Không để mất nguồn lực đầu tư phát triển vì quy hoạch đô thị kém

Quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng và được xem là 'chìa khóa' cho quá trình phát triển, trong đó có phát triển hệ thống đô thị. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển dẫn đến tình trạng phải rà soát, điều chỉnh nhiều lần.

Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: P.TÙNG

Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: P.TÙNG

Cùng với đó, giữa các cấp độ quy hoạch, các quy hoạch ngành còn chưa đồng bộ đã làm hạn chế quá trình phát triển đô thị trên địa bàn Đồng Nai.

Đánh mất cơ hội thu hút đầu tư

Tháng 7-2014, UBND tỉnh chính thức có Quyết định Phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thành phố Biên Hòa được phân chia thành 21 phân khu. Tuy nhiên, gần một thập kỷ sau thời điểm Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đô thị Biên Hòa được phê duyệt, đến nay mới chỉ có 10 đồ án quy hoạch phân khu trên tổng số 21 phân khu của thành phố Biên Hòa được phê duyệt quy hoạch.

Đối với đô thị mới Nhơn Trạch, sau khoảng 8 năm từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, đến nay cũng chỉ có 2/12 phân khu đô thị đã được phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 phải đạt 100% các đô thị hiện có và đô thị mới hoàn thành quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu được phê duyệt. Đảm bảo quy hoạch cấp dưới phải phù hợp quy hoạch cấp trên. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt đồ án quy hoạch chung 4 đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Khi các quy hoạch phân khu chưa được “phủ kín” thì cả thành phố Biên Hòa và đô thị mới Nhơn Trạch lại bắt đầu bước vào kỳ điều chỉnh quy hoạch chung mới.

Tại thành phố Long Khánh, trải qua hơn 2 năm từ thời điểm UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 thành phố Long Khánh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay vẫn chưa có phân khu nào trong 10 phân khu đô thị được phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu.

Chậm phủ kín quy hoạch phân khu đang là tình trạng chung của các đô thị trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của các đô thị.

“Chưa có quy hoạch phân khu thì cơ quan chức năng chưa đủ điều kiện để tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án. Điều này dẫn đến việc không thể thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công” - Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết.

Đánh mất cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư phát triển dẫn đến hệ quả là các đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng quá tải. Cùng với đó, công tác quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị nhiều nơi chưa được chú trọng, chất lượng, mỹ quan, môi trường đô thị còn nhiều vấn đề bất cập.

“Việc phát triển đô thị của tỉnh trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh là do công tác quy hoạch của chúng ta chưa thật sự tốt, chưa đảm đương được vai trò “người dẫn dắt” phát triển” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.

Quy hoạch là quan trọng

Theo Sở Xây dựng, hiện tất cả 11 đô thị trên địa bàn tỉnh đều đã được phê duyệt quy hoạch chung và đang trong kỳ rà soát điều chỉnh. Trong số này, có 4 đô thị: thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, đô thị Long Thành và đô thị Trảng Bom thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình rà soát, thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung được xem là cơ hội để định hướng lại quá trình phát triển, khắc phục những hạn chế, tồn tại của các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, theo nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nội dung điều chỉnh định hướng phát triển không gian đô thị là rà soát chuyển đổi chức năng của các khu vực trong đô thị hiện hữu, các khu chức năng nhỏ lẻ như: điểm du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh không có tính liên kết, không tương xứng với tiềm năng sẵn có; đồng thời, để tận dụng tối đa các lợi thế từ các yếu tố mới tác động. Trong đó, đối với khu vực các phường thuộc khu đô thị Biên Hòa truyền thống cần nghiên cứu giảm áp lực gia tăng dân số, rà soát, bổ sung hệ thống công viên, cây xanh và đảm bảo điều kiện hạ tầng đô thị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, trong các nhóm giải pháp phát triển đô thị, nhóm giải pháp về quy hoạch là “chìa khóa” quan trọng để bước đi các bước tiếp theo trong quá trình phát triển.

“Quy hoạch không tốt, không sát thực tế sẽ kìm hãm sự phát triển. Quy hoạch rất quan trọng” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, khi đã có quy hoạch rồi thì phải triển khai xây dựng nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng. Phải biến quy hoạch thành hiện thực thông qua xây dựng. Cùng với đó, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, môi trường, đất đai tại các đô thị cũng phải được tăng cường thì mới có được một đô thị tốt.

“Quy hoạch kém, quản lý kém thì làm sao có được đô thị tốt” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nói thêm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:

Yếu tố đô thị có giá trị về động lực phát triển lớn

Nguồn lực nằm ở các đô thị thì nó trở thành động lực phát triển của cả tỉnh. Nếu không làm được điều này, Đồng Nai không phát triển được. Vì thế, thành phố Biên Hòa không trở thành động lực thì Đồng Nai khó phát triển. Yếu tố đô thị có giá trị về động lực phát triển lớn. Yếu tố này hút nguồn lực đầu tư để phát triển một vùng đất thịnh vượng trước để kéo các vùng đất khác cùng phát triển.

Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa ĐỖ KHÔI NGUYÊN:

Các trục giao thông chính, quan trọng phải là trục đại lộ

Trong quá trình lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đối với quy hoạch mạng lưới giao thông, thành phố Biên Hòa xác định các trục giao thông chính, quan trọng phải là trục đại lộ để kết nối hiệu quả với các địa phương, khu vực xung quanh.

Thành phố sẽ rà soát lại quy hoạch hướng tuyến các phương thức giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Sân bay Biên Hòa được quy hoạch khai thác lưỡng dụng.

Quỳnh Nhi (thực hiện)

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/khong-de-mat-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-vi-quy-hoach-do-thi-kem-b6354d5/