Không chỉ là câu chuyện túi táo hay chiếc bánh rán mà còn là hình ảnh du lịch của Thủ đô

Mua 3 chiếc bánh rán bị chặt chém 50.000 đồng, vài lạng táo nhỏ giá 200.000 đồng… cách bán hàng 'chộp giật' của một số người bán hàng rong trên phố đã làm xấu hình ảnh Thủ đô văn minh, thanh lịch trong mắt bạn bè quốc tế.

Hai du khách nước ngoài bị người bán "hét giá" 50.000 đồng cho 3 chiếc bánh rán. Ảnh: Do Tuyen

Ngăn chặn tư duy “ăn xổi ở thì”

Những ngày qua, mạng xã hội liên tiếp xuất hiện video về vấn nạn người bán hàng rong bị “tố” chặt chém khách du lịch. Câu chuyện nêu cụ thể về trường hợp người bán táo rong trên phố Thụy Khuê (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) có ý định ăn chặn tiền thừa của du khách nước ngoài.

Ngày 20/3, sau khi mời chào du khách ăn thử táo và thấy du khách khen ngon, bà bán hàng đã cân vài lạng táo đưa cho du khách. Khi khách rút ví trả tiền 200.000 đồng, người bán không có ý định trả lại tiền thừa dẫn tới sự bức xúc của du khách. Chứng kiến sự việc một nhân viên bảo vệ gần đó đã nhắc nhở người bán, yêu cầu trả tiền lại cho du khách.

Sau sự việc, Công an phường Bưởi đã xác định danh tính người bán hàng rong là bà B.T.L, 64 tuổi (trú huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) lên Hà Nội thuê trọ tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) để đi bán hoa quả rong. Bà này thường bán hàng dọc theo các tuyến đường Thanh Niên - Thụy Khuê - Hoàng Hoa Thám.

Tại buổi làm việc, người phụ nữ bán hàng tên là B.T.L đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng, cam kết không tái phạm. Bà B.T.L bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và và vi phạm về trật tự đô thị, mức xử phạt 150.000 đồng.

Ngày 24/3, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người bán bánh rán dạo ở hồ Hoàn Kiếm “hét giá” 3 chiếc bánh rán với giá 100.000 đồng cho hai người khách nước ngoài. Không chấp nhận giá cao, du khách bày tỏ bức xúc và đòi trả lại thì người bán hàng vùng vằng chấp nhận bán với giá 50.000 đồng.

Ngay khi nắm thông tin, Công an quận Hoàn Kiếm xác định được người bán hàng rong trong bài đăng là Đ.T.H (SN 1981, trú huyện Kiến Xương, Thái Bình) và mời về trụ sở làm việc. Tại đây, bà H thừa nhận vụ việc xảy ra vào sáng cùng ngày tại khu vực gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Nhận thức về hành vi vi phạm của mình, bà H cam kết không tái phạm. Công an quận Hoàn Kiếm đã lập hồ sơ xử lý bà H với hai lỗi: vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và vi phạm về trật tự đô thị. Mức xử phạt là 200.000 đồng theo luật định.

Các sự việc du khách bị "chặt chém" khi mua hàng trên phố Hà Nội thường xuyên xảy ra và trở thành vấn nạn khó xử lý dứt điểm.

Trước đó, việc vụ bán 80.000 đồng một củ khoai nướng ở Hồ Hoàn Kiếm đã gây bất bình cho dư luận. Sau khi xác minh, lực lượng chức năng đã mời người bán hàng trên T (SN 1985, quê Ninh Bình; thường trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) lên làm việc. Công an phường Hàng Bạc đã lập biên bản và xử lý về hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh đối với bà T, đồng thời củng cố hồ sơ xem xét xử phạt về hành vi bán giá cao.

Vào tháng 5/2022, một tài xế taxi ở Hà Nội đã bị đuổi việc do chặt chém hai nữ khách hơn 500.000 đồng cho quãng đường 14km.

Người bán hàng rong có ý định "ăn chặn" tiền thừa của du khách đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt hành chính. Ảnh cắt từ clip

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền ứng xử văn minh nơi công cộng

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành du lịch Thủ đô trong đổi mới, sáng tạo các sản phẩm du lịch mới để mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế thì vấn nạn "chặt chém" khách du lịch đã làm xấu đi hình ảnh Thủ đô.

Mặc dù từ cuối tháng 5/2022, UBND Hà Nội đã có quyết định cấm hoạt động buôn bán hàng rong ở phố đi bộ. Bất chấp lệnh cấm, hoạt động bán hàng rong vẫn diễn ra khi vắng bóng các lực lượng chức năng.

Nhằm triển khai Chỉ thị 30 ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, các cấp chính quyền và Nhân dân Thủ đô đang thực hiện việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong đó có văn minh giao tiếp, ứng xử, văn minh thương mại.

Tuy nhiên, tình trạng người lao động tự do, bán hàng rong, xích lô, lái xe taxi, đánh giày…có hành vi bắt chẹt khách vẫn tồn tại. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân ứng xử văn minh, văn hóa thì rất cần chính quyền, Công an, lực lượng chức năng phối hợp giáo dục, quản lý, tăng chế tài xử lý, vì đây không chỉ là câu chuyện túi táo hay chiếc bánh rán mà còn là hình ảnh du lịch của Thủ đô.

Trước vấn nạn bán hàng rong “bủa vây” các tuyến phố, thời gian tới, các cấp chính quyền, quản lý cần đẩy mạnh nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân vốn đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh.

Một ý kiến người dân cho biết, chính quyền nên xem xét thành lập khu ẩm thực ngay sát phố đi bộ hoặc dành một phần phố đi bộ để tạo không gian ẩm thực có kiểm soát.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-chi-la-cau-chuyen-tui-tao-hay-chiec-banh-ran-ma-con-la-hinh-anh-du-lich-cua-thu-do-375376.html