Không hiểu rõ lợi thế khiến doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng 'ngó lơ' ESG

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng chưa thực sự hiểu rõ về ESG cùng những lợi thế có được khi thực hành ESG.

Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu lợi thế của ESG

Phát triển bền vững đang được xem là xu thế tất yếu và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Trong đó, việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social, Covernance - Môi trường, xã hội và quản trị) để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng dần trở thành hoạt động quan trọng của doanh nghiệp.

Cũng như doanh nghiệp ở các quốc gia khác, việc xây dựng chiến lược và thực hành ESG cũng như thực hiện báo cáo bền vững theo mô hình ESG đã được doanh nghiệp Việt Nam triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng chưa thực sự hiểu rõ về ESG cùng những lợi thế có được khi thực hành ESG.

Các diễn giả trao đổi về thực hành ESG tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo “Thực hành ESG - Hướng đi cho ngành vật liệu xây dựng" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức với sự đồng hành của Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh ngày 9/11, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam - cho biết: Hàng năm, ngành xây dựng tạo ra 40% lượng khí thải CO2 toàn cầu (14.6 GT). Trong đó, hoạt động sử dụng, vận hành chiếm 27%/năm; ngành vật liệu xây dựng chiếm 6%/năm và cơ sở hạ tầng chiếm 7%/năm.

Theo số liệu kiểm kê phát thải nhà kính của Bộ Xây dựng đối với vật liệu xây dựng, năm 2015 ngành này phát thải 63 triệu tấn CO2 ra môi trường và năm 2020 tăng lên đến 87 triệu tấn CO2. Dự báo con số này có thể tiếp tục tăng lên 125 triệu tấn CO2 vào năm 2030 và đến năm 2050 có thể lên tới 148 triệu tấn CO2 (gấp từ 2 đến 3 lần so với năm 2015). Trong đó, chỉ tính riêng lĩnh vực sản xuất xi măng, ông Kỳ cho biết: Lượng phát thải mà các cơ sở sản xuất xi măng thải ra môi trường vào năm 2015 chiếm tới 70% lượng phát thải trong ngành vật liệu xây dựng và năm 2020 chiếm 75%. “Đây là những thực trạng cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang là những người cần thực hiện nhanh chóng về việc thực hành ESG”- ông Kỳ nói.

Đâu là rào cản?

Chỉ ra rào cản khiến các doanh nghiệp chưa chú ý nhiều tới thực hành ESG, ông Đinh Hồng Kỳ cho biết: Đối với ngành xây dựng và vật liệu xây dựng hầu như các doanh nghiệp đều nghe đến Net Zero và giảm phát thải bằng 0, nhưng các doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu khi thực hành ESG. Do vậy, số doanh nghiệp thực hành ESG trong ngành vật liệu xây dựng vô cùng ít và chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia.

“Việc thiếu kiến thức trong việc thực hành ESG khi không biết phải thực hành từ đâu cũng như chưa rõ được lộ trình hay cách thức để thực hành ESG là rào cản lớn dẫn đến doanh nghiệp chưa thể thực hiện theo quy trình này”- ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh bổ sung.

Trên thực tế, theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, ESG không phải là bộ tiêu chuẩn mà là khung thay đổi. Chính vì không phải là bộ tiêu chuẩn nên ESG không phải là cái đích chúng ta hướng đến mà đó là một hành trình. Chính vì vậy, ESG không có khung chuẩn nên mỗi một ngành, một doanh nghiệp sẽ có một khung ESG khác nhau. “Vấn đề hiện nay là bản thân doanh nghiệp cần sắp xếp lại doanh nghiệp theo các chuẩn của khung này. Cái nào thừa thì cắt bỏ, cái nào chưa có thì bổ sung. Doanh nghiệp chỉ tốn kém nhiều chi phí khi không xây dựng chuẩn ESG từ đầu mà thôi”- ông Kỳ chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh: Thực hành ESG là đầu tư cho tương lai

Thực hành ESG là con đường tất yếu phải đi cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt cho ngành xi măng Việt Nam. Đây là những khoản đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp, là mình tự cứu mình để thích ứng với luật chơi “xanh” toàn cầu. Do vậy, công ty đã triển khai hàng loạt dự án cải tiến hoạt động nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng tỉ lệ sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế CO2. Đồng thời, đầu tư vào các sáng kiến tháo gỡ nút thắt, nâng cấp thiết bị và cải tiến quy trình nhằm giảm mức tiêu thụ nhiệt trong sản xuất clinker.

Nhờ đó, tỷ lệ clinker trong xi măng công ty sản xuất trong năm tài chính 2023 là 55.6% thấp hơn so với mục tiêu 65% trong Quyết định 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, cũng trong năm 2023, có 246.000 tấn chất thải công nghiệp (tro bay và xỉ) đã được sử dụng như nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Ngoài ra, mức phát thải CO2 trung bình trên tấn sản phẩm xi măng của công ty cũng giảm còn 490 kg CO2/tấn vật liệu xi măng.

Tiến sĩ Lê Văn Quang - Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng Miền Nam: Cần thay đổi nhận thức

Áp dụng ESG vừa là chi phí, vừa là cơ hội của Việt Nam và cả thế giới. Hiện nay, vì chế tài chưa có nên việc thực hành ESG trong doanh nghiệp chưa phổ biến. Các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc thực hành tiêu chuẩn ESG thì Chính phủ cũng cần đưa ra các chế tài để xử lý những trường hợp này.

Tuy vậy, để hành động một cách thực chất và có hiệu quả, trước hết doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức để xây dựng được báo cáo ESG một cách bài bản.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-hieu-ro-loi-the-khien-doanh-nghiep-nganh-vat-lieu-xay-dung-ngo-lo-esg-284505.html