Không để lãng phí nguồn thực tập sinh về nước

Thực tập sinh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, tác phong, cùng ý chí và nỗ lực thì hoàn toàn có thể gây dựng sự nghiệp khi về nước

Nhật Bản luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong gần 40 nước và vùng lãnh thổ hợp tác lao động với nước ta. Vì vậy, hằng năm, rất đông thực tập sinh (TTS) trở về nước sau khi hết thời gian làm việc nhưng kỹ năng và kinh nghiệm của nhiều người không được tận dụng, gây lãng phí tài nguyên lao động. Để hiểu rõ hơn về thực trạng này, Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM).

Phóng viên: Ông nhận định thế nào về kỹ năng, kinh nghiệm và những học hỏi mà TTS Việt Nam có được sau khi kết thúc khóa thực tập, về nước?

- Ông LÊ LONG SƠN: Được tiếp cận, tìm hiểu chương trình TTS kỹ năng từ năm 1998, đến nay, tôi cùng đội ngũ Esuhai đã chắp cánh cho hơn 15.000 lao động trẻ Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Chương trình này là cơ hội rất tốt để họ trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm và ngoại ngữ, khi về nước sẽ là lực lượng lao động chất lượng cao, phục vụ sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM)

Việc TTS trở về nước gặp khó khăn khi xin việc, gây lãng phí tài nguyên lao động không phải là vấn đề có gốc rễ từ chương trình TTS kỹ năng. Đây là vấn đề thuộc về tâm thế của người lao động (NLĐ) khi sang Nhật làm việc. Nếu NLĐ chỉ muốn đi thật nhanh để kiếm tiền, không tích cực học tiếng Nhật thì chỉ được giao làm những việc đơn giản trong dây chuyền sản xuất. Sau 3-5 năm kết thúc hợp đồng trở về nước, họ cũng làm những công việc đơn giản này ở Việt Nam với mức lương thấp, thậm chí còn dễ bị thất nghiệp.

Nếu NLĐ quyết tâm đi để học nghề, để phát triển sự nghiệp thì sẽ khác. Trong một doanh nghiệp (DN) dù quy mô vừa, nhỏ, tầm trung hay lớn, nhân sự sẽ được phân bố công việc tương ứng năng lực mà họ có. Do đó, vị thế công việc sau khi về nước phụ thuộc vào năng lực của chính NLĐ. Họ cần phải tận dụng thời gian 3-5 năm hay 10 năm làm việc ở Nhật để hoàn thiện bản thân trước khi về nước.

Theo kinh nghiệm của tôi, để làm được điều này, NLĐ cần nâng cao tiếng Nhật (sở hữu trình độ N2, N1 khi về nước), tay nghề, chuyên môn, kỹ năng trong công việc, ý thức và tư thế, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Với tâm thế đó, sau thời gian ở Nhật, tay nghề NLĐ sẽ tăng, tiếng Nhật thông thạo, các kỹ năng thuần thục. Khi về nước, NLĐ sẽ là cầu nối đại diện để các DN Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam, thậm chí tự xây dựng sự nghiệp riêng bằng chính ngành nghề mình từng học hỏi. Cơ hội việc làm trong nước cũng vì thế mà rộng mở hơn.

Theo ông, TTS về nước đóng góp như thế nào cho thị trường lao động Việt Nam?

- Việt Nam chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng khi có 100 triệu dân với 22,1 triệu lao động trong độ tuổi 16-30. Trong khi Nhật Bản đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế, nếu chúng ta tận dụng tốt thì có thể có một lực lượng lao động chất lượng cao được cọ xát, học hỏi theo chương trình TTS của nước này.

Esuhai tổ chức đón thực tập sinh về nước để kết nối cơ hội việc làm. Ảnh: GIANG NAM

Các DN vừa và nhỏ của Nhật đang tìm hướng đi và phát triển thông qua tuyển dụng lao động Việt Nam để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, trong đó có nước ta. Từ đó, cơ hội cho lao động trẻ nước ta sang Nhật làm việc trong các ngành công nghiệp mũi nhọn (như: cơ khí, điện - điện tử, chế tạo ôtô, tự động hóa, chế biến thực phẩm...) để học tập kỹ thuật, công nghệ, gia công, sản xuất với chất lượng cao được mở rộng, rất phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.

Với tất cả lĩnh vực, ngành nghề, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tiếng Nhật, kỹ năng, tác phong cùng ý chí, nỗ lực thì khi về nước, TTS hoàn toàn có thể gây dựng sự nghiệp cho chính mình thông qua con đường chuyển giao công nghệ. Chưa hết, chính TTS là nhân tố góp phần thúc đẩy phát triển nền công nghiệp phụ trợ, tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản.

Như vậy, có thể thấy TTS về nước là đội ngũ nhân lực chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, cần phải có chiến lược để tận dụng nguồn lao động trở về từ Nhật Bản.

Ông và Esuhai Group đã làm những gì để tận dụng nguồn lao động chất lượng này trong thời gian qua?

- Nhờ đào tạo nguồn nhân lực một cách cẩn trọng, không đi đường tắt rút ngắn tiến độ; nói không với việc đưa NLĐ chưa qua đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng, tác phong sang nước ngoài làm việc bằng mục tiêu kiếm tiền ngắn hạn..., Esuhai đã nhận được sự tin tưởng từ hơn 1.000 DN Nhật Bản và hơn 100 hiệp hội quản lý TTS.

Đến nay, gần 10.000 TTS được Esuhai phái cử đã trở về nước và tạo dựng sự nghiệp cho chính mình. Một bộ phận lớn cựu học viên đang làm quản lý, chuyên viên, cán bộ phiên dịch, kỹ thuật viên, giáo viên dạy tiếng Nhật… Đặc biệt, rất nhiều cựu học viên đã khởi nghiệp thành công nhờ vận dụng được những kinh nghiệm, kỹ năng tiếp thu được trong thời gian làm việc ở Nhật; hoặc nhận được sự tin tưởng, đầu tư từ công ty thực tập tại Nhật và trở về làm giám đốc chi nhánh cho công ty này tại Việt Nam.

Để đồng hành với NLĐ sau khi về nước, Esuhai đã thành lập các công ty thành viên chuyên cung ứng nguồn nhân lực chất lượng được đào tạo chuyên môn, có kinh nghiệm, ngoại ngữ trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, chế biến, dịch vụ, thiết kế, kỹ thuật, y tế... tại Việt Nam. Với hệ sinh thái này, Esuhai Group sẽ chào đón và hỗ trợ NLĐ sau khi về nước bằng những công việc với mức đãi ngộ cao, tương ứng trình độ và kinh nghiệm mà họ đã đạt được trong thời gian làm việc, học tập ở Nhật Bản.

GIANG NAM thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/khong-de-lang-phi-nguon-thuc-tap-sinh-ve-nuoc-20230711214457413.htm