Không để 'vàng thau lẫn lộn'

Chia sẻ tại tọa đàm về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 23.2, PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, để chọn được chương trình đào tạo uy tín, phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin và không chỉ nên dựa vào thông tin bảng xếp hạng của các trường quốc tế liên kết.

Hành lang pháp lý khá đầy đủ

Liên kết quốc tế hay còn được biết đến là hình thức học để lấy bằng quốc tế. Việc thực hiện chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới được kỳ vọng là một giải pháp giúp tăng cường quốc tế hóa giáo dục đại học. Việc tham gia các chương trình này cũng giúp người học có cơ hội được trải nghiệm chương trình học quốc tế và nhận bằng quốc tế với chi phí thấp hơn du học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 6.2023, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện nay ở Việt Nam chương trình liên kết đào tạo có nhiều hình thức như: học lấy bằng nước ngoài tại cơ sở chi nhánh của trường đại học quốc tế; học lấy bằng kép tại hai trường đại học thuộc hai quốc gia; học chương trình liên kết quốc tế 2+2 hoặc học trực tuyến lấy bằng nước ngoài... Khi học chương trình quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc.

Tọa đàm "Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, học và cấp bằng như thế nào?" chiều 23.2. Ảnh: Quốc Việt

Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, hành lang pháp lý để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Việt Nam khá đầy đủ. Cụ thể, Luật Giáo dục đại học 2012 đã dành một điều quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài (Điều 45). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn các yêu cầu bảo đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư với nước ngoài. Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khẳng định, các quy định pháp luật đã giúp cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là những cơ sở tự chủ được đặt ra các tiêu chí tuyển sinh cao hơn với yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Cùng với đó, việc triển khai tuyển sinh cũng được chủ động, không nhất thiết theo thời gian tuyển sinh của Bộ.

Quan tâm thực chất chương trình đào tạo

Mặc dù các quy định pháp luật đã khuyến khích liên kết đào tạo quốc tế, tuy nhiên đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học chỉ ra rằng, các quy định hiện nay mới tập trung ở điều kiện thực hiện liên kết đào tạo. Những quy định liên quan đến tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo có được nhắc đến nhưng không cụ thể, dẫn đến việc hiểu và thực hiện chương trình liên kết đào tạo khác nhau và chất lượng các chương trình liên kết đào tạo khác nhau, bị xã hội đánh giá là "vàng thau lẫn lộn", hiệu quả đóng góp cho hệ thống giáo dục đại học không cao, ảnh hưởng không tích cực trong xã hội và làm mất đi phần nào ý nghĩa, sứ mệnh của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Theo PGS.TS. Lê Trung Thành, các văn bản hiện nay chủ yếu hướng dẫn thực hiện tổ chức đào tạo các chương trình liên kết. Tuy nhiên, các hướng dẫn cũng như yêu cầu chi tiết về việc làm thế nào giám sát chất lượng đào tạo, công khai chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài như tỉ lệ sinh viên có việc làm, mức lương khởi điểm... thì chưa quy định chặt chẽ, trong khi đây là những thông tin quan trọng phản ánh chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, việc sàng lọc và cung cấp thông tin chính thống chưa đầy đủ, bên cạnh yêu cầu các trường tự cung cấp thì trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hạng mục cung cấp thông tin này. Việc thiếu thông tin khiến phụ huynh và học sinh bối rối và khó xác định chương trình nào hợp pháp được đào tạo ở Việt Nam. Ngoài ra, với sự nở rộ của các chương trình liên kết đào tạo, cạnh tranh bằng mức học phí, khiến chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng.

Do đó, PGS.TS. Lê Trung Thành cho rằng, phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin và không chỉ nên dựa vào thông tin bảng xếp hạng của các trường quốc tế liên kết, mà cần xem xét nhiều hơn thực chất chương trình đào tạo, sự tham gia của đối tác nước ngoài trong công tác bảo đảm chất lượng cho chương trình liên kết.

Nhiều năm gần đây, để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngoài lựa chọn đối tác có uy tín trên các bảng xếp hạng và các chương trình đào tạo phải được kiểm định tại nước sở tại, nhà trường có xem xét đến các yếu tố thế mạnh của đối tác và hỗ trợ đào tạo các ngành trong nước ở từng thời điểm. Chẳng hạn giai đoạn trước, nhà trường lựa chọn các đối tác đến nhiều từ Nga, châu Âu, nhưng hiện nay tập trung ở các nước Anh, Mỹ, Australia. Trường Quốc tế đang xây dựng chiến lược làm việc với các đối tác là các trường nằm trong Top 100 thế giới.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, TS. Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, nhận thấy, các vấn đề liên quan đến cơ sở giáo dục Việt Nam tổ chức đào tạo và cấp bằng tại nước ngoài vẫn chưa có quy định cụ thể, gây lúng túng cho các đơn vị muốn tổ chức đào tạo tại nước ngoài để quảng bá văn hóa, giáo dục của Việt Nam ra thế giới. Do đó, TS. Nguyễn Quang Thuận đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu cụ thể và sớm có văn bản hướng dẫn để các trường có thể mở rộng đào tạo, nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Thời gian tới, sẽ có một số sửa đổi phù hợp với xu thế tự chủ đại học và hội nhập quốc tế. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn về xác định chỉ tiêu chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, từ đó giúp các trường tính toán được nguồn lực. Bộ cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý dữ liệu sinh viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ràng buộc các trường trong quản lý chất lượng đào tạo...

Khải Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/khong-de-vang-thau-lan-lon-i360950/