'Không kiểm soát dòng tiền dịch chuyển, kê khai tài sản chỉ để đấy'

Ông Lê Như Tiến cho rằng, chừng nào không kiểm soát được dòng tiền, dòng tài sản dịch chuyển ngầm thì khi đó việc kê khai tài sản cũng chỉ để đấy.

Sự minh bạch của khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng của bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công thương đúng, sai đến đâu, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ. Song, qua vụ việc này thêm một lần nữa cho thấy công tác kê khai, công khai tài sản của cán bộ, đảng viên còn nhiều tồn tại. Đó còn là câu chuyện kiểm soát quyền lực ra sao để phòng ngừa cán bộ có thể lợi dụng việc công để trục lợi cá nhân.

Về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

PV: Vụ việc liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương thêm một lần nữa cho thấy công tác kê khai, công khai và kiểm soát tài sản của cán bộ, đảng viên có nhiều điểm bất hợp lý và cần sửa đổi. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Ông Lê Như Tiến: Sự việc này nói đến một điều: tại sao cán bộ lãnh đạo cấp Thứ trưởng của một Bộ lại có một khối lượng tài sản khổng lồ đến như thế mà bao nhiêu năm nay không bị phát hiện? Trong khi đó, hàng năm chúng ta đều có kê khai tài sản, sự chuyển dịch tài sản của cán bộ, công chức. Vào mỗi kỳ bầu cử hay đại hội cũng đều có kê khai tài sản. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, hầu như các cấp lãnh đạo đều kê khai tài sản theo đúng quy định nhưng có công khai tài sản đó và việc kê khai có trung thực không?

Rõ ràng đây là một vấn đề mà không phải chỉ có một mình Thứ trưởng Bộ Công Thương, nếu kiểm tra lại và dư luận xem xét, các cơ quan chức năng vào cuộc thì còn rất nhiều người khác, chức vụ tương đương hoặc cao hơn, thấp hơn cũng có những khối tài sản khổng lồ mà bằng cảm quan chúng ta cũng có thể thấy. Nhưng cơ chế nào để kiểm tra, giám sát được khối tài sản đó là cả một vấn đề.

PV: Phải chăng để việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên thực chất thì phải có đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát việc kê khai và quan trọng là công khai số tài sản đó để nhân dân và báo chí giám sát, thưa ông?

Ông Lê Như Tiến: Đúng như vậy. Kê khai xong rồi thì hầu như các bản kê khai đó cất vào tủ của những người quản lý nhân sự hoặc để ở một nơi nào rất khó kiểm soát, kiểm tra. Kê khai phải đi đôi với công khai và minh bạch. Muốn minh bạch thì chúng ta phải quản lý được dòng tài sản, dòng tiền dịch chuyển như thế nào của mỗi cán bộ, công chức.

Chừng nào không kiểm soát được dòng tiền, dòng tài sản dịch chuyển, mà nó là dòng dịch chuyển ngầm thì khi đó kê khai cũng chỉ để đấy mà thôi. Lâu nay, tôi thấy cũng chưa xử lý trước pháp luật những ai kê khai không trung thực hoặc bị kỷ luật ở cấp này, cấp khác. Điều đó cũng thể hiện sự chưa nghiêm minh của chúng ta.

PV: Trả lời báo chí, đại diện Bộ Công Thương đã xác nhận số tài sản lớn của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã được kê khai mà không cho biết Bộ đã xác minh, kiểm tra nguồn gốc tài sản này hay chưa. Theo ông, trong trường hợp này Bộ Công Thương đã làm hết trách nhiệm trong việc minh bạch tài sản cán bộ của mình hay chưa?

Ông Lê Như Tiến: Xác minh tài sản là một mặt, nhưng quan trọng nhất phải tìm ra nguồn gốc của tài sản đó. Nếu tài sản đó có nguồn gốc bất minh thì cơ quan chức năng phải vào cuộc, xử lý nghiêm theo pháp luật. Nếu thông tin đó không đúng như thế mà chỉ là tin đồn thì phải minh oan cho cán bộ của mình.

PV: Nhiều chuyên gia kinh tế thắc mắc, bà Hồ Thị Kim Thoa từng là lãnh đạo Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, lên làm Thứ trưởng lại quản lý cả doanh nghiệp mà bà Thoa cùng gia đình sở hữu cổ đông rất lớn thì liệu có đúng pháp luật hay không? Lãnh đạo phụ trách ngành có được giữ cổ phần chi phối khi lên chức hay không, thưa ông?

Ông Lê Như Tiến: Tôi cũng băn khoăn về việc đó. Trước đó, anh đã làm lãnh đạo cơ quan, sau này lên chức anh lại quản lý nhà nước về ngành đó và trực tiếp quản lý doanh nghiệp đó, rõ ràng có những vấn đề thiếu chặt chẽ và kẽ hở. Vì khi họ có quyền thì rất dễ lạm quyền, lộng quyền.

Trong Luật phòng, chống tham nhũng cũng đã có những quy định về việc cán bộ, công chức làm ở mức nào thì người nhà không được tham gia vào hoặc anh đã là cán bộ quản lý nhà nước thì phải rất cẩn trọng trong việc giao cho người ta quản lý những doanh nghiệp, tập đoàn mà trước đó họ là người đứng đầu, nhưng cũng chính chúng ta cũng chưa cụ thể hóa được Luật. Có rất nhiều điều trong Luật phòng, chống tham nhũng còn chưa có văn bản hướng dẫn. Đây cũng chính là một kẽ hở cần lấp đầy.

PV: Trước sự phản ánh của báo chí và sự chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giờ đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ thông tin. Song điều quan trọng hơn là qua những vụ việc tương tự như vậy cần phải rà soát, bổ sung những quy định để kiểm soát quyền lực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Như Tiến: Kiểm soát quyền lực là một vấn đề rất quan trọng, thậm chí là rất hệ trọng bởi vì giao quyền quản lý mà không kiểm soát thì rất dễ dẫn đến chuyên quyền, lộng quyền và độc quyền. Vì vậy, giao quyền lực thì phải kiểm soát quyền lực.

Cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta cũng đang có kẽ hở. Ở Bộ, ngành, địa phương nào cũng có cấp ủy thì cơ chế giám sát, kiểm tra của cơ quan đảng ở đó thế nào khi thấy đảng viên tập trung quá nhiều cổ phần, cổ phiếu mà cũng không có ý kiến gì cả. Vậy vai trò của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, cơ quan chuyên ngành về kiểm tra, thanh tra ở đâu?

Nếu đã vào cuộc vào thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Bí thư thì các Bộ, ngành cũng phải tiến hành đồng bộ. Tôi cũng đề nghị cần phải rà soát lại rất nhiều cán bộ có chức, có quyền cũng có những khối tài sản khổng lồ mà chúng ta chưa biết hết được.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thanh Trường - K.Anh/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/tien-dich-chuyen-ngam-thi-ke-khai-tai-san-chi-de-day-ma-thoi-595456.vov