Không có bọ gậy, không bị sốt xuất huyết!

Mặc dù chưa bước vào mùa sốt xuất huyết, nhưng từ đầu năm tới nay, trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 570 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh chủ động, trong đó, cần đặc biệt chú ý diệt loăng quăng, bọ gậy.

Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/4 đến ngày 12/4), toàn Thành phố ghi nhận 13 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, giảm 1 trường hợp so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết của toàn Thành phố là 570 ca, 0 ca tử vong, số mắc cao chủ yếu tập trung trong tháng 1/2024 với 408 trường hợp.

Ông Ngô Hùng Sơn cùng đồng nghiệp đi kiểm tra, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo điều tra dịch tễ học, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10. Đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể xảy ra vào tháng 10, 11. Thế nhưng, những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ rất sớm, ngay từ đầu năm.

Về đặc điểm và độc lực của vi rút gây bệnh sốt xuất huyết hiện nay không có gì bất thường hay khác so với các năm trước. Tuy nhiên, nguyên nhân dịch bệnh xuất hiện từ sớm và gia tăng là do công tác phòng, chống dịch ở một số nơi chưa quyết liệt. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ yếu tố thời tiết thay đổi thất thường, nồm ẩm, mưa nhiều - những yếu tố thuận lợi để muỗi phát triển.

Chia sẻ với phóng viên ông Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát dịch, Trung tâm Y tế Quận Hai Bà Trưng lý giải: Thời tiết tại miền Bắc diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến cho số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao. Trong thời gian gần đây, thời tiết tại Hà Nội liên tục xuất hiện hiện tượng mưa sau nắng ẩm kéo dài, khiến chu kỳ phát triển của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết diễn ra rất nhanh. “Thông thường, chu kỳ sinh sản của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành chỉ mất 1 tuần. Trong khi, mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng”, ông Sơn cho biết.

Đồng thời, Hà Nội có những đặc thù khiến cho sốt xuất huyết có yếu tố tăng nhanh hơn so với các tỉnh khác. Trong đó, do nhu cầu giao thương đi lại nhiều, mật độ dân cư đông làm cho muỗi dễ phát tán vi rút gây bệnh hơn. Đặc biệt, quá trình đô thị hóa diễn ra, nhiều phế liệu, phế thải do con người tạo ra không được thu gom xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển. Lượng dân cư di biến động lớn, nhiều học sinh, sinh viên, người lao động nhập cư, điều kiện sống tập trung đông đúc tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Đáng lo ngại, một bộ phận người dân còn tâm lý chủ quan lơ là, xem thường dịch, đánh giá thấp tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đồng bộ nhiều giải pháp phòng dịch

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội dự báo, trong thời gian tới, có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân. Do đó, người dân không được chủ quan. Trước thực tế trên, Sở Y tế Thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn năm 2024, trong đó nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phù hợp tình hình thực tế; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch bệnh tại địa phương.

Trong tuần vừa qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cũng tổ chức giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại các xã, phường: Kim Chung, An Khánh (huyện Hoài Đức); Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Đại Kim, Hoàng Liệt, Định Công (quận Hoàng Mai); Phương Canh (quận Nam Từ Liêm)... nhằm ngăn chặn, và đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả.

Cùng với vai trò của cơ quan chức năng, ngành Y tế, người dân cũng cần chủ động trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Hiện có nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có thả cá diệt bọ gậy được nhiều địa phương áp dụng. Là một trong những cán bộ y tế có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết ông Sơn cho biết: Việc thả cá vào chum vại, dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy là biện pháp đơn giản, có hiệu quả trong việc phòng trừ các loại muỗi trung gian truyền bệnh.

Theo ông Sơn phân tích, việc thả cá diệt bọ gậy muỗi có những ưu điểm như: Ở môi trường thích hợp, cá có thể tự thích nghi và giúp con người duy trì việc phòng, chống muỗi; chi phí của phương pháp dùng cá diệt bọ gậy thấp và không cần phải có những phương tiện phức tạp, đắt tiền; cá diệt bọ gậy thường làm sạch nước và không làm nước bị nhiễm bẩn.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý, việc sử dụng cá để diệt bọ gậy muỗi có thể mất thời gian từ 1 đến 2 tháng, vì vậy phương pháp này không phù hợp khi mong muốn đạt được kết quả nhanh chóng. Ngoài ra, việc dùng cá diệt bọ gậy muỗi sẽ kém hiệu quả nếu ở môi trường nước có nhiều cây cỏ; nếu có nhiều cây cỏ thì phải nhổ bỏ sạch. Ở một số môi trường đặc biệt, cần phải cung cấp thêm thức ăn cho cá…

“Bên cạnh đó, dùng cá diệt bọ gậy muỗi chỉ mang lại hiệu quả khi có nhiều cá thích nghi với môi trường và mặc dù có môi trường thích nghi nhưng không phải lúc nào cá cũng diệt được hết bọ gậy muỗi; muỗi vẫn có thể sinh sản nhưng mật độ thấp hơn. Để có hiệu quả tốt, cần phối hợp thêm các biện pháp khác như dùng hóa chất diệt bọ gậy muỗi không có hại đối với cá”, ông Sơn nhấn mạnh.

Khẩu hiệu hành động của ngành Y tế trong phòng, chống sốt xuất huyết là “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Bởi vậy, ngoài biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động cộng đồng, người dân thực hiện việc thau vét bọ gậy muỗi truyền bệnh định kỳ, thường xuyên ở các dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong và quanh nhà ở; biện pháp dùng cá diệt bọ gậy muỗi cũng cần được tuyên truyền, ứng dụng phổ cập để góp phần trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Người dân nên đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa,... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. “Đặc biệt, cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà”, ông Sơn cho biết thêm.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khong-co-bo-gay-khong-bi-sot-xuat-huyet-169113.html