Không chỉ Rooney, người Trung Quốc thèm khát cả thế giới

Người Trung Quốc sẽ không dừng lại. Không chỉ là những bom tấn cụ thể trên sân cỏ, các nhà đầu tư vùng Viễn Đông còn đang gây dựng ảnh hưởng của mình lên nền bóng đá toàn cầu.

Alex Teixeira, Ramires và Jackson Martinez đã đến giải vô địch quốc gia Trung Quốc (Chinese Super League, gọi tắt là CSL), với rất nhiều tiền chuyển nhượng. Cựu chủ tịch Hull City, ông Paul Duffen thừa nhận trên Reuters: “Trung Quốc đã trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng về bóng đá”.

Tiền bạc luôn có sức hút. Sau khi nghỉ ở Hull City, Paul Duffen giữ vai chuyên gia nghiên cứu về bóng đá Trung Quốc.

Nhiều tên tuổi đã cập bến Trung Quốc trong thời gian qua.

“Các cầu thủ Anh sẽ chuẩn bị đến. Tôi có thể thấy viễn cảnh Wayne Rooney chơi tại Trung Quốc”, Paul Duffen quả quyết. Ông tin Trung Quốc giờ đang trở thành bến đỗ cạnh tranh trực tiếp với Trung Đông và giải MLS (Mỹ).

Giám đốc Marketing của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, Li Jiuquan tin Rooney sẽ giúp danh tiếng của giải CSL lên tầm cao mới. “Cậu ta (Rooney) rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Có lẽ chỉ có Messi hay Ronaldo là phổ biến hơn”, ông Li cho biết.

Nhưng thu hút Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo không phải chuyện dễ. Vì vậy, mục tiêu “săn” Rooney khả dĩ hơn, dù có thể có tác động tương đương. Thống kê cho thấy có tới 350 triệu người xem Premier League ở Trung Quốc mỗi tuần. Tuy nhiên, đó không phải là con đường duy nhất.

Nhà lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc, Tập Cận Bình khao khát biến đất nước nghìn triệu dân trở thành cường quốc bóng đá của thế giới. Mục tiêu đặt ra, là vào năm 2050, Trung Quốc lọt top những nền bóng đá mạnh nhất hành tinh.

Cùng lúc với phi vụ đưa về những cầu thủ đẳng cấp thế giới, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng sắp hoàn tất việc thâu tóm cổ phần những CLB hàng đầu châu Âu như AC Milan, Inter Milan, Manchester City, Atletico Madrid và Espanyol.

Rooney chỉ là một trong những mục tiêu của người Trung Quốc.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, hãng truyền thông hùng mạnh tại Anh Quốc, Sky Sports tuyên bố mua thành công bản quyền của các trận đấu tại CSL, đưa giải đấu này lên ngang hàng với những La Liga, Premier League, Derby Old Firm của Scotland và vòng loại World Cup 2018.

Sky Sports không tiết lộ số tiền họ phải trả cho đối tác Trung Quốc, nhưng còn nhớ vào tháng 2 năm nay, LeTV - một tập đoàn truyền hình ở Trung Quốc - đã mua bản quyền CSL trong vòng 5 năm tới với giá trị tổng cộng lên tới 1,3 tỷ đô (8 tỷ nhân dân tệ).

Năm 2015, tiền bản quyền của CSL chỉ vào khoảng 80 triệu nhân dân tệ.

Hồi hè này, Manchester City và Manchester United đã đến Trung Quốc. Dortmund và nhiều CLB khác cũng làm điều tương tự. Leicester City hay Atletico Madrid cử các chuyên gia và huấn luyện viên đến hỗ trợ các CLB đối tác tại Trung Quốc.

Theo Paul Duffen, đó là những bước tiến đầu tiên trên con đường chinh phục bóng đá thế giới. Những khoản đầu tư vào các CLB phương Tây sẽ giúp tác động ngược lại tới sự phát triển của bóng đá Trung Quốc.

“Các chuyên gia, các huấn luyện viên, các cầu thủ nổi tiếng sẽ đến, và góp phần làm thay đổi bộ mặt bóng đá nước này”, Paul Duffen phân tích.

Nguyên Trí (theo Reuters)

Ảnh: Getty Images.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khong-chi-rooney-nguoi-trung-quoc-them-khat-ca-the-gioi-post686123.html