Không để lây lan dịch bệnh từ vật nuôi sang người

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được bảo đảm an toàn về dịch bệnh. Tuy nhiên, trong thời điểm giao mùa sắp tới, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao.

Tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra dịch bệnh

Tiêm phòng vaccine được xem là giải pháp phòng bệnh tốt nhất để bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu không để lây lan dịch bệnh từ vật nuôi sang người.

Người nuôi chó mèo còn chủ quan

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2023, số ca tử vong do bệnh dại ở người là 82 ca ở trên 30 tỉnh, thành phố. Riêng hai tháng đầu năm nay, đã có hơn 22 ca tử vong được ghi nhận (cao hơn gấp đôi cùng kỳ), với gần 70.000 người cần điều trị dự phòng bệnh dại.

Tại Tây Ninh, theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 4 ca bệnh dại trên chó (thị xã Hòa Thành: 3 ca, thành phố Tây Ninh: 1 ca) và 2 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu.

Trên địa bàn tỉnh, chó, mèo là động vật nuôi phổ biến, chủ yếu để giữ nhà, làm thú cưng, tổng đàn thường xuyên thay đổi, ước tính trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 81.607 con.

Việc bị chó, mèo cắn hay tiếp xúc với chó, mèo khi có các vết xước trên da thông qua các tương tác hằng ngày là nguyên nhân gây ra trường hợp lây truyền bệnh dại sang người. Trong khi phần lớn chó, mèo được người nuôi thả rong, không chuồng nhốt, không xích, không rọ mõm, không khai báo với chính quyền địa phương nên khó khăn trong công tác quản lý và phòng, chống bệnh dại.

Ông Nguyễn Quang Vinh, ngụ khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh cho biết, vào những buổi chiều râm mát hay vào lúc sáng sớm, các tuyến đường nhánh trên địa bàn phường có rất nhiều chó lang thang; một vài lần, ông còn chứng kiến chúng rượt theo xe người đi đường, nếu chẳng may trong số chúng có con bị dại và tấn công người sẽ hết sức nguy hiểm.

Còn theo phản ánh của người dân ở khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng, tại khu vực gần cầu vượt đường Hồ Chí Minh (nút giao giữa đường Hồ Chí Minh và đường Xuyên Á) có hộ chăn nuôi chó với số lượng lên đến vài chục con, mùi hôi và tiếng ồn ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và đời sống những hộ dân sống gần đó.

Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ chó thả rông cắn trẻ em bị thương, có trường hợp bị chó cắn tử vong. Hiện nay, có nhiều quy định về chăn nuôi chó, mèo, như: người nuôi phải đăng ký với địa phương để lập danh sách và được cấp sổ quản lý; vật nuôi phải nuôi nhốt trong nhà, không được thả rông; khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm; chó, mèo phải được tiêm phòng định kỳ hằng năm... Tuy nhiên, trên thực tế, việc sở hữu chó, mèo hay những vật nuôi khác hiện nay rất dễ dàng và hầu như không có ai đăng ký hay khai báo với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn còn lơ là các quy định về quản lý vật nuôi.

Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra dịch bệnh

Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi

Thời gian qua, ngành chăn nuôi tỉnh tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tổng đàn gia súc hiện có của toàn tỉnh gồm: 9.480 con trâu, 99.800 con bò và 297.600 con heo; tổng đàn gia cầm là 9.820.000 con.

Toàn tỉnh có 1 vùng cấp huyện (Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle (bệnh gà rù) trên gà, 46 cơ sở chăn nuôi gà với 3.537.000 con. Dự kiến, trong năm 2024, xây dựng mới 3 huyện Tân Châu, Gò Dầu, Tân Biên được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Để bảo đảm an toàn cho vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm phòng vaccine, thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Tính đến ngày 25.3.2024, đàn vật nuôi trên địa bàn Tây Ninh tương đối ổn định, không có phát sinh dịch bệnh.

Chó thả rông trên đường khu vực gần ngã tư Bình Minh

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát dịch bệnh của ngành chuyên môn, virus cúm gia cầm, Newcastle, dại vẫn còn tồn tại ngoài môi trường và trong đàn vật nuôi, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian tới là rất cao. Đặc biệt là bệnh dại trên động vật có nguy cơ bùng phát trở lại, gây bệnh trên người trong thời gian tới.

Để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, trong 3 tháng đầu năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp các địa phương tổ chức tiêm 1.000 liều vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó. Lũy kế, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiêm được 19.845 liều vaccine các loại cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ 15.3 - 31.5.2024, Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PNTN triển khai tiêm 600.000 liều vaccine phòng bệnh cúm gia cầm và 4.820 liều vaccine phòng dại cho chó mèo trên địa bàn tỉnh.

Nguyên An

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khong-de-lay-lan-dich-benh-tu-vat-nuoi-sang-nguoi-a170820.html