Không có vùng cấm, ngoại lệ trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ các giải pháp, với phương châm “không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Qua đó, đã phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, đối tượng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, tạo niềm tin cho nhân dân vào sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh rà soát, nghiên cứu hồ sơ vụ án tham nhũng

Tiềm ẩn phức tạp

Trong 2 năm (2019 - 2020), Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân và Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên chỉ đạo kế toán xã lập khống 6 bộ chứng từ kế toán chi ngân sách nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2019, 2020 với tiền gần 540 triệu đồng, trong khi số tiền chi thực tế chỉ hơn 150 triệu đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 386 triệu đồng.

Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Mậu và Nguyễn Văn Thủy về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, xử lý. Đây là vụ việc điển hình về tội phạm tham nhũng, chức vụ mà lực lượng công an đã phát hiện, điều tra.

Thượng tá Nguyễn Đức Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết: Tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực thuế, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai...

Phương thức thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng chức vụ, quyền hạn và những sơ hở trong công tác quản lý để thực hiện với mục đích vụ lợi cá nhân của một số cán bộ, công chức suy thoái, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ và đạt được kết quả quan trọng.

Từ năm 2021 đến nay, lực lượng công an thụ lý 58 vụ với 98 bị can về tội tham nhũng kinh tế, chức vụ, số tiền thiệt hại hơn 22,3 tỷ đồng. Riêng năm 2021, có 4 vụ với 5 bị can về các tội: Giả mạo trong công tác; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 1 vụ.

Cơ quan chức năng đã kết luận điều tra 51 vụ với 90 bị can; chuyển đơn vị khác 3 vụ, 3 bị can; đang giải quyết 4 vụ với 5 bị can. Kết quả trên đã góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, giữ vững ANTT địa phương, được chính quyền các cấp, nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh với tội phạm này gặp không ít khó khăn do đối tượng phạm tội đa số là người có chức vụ, quyền hạn, trình độ hiểu biết pháp luật, điều kiện kinh tế, địa vị và quan hệ xã hội rộng nên có nhiều thủ đoạn, phương thức che giấu hành vi phạm tội, do đó, công tác phát hiện, điều tra, xử lý khó khăn và phải thực hiện rất thận trọng.

Một số đơn vị chưa chủ động, quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đáp ứng với tình hình hiện tại.

Không ít cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở, lỏng lẻo trong cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, cố ý làm trái quy định của pháp luật…

Hiện nay, nước ta vẫn duy trì việc thanh toán bằng tiền mặt, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng về công nghệ trong lĩnh vực này chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng…

Đồng bộ các giải pháp đấu tranh

Để công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ đạt hiệu quả, Công an tỉnh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, nắm tình hình, phát hiện tội phạm tham nhũng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án; xử lý tin báo, tố giác về tội phạm tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp với các cơ quan chức năng truy tố, xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, đặc biệt những vụ nghiêm trọng, phức tạp được nhân dân quan tâm. Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Công an tỉnh và lực lượng thanh tra, cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng của Công an tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Lực lượng công an cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân trong tố giác hành vi tham nhũng. Thực hiện tốt các quy định về khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng; xử lý nghiêm những hành vi trù dập, trả thù những người tố cáo tham nhũng.

Các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật kỷ cương, phát huy dân chủ trong từng cơ quan, đơn vị; thực hiện công khai minh bạch các hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực và gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách, quản lý.

Thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp từ khi tiếp nhận nguồn tin đến thi hành án đối với các vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ; chú trọng tổng hợp những nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm tham nhũng để ban hành kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền khắc phục thiếu sót trong quản lý, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

UBND các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các quy định về công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức và minh bạch về tài sản thu nhập của cán bộ, công chức.

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về phòng chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.

Bài, ảnh: Lê Thảo

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/76399/khong-co-vung-cam-ngoai-le-trong-dau-tranh-voi-toi-pham-tham-nhung-chuc-vu.html