Không gian độc đáo tôn vinh những bức tranh dân gian Hàng Trống

Len lỏi trong con ngõ nhỏ ở phố Duy Tân (Cầu Giấy), khách sạn Smarana Hanoi Heritage trở thành địa điểm check-in lý tưởng cho những tâm hồn yêu hội họa và các giá trị dân tộc. Đây là nơi đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội được xây dựng theo chủ đề tranh dân gian Hàng Trống.

Một góc trong khách sạn Smarana Hanoi Heritage.

Cho đến thời điểm này, khách sạn Smarana Hanoi Heritage là khách sạn đầu tiên và duy nhất tại Hà Nội được xây dựng theo chủ đề tranh dân gian Hàng Trống, dưới sự cố vấn trực tiếp của nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh này - ông Lê Đình Nghiên, nhà thiết kế Trịnh Thu Trang và nữ “phù thủy" tạo nên những công trình khách sạn nổi bật tại Việt Nam – kiến trúc sư Đào Thị Thanh Hương.

Smarana Hanoi Heritage là khách sạn đầu tiên lấy cảm hứng thiết kế từ dòng tranh dân gian Hàng Trống.

Bước vào Smarana Hanoi Heritage như một cuộc thưởng lãm nghệ thuật, đưa du khách chìm đắm vào không gian của dòng chảy văn hóa tranh dân gian Hàng Trống. Khuôn viên khách sạn bài trí như một buổi triển lãm, với bộ sưu tập lên tới hơn 72 bức tranh Hàng Trống nguyên bản do chính nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ.

Khách sạn được bài trí như một “bảo tàng" tranh thu nhỏ.

Bức tranh chữ "Phúc" cao tới 2m đặt ngay sảnh khách sạn.

Điểm nhấn của hành trình nghệ thuật này là bức chữ “Phúc” lồng ghép tích Nhị thập tứ hiếu với chiều cao tới 2m đặt ngay tại cửa chính khách sạn. Đây có thể coi là bức tranh Hàng Trống lớn nhất tồn tại tới thời điểm này, do nghệ nhân dày công tạo tác trong ba tháng.

Bốn bức tranh tố nữ có tuổi đời vài thập kỷ.

Bộ tranh "Tố nữ" thuộc thể loại tranh Tứ Bình trưng bày tại sảnh đón khách. Bốn bức tranh Hàng Trống đương đại khắc họa bốn thiếu nữ Việt Nam với trang phục xưa, vấn tóc, mặc áo dài với bốn dáng điệu thổi sáo, cầm sênh tiền, cầm quạt và gảy đàn nguyệt. Điểm đặc biệt là bốn thiếu nữ đều để lộ bàn chân - điểm kín đáo và gợi cảm của phụ nữ theo quan niệm xưa.

Tranh Hàng Trống được bài trí ở khắp các không gian trong khách sạn.

Tranh Hàng Trống được bài trí ở khắp các không gian trong khách sạn từ sảnh check-in, quầy bar, cầu thang, thang máy, nhà ăn, sky-bar, spa... trong đó có một số bức nổi tiếng như: Khổng tước, Chợ quê, Dĩ nông vi bản, Rồng rắn lên mây, Mẫu Thượng Thiên, Ngũ tử đăng khoa... Những gam màu rực rỡ, những đường nét họa tiết kiêu kỳ và những điển tích ẩn giấu trong từng bức tranh đã thổi vào từng ngõ ngách của khách sạn nghệ thuật Smarana một hồn tranh Hàng Trống tròn đầy và đậm màu hoài niệm.

Ông Lê Đình Nghiên được xem là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Dòng tranh này từng rất hưng thịnh tại Thăng Long xưa, đặc biệt vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thể hiện gu thẩm mỹ và trình độ hội họa của các nghệ nhân đất Kinh kỳ.

Ngày nay, không ít tác phẩm tranh Hàng Trống được vẽ từ thế kỷ trước được trưng bày và đấu giá tại châu Âu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và biến đổi của dòng chảy văn hóa, ánh hào quang của dòng tranh Hàng Trống dần phôi pha theo thời gian, tưởng chừng như chìm vào dĩ vãng. Phải đến vài năm trở lại đây, công chúng yêu nghệ thuật được tiếp cận nhiều hơn với dòng tranh này nhờ vào sự khôi phục và bảo tồn của những người tâm huyết.

Thiết kế trang phục duyên dáng lấy cảm hứng từ các tài nữ Thăng Long xưa.

Bà Trần Thị Kiều Loan, tổng quản lý khách sạn chia sẻ: “Smarana Hanoi Heritage mong muốn tạo sự hài lòng tuyệt đối cho khách hàng dựa vào dịch vụ xuất sắc, đồng thời đưa tới cho khách hàng một không gian văn hóa, một hành trình khám phá di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến mà tranh Hàng Trống là trung tâm”.

Không dừng lại ở những dịch vụ tiện nghi, kiến trúc tinh xảo và trải nghiệm ẩm thực ấn tượng; Smarana Hanoi Heritage còn là nơi tổ chức những hoạt động văn hóa thủ công đầy thú vị. Một trong số đó là workshop Vẽ tranh Hàng Trống - Gìn giữ nét cọ dân tộc.

Tại workshop, khách tham dự sẽ được hướng dẫn, sau đó tự chọn lựa bản vẽ và tự tay tô màu lên bản in chất liệu giấy dó chuyên dùng trong mỹ thuật dân gian Việt Nam. Đặc biệt bản in này được in từ chính mộc bản của nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người họa sỹ tranh Hàng Trống cuối cùng. Khách tham dự có thể mang thành phẩm về nhà sau khi hoàn thành.

Người tham gia được tận tay họa nên những nét cọ trên bề mặt giấy dó.

Bản in tranh từ chính mộc bản của nghệ nhân.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người thực hiện việc in ấn này nên tranh sẽ đảm bảo đúng theo phương pháp truyền thống của tranh Hàng Trống.

Bạn Lan Hương (24 tuổi, Hà Nội), người tham dự workshop cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình đến một workshop mà mình được tận mắt nhìn thấy tranh Hàng Trống nguyên bản và thực hiện với nghệ nhân. Màu vẽ và chất liệu giấy vẽ cũng đầy hoài cổ. Mình cảm nhận được một nghệ thuật bình dị, tinh tế và rất đỗi tự hào. Trải nghiệm này thực sự rất đáng giá, nếu có cơ hội mình sẽ dẫn bạn bè mình đi tiếp”.

Workshop vẽ tranh Hàng Trống diễn ra vào 10:30 sáng mỗi thứ 5 và Chủ Nhật hàng tuần tại sảnh La Mémoire của khách sạn Smarana Hanoi Heritage. Không gian sảnh khách sạn Smarana Hanoi Heritage cũng đang trưng bày 72 bức tranh Hàng Trống nguyên bản góp phần làm không khí buổi workshop thêm nhiều cảm hứng dân gian và màu sắc.

Hành trình khám phá không gian đậm nét Thăng Long xưa với những bức tranh Hàng Trống là trải nghiệm độc đáo ai cũng nên thử một lần. Khách sạn Smarana Hanoi Heritage tựa như “nét cọ” trên bức tranh “di sản Hà Nội” nhằm góp công sức vào quá trình bảo tồn và quảng bá tranh Hàng Trống nói riêng và nền văn hóa nghìn năm của Thủ đô Hà Nội hơn ngàn năm văn hiến nói chung.

Nguyễn Phạm Thùy Trang
Sinh viên thực tập

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/khong-gian-doc-dao-ton-vinh-nhung-buc-tranh-dan-gian-hang-trong-353060.html