Không cần gặp... người ngoài hành tinh

Tác giả Bernard Werber khuyên, chỉ cần quan tâm đến xung quanh sẽ có nhiều điều để khám phá đến ngạc nhiên chứ không cần gặp… người ngoài hành tinh.

Từ 'Kiến', Bernard Werber trở thành nhà văn. Ảnh: Nhã Nam

Trò chuyện với độc giả Việt Nam, tác giả Bernard Werber khuyên rằng, chỉ cần quan tâm đến xung quanh sẽ có nhiều điều để khám phá đến ngạc nhiên chứ không cần gặp… người ngoài hành tinh.

Viết vì người ta không cho là hay

Ngay khi trình làng, bộ tiểu thuyết đầu tiên của Werber - “Kiến” (xuất bản từ năm 1991 đến 1996) - liền gây chú ý rồi sớm bay cao, bay xa trên toàn cầu khi được dịch ra hơn 30 thứ tiếng.

Có thể thấy, thành công này nằm trong “tính toán” của người viết khi ông chia sẻ về niềm tin với riêng mình rằng sẽ viết về điều mà người khác luôn nghĩ đó không phải là chủ đề hay.

“Sao lại là kiến ư? Tôi viết vì thường người ta nghĩ đây không phải chủ đề hay, lạ, chẳng phải nó quá bình thường, nhỏ bé hay sao? Nhưng với tôi, nếu viết từ kiến mà vẫn thu hút thì sẽ có thể làm được nhiều điều hấp dẫn khác”, nhà văn Bernard Werber nói.

Nhà văn Bernard Werber. Ảnh: Nhã Nam

Nhà văn đương đại Pháp nổi tiếng thế giới Bernard Werber vừa gặp gỡ độc giả Việt Nam - từ Hà Nội vào Huế, Đà Nẵng đến TP Hồ Chí Minh trong các buổi giao lưu do Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức. Tại Hà Nội, ông dành nhiều chia sẻ tâm huyết từ trải nghiệm thực tế sáng tác đầy thú vị và hữu ích. “Gặp Werber em không chỉ được hiểu thêm về những tác phẩm ông viết mà còn mở mang được nhiều điều về cách ứng xử với thế giới tự nhiên cũng như việc cần lắng nghe chính bản thân mình”, Ngọc Anh, sinh viên năm thứ 4 Khoa Tiếng Pháp, Đại học Hà Nội bày tỏ.

Lúc nhỏ, cậu bé Werber đã rất chú ý đến kiến, thường quan sát về trật tự lao động cũng như những “thành trì” mà chúng cần mẫn xây nên. Khi trở thành nhà báo khoa học, ngẫu nhiên gặp lại sinh vật bé nhỏ này, ông nảy ra suy nghĩ: “Bé như thế vậy nó nghĩ gì về tôi và tôi nghĩ gì về nó?”, “Vị trí của nó với con người là gì?”, “Chẳng lẽ, con người hễ gặp nó là để đi đến kết thúc bằng một gót giày giẫm vào cho vui?”.

Một phóng sự về loài kiến cũng đã được Werber thực hiện khi 22 tuổi, nhờ đó ông có cơ hội trực tiếp thấy chúng chạy thành dòng, không ai chặn lại được. Hoặc như ông từng bị chúng tấn công suýt chết.

Ông cũng từng chia sẻ về dự định sẽ viết về kiến song thường nhận được ánh nhìn dè bỉu. Ông đã mất 6 năm gửi bản thảo và nhà xuất bản nào cũng từ chối. Vậy nhưng bằng trực cảm, biết lắng nghe trái tim, tiếng nói bên trong mình cùng sự liều lĩnh chứ không chờ vào quyết định của người khác, ông đã không nản.

Từ các dấu hiệu báo hiệu đi đúng đường như độc giả quan tâm, biết được vị trí của mình ở đây nên ông chấp nhận rủi ro, kiên trì, nhẫn nại, tin vào khả năng của chính mình.

Câu chuyện về kiến trải dài trong suốt bộ ba: “Kiến” – “Ngày của kiến” – “Cách mạng kiến” với 1.767 trang được Werber viết nên từ những suy nghĩ, trải nghiệm, thậm chí là cả sự “va chạm” khủng khiếp liên quan đến tính mạng như thế.

“Quả ngọt” đến khi “Kiến” đưa ông trở thành nhà văn nổi tiếng và “ăn khách” không chỉ ở Pháp mà trên toàn cầu, nhất là tại Hàn Quốc. Bởi vậy, ông đã đúng với những “toan tính” ban đầu bằng cách dám dũng cảm nghĩ khác và quyết tâm vượt qua những cái nhìn xem thường để đi đến đích.

