Khốn khổ vì mẹ vợ luôn nói mát, coi thường thông gia như trong phim 'Món quà của cha'

Chuyện mâu thuẫn giữa mẹ vợ - con rể như trong bộ phim 'Món quà của cha' không phải là hiếm...

Khốn khổ khi mẹ vợ hay nói mát, coi thường thông gia

Bộ phim "Món quà của cha" lên sóng sau "Cuộc đời vẫn đẹp sao" đang được nhiều chú ý của khán giả. Xoay quanh cuộc sống của ông Nhân (NSƯT Võ Hoài Nam) và ba người con gồm Nghĩa (Tuấn Tú), Thảo (Ngọc Huyền) và Hiếu (Duy Khánh) đã nói lên nhiều góc cạnh đời sống gia đình hiện nay.

Người con trai tên Nghĩa gặp khá nhiều rắc rối với mẹ. Bà Thủy – mẹ vợ Nghĩa cảm thấy khó chịu vì con rể xuất thân nghèo hèn, lại có sự nghiệp lẹt đẹt, không bằng vợ của mình. Bà hỗ trợ hai con mua một căn hộ mới khang trang, hiện đại trong chung cư cao cấp. Khi tới giúp con chuyển nhà, bà Thủy đã tỏ ra khinh thường con rể vì anh đóng góp ít tiền mua nhà hơn vợ.

Một mình nuôi con gái khôn lớn, bà Thủy dành cả tình cảm cho con gái nên vì vậy mà quan tâm thái quá. Bà thường xuyên can thiệp vào cuộc sống của gia đình con gái trong mọi việc. Từ việc đặt hướng bếp, sắp xếp nhà cửa cho tới cúng bái… mẹ vợ Nghĩa đều muốn quản. Mẹ vợ luôn tỏ ý khinh thường con rể, cho rằng đàn ông gì mà chỉ biết dựa vào nhà vợ, muốn có vị thế thì phải có kinh tế.

Ảnh minh họa

Những lúc trò chuyện với con rể, bà Thủy thường nói kháy: "Mẹ nghĩ đàn ông phải đam mê sự nghiệp, kiếm tiền chứ". Không chỉ coi thường con rể, bà Thủy còn tỏ thái độ khinh thường ra mặt với thông gia là ông Nhân.

Chuyện mâu thuẫn giữa mẹ vợ - con rể như trong bộ phim "Món quà của cha" không phải là hiếm. Để mối quan hệ thuận hòa phải làm gì không phải ai cũng khéo léo nên xảy ra rất nhiều chuyện bi hài, nhất là trường hợp ở rể. Anh Kiên (Hà Nội) cũng đã phải quyết tâm ra ở ngoài vì bị mẹ vợ khinh thường. Bố mẹ anh mất sớm, gia đình cũng chỉ có mình cô em gái. Sau khi cưới, vợ anh nhất quyết muốn anh về ở cùng với bố mẹ cô. Thương vợ, phần lại thấy bố mẹ vợ không phải là người khó tính gì, anh quyết định về sống chung.

Thời gian đầu, cuộc sống ở rể của anh diễn ra êm ả. Khi bố vợ mất, mẹ vợ thay đổi tính nết, thường xuyên coi thường anh. Khi biết lương của anh chỉ lo tiền ăn học của con và đóng tiền ăn cho ông bà là vừa hết, mẹ vợ tỏ ra thất vọng. Bà cho rằng con gái bà đẹp người đẹp nết mà lấy phải chồng bất tài, đã ở nhờ nhà vợ lại không lo được cho vợ con một cuộc sống đầy đủ. Mẹ vợ khinh anh nhà quê, nghèo nên con gái bà đừng trông mong gì. Bà đay nghiến anh vì thương con gái nên mới để vợ chồng anh ở đây lâu đến thế.

Để ở rể được hòa thuận

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, để gia đình luôn hòa thuận khi ở rể thì đòi hỏi ứng xử phải từ 3 phía: Bố mẹ vợ - người vợ - bản thân người chồng. Bố mẹ vợ dẫu có yêu thương con cái của mình đến đâu cũng không nên can thiệp quá sâu vào mọi chuyện của hai vợ chồng. Việc quá dung túng con rể hay bênh vực con gái cũng là điều không nên.

Trong mối quan hệ nhạy cảm này, người vợ lại là sợi dây kết nối vô cùng quan trọng. Là người sống với bố mẹ từ bé, người vợ ít nhiều cũng hiểu hơn tính cách, lối sống của bố mẹ mình. Người vợ sẽ là người dung hòa, đừng tỏ ra kiêu căng, tự phụ với chồng sẽ khiến người chồng ở trong căn nhà trở nên yếu thế, tổn thương. Người vợ nên thường xuyên tâm sự, trò chuyện với bố mẹ mình để gắn kết giữa họ.

Nhiều năm làm chuyên gia tư vấn hạnh phúc gia đình, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng, với bất cứ người đàn ông nào việc ở rể không hề dễ dàng. Việc ở rể hay làm dâu giống nhau là ở việc phải học cách sống chung. Việc hạnh phúc hay khổ sở phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không.

Để việc ở rể yên ấm có hai điều cốt yếu ảnh hưởng đến là hoàn cảnh và con người. Trường hợp vợ là con một, bố hoặc mẹ vợ mất sớm hoặc ốm đau nên ở rể. Việc người chồng chung sức, chia sẻ việc chăm sóc bố mẹ già cũng hợp tình hợp lý.

Thứ hai, chàng rể cần phải vượt qua được chướng ngại tâm lý. Chàng rể nên bỏ qua mọi khích bác ở bên ngoài, coi nhà vợ cũng là tổ ấm của mình để vun đắp thì mọi chuyện sẽ khác. Người vợ cũng cần thấu hiểu và khéo léo ứng xử giữa chồng và bố mẹ. Bố mẹ vợ hãy xem con rể như con trai, yêu thương và chia sẻ. Nếu có vấn đề xảy ra nên nhẹ nhàng góp ý, tránh động chạm tới bố mẹ và gia đình nhà vợ khi xảy ra mâu thuẫn với vợ. Khi mà việc sống chung có xung đột, ở riêng sẽ là biện pháp hợp lý nhất.

Hà My

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/khon-kho-vi-me-vo-luon-noi-mat-coi-thuong-thong-gia-nhu-trong-phim-mon-qua-cua-cha-172230731155834326.htm