Không để tràn lan các chương trình hài nhảm

Các chương trình trò chơi truyền hình (gameshow), truyền hình thực tế chuyên về hài hiện là món ăn tinh thần được nhiều người xem yêu thích, mang lại cho họ những khoảnh khắc thư giãn, vui vẻ, nhất là vào các dịp cuối tuần. Các chương trình hài bùng nổ đến mức ngay cả những chương trình ca múa nhạc hay nhiều chương trình giải trí khác cũng chịu ảnh hưởng và cài đặt, đan xen các yếu tố hài để thu hút khán giả.

Tuy nhiên, số lượng chưa chắc đồng hành cùng chất lượng khi các sản phẩm hài đã và đang có phần biến tướng, sa vào sự nhảm nhí và lai căng, trong khi các nghệ sĩ, kịch bản hay ngày càng khan hiếm.

Chỉ tính sơ sơ trên các kênh truyền hình hiện đã có tới hơn 20 show hài đủ thể loại được phát sóng với tần suất dày đặc, nhiều đến nỗi muốn nhớ hết tên cũng khó, từ Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Thử thách danh hài, Ơn giời! Cậu đây rồi cho đến Đấu trường tiếu lâm, Siêu hài nhí, Học viện danh hài, Làng hài mở hội, Tiếu lâm tứ trụ, Bí mật đêm Chủ nhật… Có thể nói, các chương trình hài như vậy đã “được mùa” từ khoảng ba năm trở lại đây, và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa khi mà những chương trình mới vẫn liên tục xuất hiện, thậm chí nhiều nhà sản xuất còn đầu tư mua thêm cả bản quyền các chương trình của truyền hình nước ngoài.

Diễn viên chuyên nghiệp và cả những người không chuyên nghiệp diễn hài cũng vì thế mà ngày càng đông, song có một thực tế là các chương trình hài đang trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán hoặc lạm dụng các yếu tố dung tục, thậm chí gây sốc để cố chọc cười khán giả, như các màn ôm hôn thô thiển, các màn giả gái hay giả đồng tính phản cảm, sử dụng ngôn từ thô tục... Tệ hơn, một số tác phẩm sân khấu kinh điển và các tích truyện trong kho tàng văn học dân gian…, cũng bị đem ra “chế”, xuyên tạc một cách khó chấp nhận.

Điển hình, vụ Trấn Thành biến vở cải lương Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang thành tiểu phẩm hài và cho dù có bị xử lý, người trong cuộc lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn khiến hình ảnh nghệ sĩ này xấu đi nhiều trong giới sân khấu và trong mắt người hâm mộ. Rồi đến cả các tác phẩm như: Tấm Cám, Truyện Kiều, Làng Vũ Đại ngày ấy… tiếp tục được tự do cải biên vô tội vạ để mang lại tiếng cười nhạt nhẽo mà thiếu vắng tính thẩm mỹ, nhân văn.

Không khó lý giải tại sao các show diễn và chương trình hài nở rộ trên truyền hình. Đó là do kết cấu chương trình khá đơn giản, chi phí sản xuất vừa phải, thu hút được quảng cáo, lại dễ dàng nhắm đến nhiều đối tượng từ mọi độ tuổi, ngành nghề, bởi ai cũng có nhu cầu giải trí. Mặc dù vậy, cách sản xuất chương trình theo kiểu "mỳ ăn liền" này đang khiến khán giả bội thực, còn các nghệ sĩ cho dù có là ngôi sao cũng ít nhiều “mất giá”, làm mất dần tình cảm của công chúng với họ.

Thực tế, việc xuất hiện dày đặc trong quá nhiều gameshow, chương trình hài đã khiến nghệ sĩ hài không có thời gian để nạp năng lượng và tái tạo sức sáng tạo. Những gương mặt quen thuộc của làng hài như: Trường Giang, Trấn Thành, Việt Hương, Hoài Linh… xuất hiện ở hầu hết các chương trình, nếu diễn xuất thì dễ bị lặp lại chính mình, còn nếu làm giám khảo thì nhận xét rất nhạt và chung chung, không có nhiều giá trị chuyên môn. Chưa kể “chạy sô” nhiều thì họ mắc lỗi cũng nhiều, ngôn từ, hành động có lúc vượt quá giới hạn chỉ để cố tạo ra tiếng cười miễn cưỡng. Trong khi các chương trình này chủ yếu lên sóng vào các khung giờ “vàng”, được xem là một chương trình văn hóa và có tác động nhất định đến không ít người xem, nhất là giới trẻ.

Đáng chú ý, không chỉ phát sóng trên truyền hình, các gameshow này còn phát lại kênh riêng trên in-tơ-nét, qua YouTube hoặc mạng xã hội. Nội dung trên đó nhiều khi là bản gốc cho nên chưa được biên tập, kiểm duyệt, do vậy độ phản cảm được phát tán không giới hạn. Ăn theo đó là hiện tượng vô số nhóm hài trẻ, nghiệp dư cũng ra sức câu khách bằng các clip tiểu phẩm hài với lối diễn táo bạo, chua ngoa, kịch bản khai thác các vấn đề nhạy cảm, giật gân một cách thiếu tinh tế.

Cần phải nhìn nhận rằng, sở dĩ nhiều chương trình hài rơi vào tình trạng nhạt và nhảm là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự kiểm duyệt còn lỏng lẻo của các nhà quản lý, cộng thêm thái độ bất chấp của các nhà sản xuất chỉ nhằm thu được lợi nhuận. Ngoài ra còn là cả sự dễ dãi của không ít nghệ sĩ, diễn viên đã góp phần tạo nên những tác phẩm hài thiếu tính nghệ thuật, có tác động tiêu cực đến văn hóa, thẩm mỹ người xem; là sự khan hiếm lực lượng biên kịch chuyên nghiệp, những người làm chương trình có tâm và có tầm.

Một nghệ sĩ hài lâu năm và được nhiều khán giả yêu mến đã chia sẻ rằng, nhiều show hài hiện nay để người tham gia “muốn làm gì thì làm”. Lớp diễn viên trẻ có thể có tài ăn nói, ứng biến linh hoạt, nhưng lại chủ quan, không đầu tư nghiêm túc cho phần kịch bản và luyện tập. Các nghệ sĩ đã thành danh, có tên tuổi thì xuất hiện nhiều đến mức khán giả thấy ngán với cùng một phong cách, lối diễn và không có gì sáng tạo đột phá.

Hài là loại hình có tính linh hoạt cao và gần gũi với đời sống, song ranh giới giữa tiếng cười sảng khoái, văn minh và tiếng cười thô vụng cũng rất mong manh. Để dẹp bỏ những chương trình hài nhảm, không chỉ cần có sự quản lý, kiểm duyệt sát sao của các cơ quan hữu quan. Thiết nghĩ, các nghệ sĩ cũng nên có thái độ nghiêm túc và tiết chế hơn trong nghề nghiệp, biết nói “không” với những chương trình thiếu tính nghệ thuật, nhân văn, dẫn đến làm suy giảm thị hiếu khán giả cũng như uy tín chính mình. Tiếng cười là miễn phí, song cũng là vô giá nếu gắn với cuộc sống và mang lại những phút giây thư giãn thật sự cho người xem.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/31451302-khong-de-tran-lan-cac-chuong-trinh-hai-nham.html