Không hẹn mà nên

Một công trình khoa học của nhóm nghiên cứu do TS Damian Blasi, một nhà ngôn ngữ học làm việc tại Đại học Zurich (Đức), được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ mới đây cho thấy có sự tương đồng đáng kể về từ vựng trong các ngôn ngữ khác nhau khi nói về cùng một khái niệm.

Nhóm nghiên cứu của TS Blasi (gồm nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực nhân chủng học, ngôn ngữ học, lịch sử và thống kê), đã phân tích một tập hợp từ có nguồn gốc từ gần 4.300 trong số tổng cộng hơn 6.000 ngôn ngữ đã được biết đến trên thế giới. Họ tập trung vào các từ thể hiện 100 khái niệm cơ bản: Tên các bộ phận trong cơ thể (chẳng hạn như “mũi”, "xương" và "tai"); các sự vật, hiện tượng tự nhiên phổ biến (như "lá" và "ngôi sao"). Động từ "cắn"; các đại từ "tôi", "bạn" và "chúng tôi", cùng một số tính từ như "đỏ", “chín”… cũng được tập hợp, phân tích. Những từ này được ghi âm lại bằng một bảng phiên âm quốc tế với 34 phụ âm và 7 nguyên âm.

Kết quả là, dù đã biết chắc chắn có sự tương đồng ở một số từ vì phát sinh cùng gốc (chẳng hạn như "language", “langue” và "lingua" - ngôn ngữ); hay những từ khác như "đường", "trà" và "cà phê” được giao dịch phổ biến trên toàn thế giới nên cũng có tên gọi khá tương đồng trong nhiều ngôn ngữ, nhóm nghiên cứu vẫn bị bất ngờ về tỷ lệ nhất quán khá cao.

Chẳng hạn, có rất nhiều từ để chỉ người mẹ (mother, mom, mama, mẹ, má…) bắt đầu bằng phụ âm “m”; những từ để chỉ chiếc "mũi", thường liên quan đến phụ âm “n” hoặc nguyên âm “o" (đọc là /ou/). Khái niệm và thuộc tính "tròn" có rất nhiều duyên nợ với phụ âm “r” (tiếng Anh: round), trong khi từ “cát” ở nhiều ngôn ngữ bắt đầu phụ âm “s” (sand). Tổng cộng, gần một phần ba trong số 100 khái niệm được lựa chọn có những điểm tương đồng dễ nhận thấy giữa các ngôn ngữ được nghiên cứu.

Lý giải về sự tương đồng này, một số ý kiến cho rằng, có những âm thanh mang tính biểu tượng, theo đó, chính cấu trúc âm mũi đã khiến phụ âm “n” có mặt ở những từ chỉ “cái mũi” trong rất nhiều ngôn ngữ. Quy luật về các giác quan cũng được vận dụng để giải thích, chẳng hạn như các màu sắc trầm, sẫm thường gắn với các âm trầm và ngược lại, những màu sắc tươi sáng thường có xu hướng được đại diện bởi các âm bổng…

Tuy đến thời điểm này vẫn chưa có một giải thích đủ thuyết phục được số đông về sự tương đồng này, nhưng ít nhất thì - theo TS Blasi - tính ngắn gọn, dễ hiểu và tiện dụng (để có thể nói hàng trăm lần một ngày) chính là sợi dây xâu chuỗi những từ có tần suất tương đồng cao nhất. “Huh” (hử, hở, hừm) là một từ như thế. Nó có mặt trong hầu hết các ngôn ngữ được nghiên cứu với ý nghĩa không thể nhầm lẫn.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khong-hen-ma-nen.aspx