Không để Việt Nam thành bãi thải công nghệ

Ngày 22-11, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Nhật Nam

Chiều 22-11, thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật này, đồng thời nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng quản lý tốt, nếu không Việt Nam có thể trở thành bãi thải công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật còn thiếu quy định về bộ đánh giá công nghệ cũng như bộ tiêu chuẩn về năng lực của các tổ chức đánh giá, thẩm định công nghệ; thiếu cơ chế kiểm tra chéo để bảo đảm chất lượng đánh giá, thẩm định công nghệ. ĐB đề nghị rà soát lại để quy định cụ thể về chính sách thúc đẩy năng lực sáng tạo và CGCN của chính lực lượng trong nước như các viện nghiên cứu, trường đại học...

Báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu để hoàn chỉnh dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét; đồng thời khẳng định, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ ô nhiễm môi trường.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, ĐBQH đã phát biểu thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Hỗ trợ DNNVV là một bước để luật hóa, cụ thể hóa những chủ trương, chính sách để hỗ trợ DNNVV một cách cụ thể nhất và khả thi cao nhất. Ban soạn thảo và Chính phủ đã xác định nguyên tắc xây dựng dự án Luật Hỗ trợ DNNVV là hỗ trợ không vi phạm các nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết quốc tế và phù hợp với khả năng của ngân sách trong từng thời kỳ.

Ban soạn thảo cũng xác định rõ, không hỗ trợ những thứ Nhà nước có, Nhà nước muốn mà hỗ trợ những thứ DN cần; cũng không phải hỗ trợ trực tiếp cho DN mà hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho DN. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến các ĐBQH để nghiên cứu hoàn chỉnh dự án luật này trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba.

Cũng trong sáng 22-11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Theo đó, Điều 6 Luật Đầu tư đã bổ sung kinh doanh pháo nổ vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đáng chú ý, luật trên vẫn duy trì một số điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề như: Kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô; kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ; xuất khẩu gạo; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô. Luật cũng thu hẹp điều kiện về “kinh doanh mũ bảo hiểm” thành “sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”; bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Riêng quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017: Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Chính phủ được giao quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử là hai năm, kể từ ngày 1-2-2017.

Lấp lỗ hổng trong chuyển giao công nghệ

(HNM) - Quá trình chuyển giao công nghệ bộc lộ không ít bất cập, đặc biệt là việc nhập một số dây chuyền có công nghệ lạc hậu đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp làm ăn đình trệ, thua lỗ và hệ lụy khác.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855848/khong-de-viet-nam-thanh-bai-thai-cong-nghe