Không chỉ là… tiền(!)

Chuyện Bộ GD&ĐT quyết định đưa thêm ngoại ngữ Trung – Nga vào chương trình chính khóa từ năm 2017 đã khiến dư luân ồn ào đầy nghi ngại. Cải cách, đổi mới về giáo dục thường tốn những khoản tiền nghìn tỷ, hiệu quả thì thường là khá khiêm tốn, thậm chí có những lần cải cách còn gây xáo trộn cho xã hội. Nhưng, vấn đề cũng không phải chỉ là tiền.

Những cuộc “thí điểm” về cải cách giáo dục nếu không đưa đến thành công còn khiến nhiều thế hệ học sinh lỡ mất cơ hội học tập của mình. Không ai muốn là “chuột bạch” cả….

Trả lời báo chí chiều ngày 22-9, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, môn tiếng Nga hay tiếng Trung chỉ là ngoại ngữ lựa chọn chứ không bắt buộc. Lựa chọn thì lượng học sinh cho môn tiếng Nga, tiếng Trung sẽ là ẩn số, có thể nhiều cũng có thể rất ít, khả năng sẽ có trường chẳng tập hợp đủ học sinh lựa chọn môn tiếng Nga hay tiếng Trung để thành một lớp để bố trí giáo viên, học cụ…. Dù thế, đã thành chủ trương thì công tác chuẩn bị vẫn cứ phải tiến hành, kinh phí phải rót, nhân sự phải tìm. Tóm lại, sự thể sẽ khá là bị động cho các nhà trường và như thế, chất lượng hiệu quả của môn học thì nhiều người cũng có thể mường tượng ra được rồi (!...). Còn nhớ, hơn 20 năm trước, tiếng Nga đã từng được dạy đại trà ở các trường phổ thông, nhưng nhiều học sinh tốt nghiệp THPT từ lớp học tiếng Nga cũng chỉ nhớ được dăm câu, trình độ ở mức “vỡ lòng”.

Sau đó, tiếng Nga bị khai tử, giáo viên dạy tiếng Nga được bố trí làm chuyên môn khác, hoặc chuyển sang dạy tiếng Anh, nếu đã kịp cập nhật môn ngoại ngữ này.

Tiếng Nga là thế, còn tiếng Anh. 8 năm qua tiếng Anh được đưa vào dạy chính khóa trong các cấp học phổ thông và sẽ tiếp tục là môn học bắt buộc, thì đã được ngành GD-ĐT “đầu tư” ra sao? Về kinh phí thì đã rõ, đó là khoản kinh phí 9.400 tỷ đồng để phổ cập tiếng Anh. 8 năm nhìn lại, hiệu quả cũng chưa thật sự rõ rệt. Đa phần học sinh, ngoài giờ học, vẫn phải lao vào các trung tâm ngoại ngữ tư nhân đang mọc lên ngày càng nhiều.

Chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi đánh giá hiệu quả giai đoạn vừa qua đã cho rằng, chất lượng đề án phổ cập tiếng Anh còn thấp, thể hiện rõ trong kỳ thi THPT quốc gia. Giai đoạn mới cần thực hiện việc dạy và học cho chuẩn hơn. "Dạy và học ngoại ngữ mà chưa chuẩn thì thà không dạy còn hơn", ông Nhạ nói.

Với tinh thần đó, rất cần toàn ngành giáo dục tập trung nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh, dạy thật học thật. Bởi, đây là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, áp dụng cho mọi lĩnh vực, ở mọi quốc gia.

Cải cách, đổi mới là tốt, chúng ta không tiếc tiền để đầu tư tri thức cho những thế hệ công dân tương lai, nhưng người dân đã ngán, sợ làm “chuột bạch” lắm rồi. Ngành giáo dục hãy cứ làm nghiêm túc, làm thực chất với những gì đang có đã.

Bá Tuấn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/khong-chi-la-tien-118844