, cần phải khích lệ tất cả cố gắng chạy theo kịp người chạy nhanh nhất, không để ai bị bỏ lại quá xa, chứ không phải tất cả phải chạy chậm lại để chờ người chạy chậm nhất.

Nhằm thúc đẩy giải ngân VĐTC, trong một số hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều chuyển nguồn vốn từ nơi giải ngân kém sang nơi giải ngân tốt hơn. Đây là cách làm đúng đắn. Thế nhưng một điều cần thiết không kém, đó là phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ, ngành và mạnh dạn thay đổi cán bộ thực thi nếu như cán bộ đó không hoàn thành nhiệm vụ. “Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm” vừa là đòi hỏi, vừa là lời nhắc nhở về tính tự trọng của mỗi cán bộ. “Đứng ra một bên” cũng có thể không phải là loại cán bộ khỏi công việc, mà là luân chuyển, tìm ra vị trí mới, công việc mới, phù hợp với người cán bộ đó.

Cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thì yêu cầu công việc sẽ ngày càng khó khăn hơn. Sức ép, rủi ro thì nhiều hơn, mà lợi lộc có khi lại ít đi. Để vượt qua được những yêu cầu khắt khe đó, đòi hỏi người cán bộ thực thi phải có lý tưởng, có đạo đức tốt, trách nhiệm cao trong công việc, năng lực chuyên môn sâu và có bản lĩnh, dám nhận và có giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-lam-thi-dung-ra-mot-ben-627707