Không để ngành hàng trái cây 'vận hành' kém linh hoạt

Giá cả và kim ngạch xuất khẩu của trái xoài sụt giảm mạnh khi những điểm yếu vẫn còn đó, như là một thí dụ điển hình ở ngành hàng trái cây Việt. Việc kém linh hoạt về mặt đa dạng thị trường, loay hoay ở tư duy sản lượng, đánh đổi về mặt chi phí, thiếu tính liên kết, vấn đề cạnh tranh… vẫn còn là những thách thức lớn ở khâu 'vận hành' của ngành hàng này.

Hơn một tháng nay, nông dân trồng xoài xuất khẩu (XK) ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng ngồi không yên vì giá bán tại vườn quá thấp so với giá thành sản xuất, khiến cho họ lỗ nặng.

Nhìn từ trái xoài

Cụ thể, giá xoài Đài Loan vốn chủ yếu cung cấp cho thị trường XK và thường đứng ở mức giá cao, nhưng trong tháng 5/2022 này chỉ dao động 2.000 - 3.500 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng xoài đang lỗ nặng vì giá bán thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Trong khi đó, xoài cát chu đang vào mùa có giá chỉ ở mức 4.000 - 6.000 đồng/kg. Giá xoài cát Hòa Lộc hiện duy trì ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg. Mức giá này giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cách đây hơn một tháng.

Giá cả và kim ngạch xuất khẩu của trái xoài sụt giảm mạnh khi những điểm yếu vẫn còn đó.

Giá cả và kim ngạch xuất khẩu của trái xoài sụt giảm mạnh khi những điểm yếu vẫn còn đó.

Theo chia sẻ của giám đốc một hợp tác xã trồng xoài ở Đồng Tháp, phần lớn xoài được nông dân trồng để phục vụ XK vào thị trường Trung Quốc, thế nhưng gần đây nước này áp dụng các quy định mới về xuất nhập khẩu khiến việc XK xoài gặp khó khăn.

Ngay cả trong hoạt động XK của ngành hàng trái cây từ đầu năm 2022 đến nay thì trái xoài cũng là một trong những nhóm hàng sụt giảm mạnh. Chỉ tính riêng Quý I/2022, nhóm hàng xoài có kim ngạch XK ước tính đạt hơn 55 triệu USD, giảm đến hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 80% tổng sản lượng, bên cạnh các thị trường khác như Mỹ, Nga và Hàn Quốc.

BSA cho biết Nhật Bản đã trở lại nhập khẩu loại xoài cát chu của Việt Nam vào tháng 3/2022. Tuy nhiên nước này có thêm các yêu cầu chi tiết hơn đối với các nhà vườn, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý và quá trình kiểm dịch cũng như vận chuyển hàng hóa.

Điều đó lại là thách thức cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu xoài vào thị trường này khi chưa kịp có đầu tư đúng mức để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Theo giới phân tích, điểm yếu trong đầu ra của quả xoài ở vùng ĐBSCL đang nằm ở việc còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi còn hạn chế về chiến lược quảng bá tiếp thị (marketing) và chưa đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu khắt khe ở những thị trường cao cấp hơn.

Không chỉ vậy, do sản lượng không ổn định cũng làm cho giá cả của mặt hàng xoài biến động lớn. Giá cả xuống thấp, nhưng lại thiếu đi sự liên kết giữa những người tham gia trong chuỗi giá trị dẫn đến thiếu tổ chức nên giá thành sản xuất xoài lại cao, làm các nhà vườn khó tránh chuyện khốn đốn.

Không chỉ với quả xoài, bàn thêm về chuyện giá cả trong ngành hàng trái cây khi thiếu đi tính liên kết, qua trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group, cho rằng khi được giá thị trường bên ngoài quá cao thì sản lượng mà các nhà vườn cung cấp cho DN lại không đủ. Còn khi giá thị trường bên ngoài quá thấp thì lại cung cấp sản lượng rất nhiều về phía DN.

Loay hoay tư duy sản lượng, lại lo cạnh tranh

Theo ông Tùng, khi khó khăn về đầu ra, chúng ta lại nghe rất nhiều chuyện về việc thương lái bỏ cọc, bỏ vườn. Từ đó, để thấy giá trị của việc liên kết giữa DN với hợp tác xã và nông dân là cực kỳ quan trọng, càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng giảm rủi ro về đầu ra cho nhà vườn bấy nhiêu.

Ngoài tình trạng giá cả đi xuống của trái xoài và đang loay hoay tìm hướng tiêu thụ, trong tháng 5 này, nhiều loại trái cây ở các tỉnh phía Nam cũng được cho là đang gặp khó về đầu ra.

Chính vì vậy, tại cuộc họp trực tuyến mới đây với các tỉnh, thành phía Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã bày tỏ sự sốt ruột với lãnh đạo ngành nông nghiệp cấp địa phương là liệu có cập nhật kịp thời những khó khăn về đầu ra từ phía nhà vườn hay không, đặc biệt là thông qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Viber.

Cần nhắc lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã từng lưu ý ngành hàng nông sản ở ĐBSCL đang đứng trước những cái “biến” rất lớn, trong đó có biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới.

Trong khi đó, ngành hàng trái cây lại vẫn loay hoay ở tư duy sản lượng, dù tạo ra nhiều sản lượng nhưng lại đánh đổi về mặt chi phí (nhất là với giá vật tư đầu vào tăng quá cao), rồi lại chới với khi đầu ra không có, giá cả trồi sụt triền miên.

Ngay cả với thị trường Trung Quốc, như nhận định của BSA, phần lớn các loại trái cây của Việt Nam hiện tại vẫn cung cấp cho thị trường này vì nhiều thuận lợi về khoảng cách địa lý, khẩu vị tương đồng, nhu cầu tiêu dùng lớn.

“Tuy nhiên, thâm nhập vào thị trường nước này không còn dễ dàng như chúng ta từng biết. Hơn nữa, trái cây Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước khác và thực tế, việc các nước như Thái Lan giữ vững được thương hiệu trái cây của họ tại thị trường Trung Quốc được thúc đẩy bởi các chính sách và nỗ lực của riêng họ lẫn việc tận dụng tốt các điều kiện cơ sở hạ tầng trong khu vực”, phía BSA nêu vấn đề.

Nên biết, Thái Lan đặt mục tiêu kim ngạch XK trái cây đạt khoảng 8 tỷ USD trong năm 2022 và chủ yếu hướng đến thị trường Trung Quốc. Để thúc đẩy XK trái cây, Bộ Thương mại Thái Lan đã xúc tiến bán trái cây thông qua các hợp đồng ứng trước lên tới 450.000 tấn - chủ yếu với Trung Quốc.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khong-de-nganh-hang-trai-cay-van-hanh-kem-linh-hoat-1085295.html