Ông nhân hóa trong “Kiến” cùng chủ ý xây dựng con người không phải là độc tôn hay thủ lĩnh bắt loài khác phải phục tùng mà cũng chỉ là một thành phần trong thế giới tự nhiên.

“Khi trả lời câu hỏi: “Mình là ai?” và không thể xác định bằng tên tuổi, quốc tịch mà qua cái nhìn của người khác là chưa có cái nhìn tự do, cởi mở. Cần phải tư duy vượt không gian, thời gian, đi ra ngoài ranh giới đó để nhận thấy con người chỉ là một bộ phận trong thế giới này. Loài kiến nói riêng và các loài khác nói chung cũng thế, tất cả đều có vị trí bình đẳng”, Werber nhấn mạnh.

Cùng với đó, “Kiến” còn làm thay đổi nghề nghiệp của ông. Cũng vì, từ 8 tuổi ông đã viết về bọ chét song với ý nghĩ chỉ là cuộc dạo chơi vì việc này không kiếm được tiền.

Nhưng từ sự “ăn khách” của “Kiến” mà ông thay đổi, nhận thấy làm ký giả không phù hợp vì phải chịu những ràng buộc của các trật tự cố định nên chuyển sang viết văn. Bởi vậy, ông cho rằng, ai cũng có tài năng nhưng chưa thể phát hiện nên vẫn làm theo ý người khác muốn.

Sau nhiều trải nghiệm (có khi suýt mất mạng, làm những điều không thể tin được), tài năng được khám phá sẽ thấy rất tuyệt vời, có thể phát triển để mỗi người trở nên duy nhất, tỏa sáng. Nhưng, đừng so sánh và ghen tị với người khác.

Tạo câu đố thúc đẩy tìm hiểu

Dù sử dụng thể loại cổ điển - trinh thám hay chọn phương thức thể hiện quen thuộc như nhân hóa sự vật, sự việc, song nhà văn Werber luôn đặt ra tiêu chí cao cho tác phẩm của mình: Tạo câu đố và đánh thức trí tò mò, thúc đẩy độc giả cùng tìm hiểu, khám phá những cái họ chưa nghĩ đến.

Theo ông, để làm được điều đó, tác giả cần đặt mình vào góc độ của người đọc sẽ suy nghĩ gì trước các câu chuyện, nhân vật mà tác phẩm đưa ra; đồng thời luôn chạy đua với người đọc bằng đề xuất họ cùng vui, cùng tìm được giải pháp trong câu chuyện.

Ví như khi đọc “Kiến”, họ cũng có thể đồng cảm và đưa góc nhìn con kiến tương đồng với con người. Với độc giả nhỏ tuổi còn là cách dạy trẻ về sức mạnh của sự tưởng tượng, việc suy nghĩ thấu đáo cũng như bản lĩnh trước cuộc sống để không hành xử xấu xí.

Việc giẫm chết một con kiến thì có cảm nhận thế nào, suy nghĩ tích cực hay tiêu cực? Vậy nên, trong cuộc sống kỳ diệu này, bằng tác phẩm, nhà văn không chỉ kể một câu chuyện, mà còn phải kéo độc giả suy nghĩ, mở mang tìm hiểu về vấn đề mà nó muốn truyền đạt điều gì; đồng thời cần viết theo cách này nhưng đặt ra cách giải quyết khác.

Cùng với đó, Bernard Werber còn chia sẻ kinh nghiệm song hành giữa tác giả và người đọc: Cùng sống và cọ xát với các nhân vật. Nhà văn phải chủ động gặp gỡ thực tiễn, độc giả để có vốn sống mà sáng tạo.

Chính độc giả cho nhà văn dấu hiệu để khai mở tâm thức, biết mình cần đi theo hướng nào. Người giỏi nghề là người có nhiều trải nghiệm và chủ động kể cho độc giả nghe những điều đó. Như dịp này, ông rất vui khi đến Việt Nam – “một đất nước đem lại cho tôi nhiều bất ngờ, hồi hộp”.

Không chỉ thế, ông còn cho rằng: Chìa khóa của ý thức là tò mò, còn tò mò là còn trẻ, còn sống. Trong “Kiến”, giữa những trang tự sự bỗng đâu xuất hiện bách khoa toàn thư và được ông ví là những chiếc kẹo nhỏ mà độc giả muốn thưởng thức sau đó đưa ra ý kiến thích hay không rồi tiếp tục kể cho người khác nghe một cách hài hước.

