Không để gia súc chết đói, chết rét do thời tiết rét hại

BBK -Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vùng núi cao xảy ra rét đậm, rét hại, nhiều nơi nhiệt độ xuống tới 7 độ C, ngành Nông nghiệp tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường bảo vệ đàn gia súc, cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại.

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn (người đứng thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống rét trên đàn vật nuôi tại xã Đức Vân, Ngân Sơn.

Gia đình chị Hoàng Thị Phin ở thôn Nà Mòn, xã An Thắng, huyện Pác Nặm nuôi 02 con trâu sinh sản, mấy ngày gần đây khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, chị Phin đã chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt tại chuồng, không thả gia súc sớm khi thời tiết nhiều sương, lạnh buốt. Chị Phin cho biết: “Mấy hôm rét đậm, tôi đun cháo nóng cho gia súc ăn, thường xuyên cắt lá ngô, cỏ về cho trâu để bổ sung nguồn dinh dưỡng, thức ăn tinh, thô, quây bạt để tránh gió lùa. Nhờ chú trọng việc chăm sóc tốt nên nhiều năm nay, đàn trâu của gia đình luôn vượt qua được những đợt rét của năm”.

Gia đình bà Đinh Thị Duyên, thôn Nà Lạn, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn che chắn bạt cho đàn vật nuôi của gia đình.

Còn đối với bà Đinh Thị Duyên ở thôn Nà Lạn, xã Hiệp Lực cho biết: “Mấy hôm nay, thời tiết có rét đậm, rét hại, gia đình đã chủ động quây chuồng trại để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, sau khi gặt xong vụ mùa, tôi đã chủ động thu gom rơm rạ về làm thức ăn dự trữ. Đun cháo nóng để giữ ấm cơ thể, tăng sức đề kháng cho đàn trâu”.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn, những ngày tới thời tiết miền Bắc tiếp tục rét đậm, rét hại, để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, giảm thiệt hại, ngành Nông nghiệp đã có văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn đến hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm bằng các dụng cụ vật tư như bạt quây, bóng điện, than, củi… quá trình sưởi cần đảm bảo an toàn cháy nổ, tránh gây bỏng, ngạt khí cho vật nuôi. Sử dụng chất độn chuồng như trấu, mùn cưa… để giữ ấm chuồng.

Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, điện giải, Vitamin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Chủ động nguồn thức ăn thô, xanh, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc. Thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để có kế hoạch ứng phó, kịp thời di dời đàn gia súc ra khỏi các vị trí có địa hình núi cao.

Không thả rông gia súc qua đêm, cần chủ động lùa về nơi nhốt an toàn. Không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do khi nền nhiệt xuống dưới 120c, nhất là thời điểm rét đậm, rét hại có mưa phùn.

Đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn cho biết: “Vừa qua ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch kiểm tra phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi tại các huyện, thành phố. Qua kiểm tra thực tế, nhìn chung các hộ chăn nuôi đã có ý thức hơn trong công tác phòng, chống rét trên đàn gia súc, thực hiện khá tốt các văn bản hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Đến thời điểm này vẫn chưa có những thiệt hại liên quan đến gia súc”.

Những ngày rét đậm, chị Hoàng Thị Phin ở thôn Nà Mòn, xã An Thắng, huyện Pác Nặm chỉ thả vật nuôi gần nhà để tiện chăm sóc

Tổng đàn gia súc (trâu, bò ngựa) toàn tỉnh hiện có trên 83.800 con; đàn lợn hơn 417.000; đàn dê 29.900 con. Khu vực vùng núi cao như Ngân Sơn, Pác Nặm, Na Rì là nơi chịu tác động mạnh của thời tiết, nền nhiệt độ xuống thấp có nơi xuống còn 7-9 độ C ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của đàn gia súc. Việc kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn người dân bảo vệ đàn gia súc thời điểm này là rất cần thiết.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/khong-de-gia-suc-chet-doi-chet-ret-do-thoi-tiet-ret-hai-post59103.html