Không chỉ là nỗi đau của gia đình…

Liên tiếp thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ học sinh, sinh viên (HSSV) rơi từ lầu cao xuống đất tử vong tại trường. Có vụ việc do HSSV sơ ý tự ngã dẫn đến tai nạn nhưng không ít vụ việc qua điều tra cho thấy, HSSV tự tử vì bị trầm cảm bởi chịu áp lực từ gia đình, chuyện học tập, chuyện tình cảm…

Theo các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi HSSV hiện đứng trước khá nhiều áp lực trong việc học hành, thi cử, nhất là với những học sinh chuẩn bị chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 và từ lớp 12 lên đại học. Gia đình thường rất kỳ vọng vào các em và đặt ra những mục tiêu lớn để định hướng cho con em mình đạt được mục tiêu đó. Có em vâng lời và cố gắng học tập để đạt thành tích tốt nhất như mong muốn của cha mẹ nhưng thực sự đam mê của các em không trùng với mục tiêu cha mẹ đặt ra. Chẳng hạn như cha mẹ muốn con thi vào ngành A, trường B nhưng bản thân học sinh lại thích ngành C, trường D. Chính vì sự không gặp nhau và có phần áp đặt từ gia đình đã khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái stress nặng kéo dài.

Không ít em có sức học không tốt nhưng cha mẹ không hiểu, ra sức cho con học hết thầy này đến cô kia, hết trung tâm này đến trung tâm nọ với mong muốn cải thiện tình hình, con sẽ vào được những trường hàng tốp. Khi con đề đạt nguyện vọng, cha mẹ lại không lắng nghe, cho rằng con không nghe lời, bướng bỉnh nên gia đình thường xuyên căng thẳng. Giữa cha mẹ và con cái không chia sẻ, tìm được tiếng nói chung, do đó cũng khiến các em nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, không muốn tiếp tục học hành. Không ít lá thư tuyệt mệnh để lại bày tỏ nguyện vọng tha thiết cha mẹ hãy hiểu con hơn, đừng quá đặt kỳ vọng vào con. Và dù không muốn làm buồn lòng cha mẹ nhưng các em phải tự kết liễu đời mình để giải thoát những bế tắc chất chứa bấy lâu trong lòng.

Khi là sinh viên được thoải mái yêu đương, những cung bậc giận hờn, yêu rồi chia tay cũng khiến nhiều em bị trầm cảm. Do không tìm được chỗ dựa về tinh thần, không có người để chia sẻ, có em đã tìm đến cái chết để giải thoát.

Rõ ràng, tâm sinh lý lứa tuổi HSSV đang đứng trước nhiều vấn đề cần được quan tâm từ gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình cần gần gũi, sẻ chia và thấu hiểu con em mình, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con để rồi thất vọng, rồi buông lời chửi mắng, so sánh khiến con buồn tủi. Những lỗ hổng trong nhà trường về chăm sóc sức khỏe tinh thần, tham vấn tâm lý học đường cần được triển khai thực sự có hiệu quả để trở thành điểm tựa cho HSSV khi cần. Xã hội cùng chung tay để không còn xảy ra những cái chết thương tâm do tự tử ở ngay môi trường học đường. Bởi đây không chỉ là nỗi đau của gia đình, mà còn là nỗi ám ảnh ảnh hưởng đến rất nhiều học sinh đang học tập ở chính ngôi trường đó.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202402/khong-chi-la-noi-dau-cua-gia-dinh-b785e63/