Buổi trò chuyện của nhà văn Bernard Werber đầy cuốn hút. Ảnh: Bình Thanh

Có kỷ luật thì sẽ thành giỏi

Bernard Werber viết văn đều đặn 4 - 5 giờ trong ngày như thể “luyện cơ”, đồng thời lên kế hoạch xuất bản tác phẩm mới vào tháng 10 hàng năm. Với ông, có thể lúc đầu viết chưa được nhưng vẫn viết để giữ kỷ luật vì có kỷ luật thì sẽ thành giỏi.

Việc đặt mục tiêu xuất bản sách mới vào tháng 10 là cách ông kiếm tiền để có tự do, đồng thời đáp ứng niềm mong chờ có sách mới từ độc giả. Việc đó còn xuất phát từ nhu cầu tự thân khi đọc lại tác phẩm đã hoàn thành ông thấy cần làm những điều mới hiệu quả hơn, gợi mở trong tâm thức độc giả, đồng thời sự tránh lặp lại giữa các cuốn sách.

Nhưng để đạt được mục tiêu này chưa bao giờ là dễ. Ông đã đồng thời viết nhiều bản thảo song cũng có khi thấy chưa được và chệch hướng cùng mối lo sợ khán giả thất vọng, nghi ngờ đã đến giai đoạn thoái trào.

Có khi, ông viết đến 11 bản thảo khác nhau để cuối cùng mới ra được tác phẩm; có lúc viết 800 trang mà phải dừng lại; nhưng cũng có khi chỉ 30 giây là nảy ra ý tưởng và ông chỉ cần viết 2 - 3 bản thảo là có thể xuất bản.

“Các nhà văn có thể xây dựng kỷ luật viết thì đến lúc nào đó hạt mầm viết lớn dần và thành công. Tuy nhiên, trước mỗi công việc có thể thử và cảm thấy càng ngày càng thấy vui thì đó là tư chất, còn nếu sớm mai thức dậy mang cảm giác không muốn làm tức là đã chọn nhầm công việc, không gian làm việc thì nên dừng lại. Công việc viết văn mang đến niềm vui được trò chuyện, truyền cảm hứng... nên tôi liều lĩnh rời vùng an toàn (đang là nhà báo), chấp nhận rủi ro”, ông chia sẻ.

Cùng với tài năng, kỷ luật lao động, theo Werber còn có cả yếu tố may mắn để đem đến thành công bất ngờ. Ông dẫn chứng về việc trong lúc đang viết “Kiến” thì được đọc tác phẩm của một nhà văn gốc Việt (là thần tượng của ông) thấy hay quá mà phải dừng lại và hỗ trợ anh ấy.

Tiếc là khi xuất bản, tác phẩm đó không đem lại hiệu quả tốt. Sau đó, bộ “Kiến” được ấn hành với không ít may mắn, trong đó nhà xuất bản đóng vai trò tiên quyết vì không có “bà đỡ” này thì tác phẩm không thể đến được với bạn đọc. Ở Hàn Quốc có đơn vị còn thế chấp tài sản để xuất bản bộ tiểu thuyết này và thành công.

Ngoài ra, nói về mối lo ngại AI, Werber cho rằng, khoa học viễn tưởng rất rộng, những tưởng nhiều thứ cứu vớt được con người, làm cho hạnh phúc hơn nhưng thực tế không phải thế, trái lại nó có thể gây ra thảm họa, sự hủy diệt.

AI có thể biến con người thành nô lệ của khoa học công nghệ khi người sử dụng nó là tốt hay xấu, có ý thức được việc mình làm hay không. Vì vậy, mấu chốt vẫn là ở người sử dụng chúng như thế nào nên các công cụ công nghệ không phải chịu trách nhiệm.

Công nghệ AI có làm thay đổi việc viết văn nhưng nó chỉ là sao chép, không có sự độc đáo, sáng tạo. “Tôi không sợ vì tôi sáng tạo. Tôi từng thử ra lệnh cho ChatGPT viết chương đầu của một tiểu thuyết và chỉ hơn 3 phút một chút là có với câu từ phong phú, chăm chút nhưng cứ na ná văn phong của một tác giả tên tuổi nào đó. Đấy không phải tôi vì tôi chọn từ đơn giản”, Werber nói.

“Bernard Werber là một trong các nhà văn Pháp đương đại nổi tiếng nhất. Tôi là người đã được đọc tác phẩm của ông và ngưỡng mộ tài văn này không kém gì những tượng đài của văn chương, từ kinh điển cho đến đương đại. Việc hàng đêm trải qua những giấc mơ hay sống với thế giới khác, ngay cả trong sách vở, nhiều độc giả đã sống với hiện thực khác nhờ vào tác phẩm văn chương của ông”. Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-can-gap-nguoi-ngoai-hanh-tinh-post677255.html