Không cho phép điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Vũ Văn Tám trước đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận về việc xin điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Một góc Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận).

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Khu bảo tồn biển Hòn Cau là khu vực phân bố của các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình với các rạn san hô và thảm cỏ biển, có giá trị sinh học cao, là nơi sinh sống, bãi để của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và giá trị sinh thái quan trọng. Nơi đây có nhiều loài cá, sảo biển, hải sâm, vích, đồi mồi, rùa xanh, tôm hùm… Nguồn lợi thủy sản xung quanh khu vực này đã góp phần duy trì ổn định và nâng cao đời sống của cư dân địa phương. Sự đa dạng và phong phú về tài nguyên sinh vật biển cùng với cảnh quan độc đáo của Khu bảo tồn biển Hòn Cau là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế thủy sản, du lịch và giải trí. Mặt khác, do nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước trồi nên khu vực này được xem là nơi có ý nghĩa lớn trong duy trì và bổ sung đa dạng sinh học nội tại và phát tán ra những vùng lân cận nhờ vào khả năng thích ứng của rạn san hô.

Theo Bộ NNPTNT, Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 15.11.2010 của UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau với tổng diện tích 12.500ha, diện tích Khu bảo tồn đã được các nhà khoa học tính toán chi tiết để đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loại động thực vật biển và một số loài quý, hiếm. Như vậy, việc đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận tại văn bản số 3306/UBND-KTN xin điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn đến 1.060 ha sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch Hòn Cau. Bởi, tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26.10.2016 phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn Biển Việt Nam đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quy định mục tiêu đến hết năm 2015: Ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ quy hoạch được khoảng 0,16%. Nếu điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau, sẽ ảnh hướng đến mục tiêu chung đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 1, Quyết định 742 nêu trên. Ngoài ra, tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá về tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đối với các dự án thành phần liên quan tới các trung tâm điện lực Vĩnh Tân và Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân đến hệ sinh thái ran san hô, cỏ biển và các loại động, thực vật biển, các loài cá, tôm hùm, hải sâm, sao biển và một số loài quý, hiếm khác như: Đồi mồi, rùa xanh…, các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Với những căn cứ nêu trên, tại CV số 9576/BNN-TCTS gửi UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ NNPTNT kiên quyết từ chối: “Không đồng ý với chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng thẳng thắn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận “phối hợp với Bộ TNMT xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/khong-cho-phep-dieu-chinh-dien-tich-khu-bao-ton-bien-hon-cau-614704.bld