Không để thiếu điện

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) mới đây khẳng định, trong vài năm tới, ngành điện vẫn bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Mặc dù miền nam còn thiếu nguồn, một số nhà máy nhiệt điện chậm đưa vào vận hành nhưng, Bộ Công thương và ngành điện đã cân đối, sử dụng phương thức truyền tải điện từ miền bắc vào miền nam, từ miền trung vào miền nam. Trong 5 năm tới, khả năng đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và mức tiêu thụ điện sinh hoạt của người dân cũng tăng rất mạnh; nhu cầu, khối lượng dự án đầu tư phát triển nguồn điện rất lớn. Chúng ta cần đưa thêm 21.650 MW công suất vào vận hành. Theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư nguồn điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD, chưa kể việc xây dựng lưới điện truyền tải. Đây là một thách thức rất lớn về nguồn vốn đầu tư mà một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đủ sức đảm đương. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam sắp khai thác đến ngưỡng các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và khí. Trong tương lai gần, Việt Nam phải phụ thuộc nguồn than nhập khẩu và phải phát triển thêm năng lượng mới như điện gió, điện mặt trời.

Bộ Công thương cho biết, đang có những điều chỉnh lớn liên quan quy hoạch nguồn điện (thí dụ như điện hạt nhân). Trong khi đó, chúng ta khai thác gần như đến hết tiềm năng của thủy điện; nhiệt điện than đang gặp khó khăn do vấn đề nhập khẩu than. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như của Bộ Công thương rất rõ ràng: Bằng mọi giá phải bảo đảm cân đối cung cầu điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu đời sống xã hội của nhân dân và đất nước. Bằng mọi phương án, chúng ta phải xây dựng được những tổng sơ đồ về năng lượng giải quyết những bức xúc và yêu cầu trước mắt, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đề ra, đồng thời hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở nền tảng của năng lượng xanh và sạch. Vì vậy, chúng ta sẽ phải cân đối giữa nguồn phát, nguồn điện khác nhau từ than, khí, sức nước và năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, mặt trời, sinh khối... Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hấp dẫn, thu hút nguồn lực trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện; phát triển các nguồn điện mặt trời, điện gió. Mặc dù nhiệt điện than còn gặp một số trở ngại, bộc lộ một số bất cập nhưng không thể phủ nhận vai trò của nó, đồng thời cần nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nhất là chú trọng sử dụng công nghệ hiện đại và phương án xử lý triệt để vấn đề xả thải, tro xỉ thải, nước thải của các nhà máy nhiệt điện than bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường.

Các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư nguồn điện, chúng ta phải chuyển sang sử dụng các công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng phụ tải điện thường là 1 - 1, còn ở Việt Nam, tỷ lệ này tới 1 - 1,8. Điều này cho thấy, chúng ta vẫn sử dụng nhiều công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất thép, xi-măng… Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu không quyết liệt chuyển đổi mà cứ “gồng mình” theo nhu cầu tăng trưởng sử dụng điện kiểu này thì đất nước sẽ cạn kiệt tài nguyên, nguồn lực, tạo áp lực về môi trường và rốt cục cũng không thể đáp ứng nổi nhu cầu điện. WB đã khuyến nghị, nếu Việt Nam thực hiện tốt việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì sẽ tiết kiệm ít nhất 10 nghìn MW công suất.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31313702-khong-de-thieu-dien.html