Khốn khổ vì chồng cứ sáng kiểm tra số km xe, trưa hỏi ăn cơm cùng ai

Có lẽ không người phụ nữ nào sinh ra lại không gặp cảnh oái oăm. Nhưng oái oăm như tôi thì có lẽ chắc chỉ có mình tôi mất.

Nguyên nhân cũng là do chồng tôi ghen tuông đến mức mù quáng khiến tôi luôn cảm giác sợ hãi và thật nặng nề.

Khốn khổ vì chồng cứ sáng kiểm tra số km xe, trưa hỏi ăn cơm cùng ai

Từ nhỏ tôi đã phải chịu thiệt thòi và thiếu thốn tình cảm, do bố mất sớm, mẹ phải gửi tôi cho bác gái ở quê nuôi. Vì thế, sau này lớn lên, bất cứ ai chỉ cần một chút quan tâm là tôi rất dễ rung động. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi gặp Quang, một chàng trai đất Cảng sống rất tình cảm.

Anh chiều chuộng và săn đón tôi. Những cuộc điện thoại, những tin nhắn hỏi thăm, những lời động viên cùng những món quà nho nhỏ khiến cô gái vốn thiếu thốn tình cảm như tôi nhanh chóng gật đầu nhận lời yêu. Hồi mới “tay trong tay”, dù tôi đi đâu, làm gì anh cũng nhiệt tình đưa đón. Bạn bè nhiều người còn tỏ ra ghen tỵ vì tôi có người yêu vừa đẹp trai, ga lăng lại rất tâm lý.

Nhưng càng ngày sự quan tâm của anh càng khiến tôi thấy rất ngột ngạt. Anh bắt đầu “soi” điện thoại của tôi. Bất cứ ai gọi đến, hoặc tôi gọi đi anh cũng phải hỏi rõ đó là nam hay nữ, có mối quan hệ thế nào. Tôi đi đâu anh cũng phải kè kè bên cạnh.

Nhưng có lẽ, lúc đó vì quá yêu khiến tôi không nhận thấy hết bản chất thật con người của Quang. Tôi cũng nghĩ rằng, có thể do lúc yêu nhau, tôi còn có nhiều “vệ tinh” khác nên anh mới như vậy. Sau này, lấy nhau rồi, “cây si” không còn nữa, chắc chắn sự đa nghi của anh cũng mất.

Hơn nữa, “chắc phải yêu lắm” thì anh mới ghen thế”, tôi nghĩ vậy. Sau 3 năm yêu nhau, chúng tôi tổ chức đám cưới. Những tưởng, dù cuộc sống nghèo khó nhưng chỉ cần vợ chồng tin tưởng và thu vén thì mọi khó khăn cũng sẽ qua. Nhưng không, chỉ sau nửa năm cưới, con người thật của Quang hiện rõ hơn bao giờ hết. Và tôi thật sự khốn khổ vì tính cách đa nghi của chồng.

Lấy nhau về chừng một tháng, Quang bắt đầu kiểm soát điện thoại, email, Facebook, thậm chí còn kiểm soát cả số km của xe máy, số tiền trong tài khoản điện thoại của tôi.

Buổi sáng trước khi đi làm, anh sẽ ngó số km xe của tôi và anh tính xem, từ nhà đến nơi làm việc của vợ là bao xa để chiều về kiểm tra. Số tiền trong tài khoản điện thoại cũng vậy, nếu mất nhiều tiền mà không phải liên lạc với chồng thì tôi gọi cho ai.

Rồi anh lấy số điện thoại ở cơ quan nơi tôi làm, để bất cứ khi nào, anh gọi điện đến tôi cũng phải nghe máy. Nếu không, “cô lại đi đâu với thằng nào mà không có ở cơ quan”.

Ngày nào đến công ty tôi cũng nhận được cả chục tin nhắn, cuộc gọi của chồng hỏi xem đang làm gì, trưa ăn gì, với ai. Nếu tôi không bắt máy hoặc nhắn tin lại ngay là y như rằng, tối về “lại có chuyện”. Chồng tôi thậm chí còn hùng hổ xông đến cơ quan buông lời xúc phạm và vu vạ rằng “đang bận với thằng nào mà không nghe điện thoại của chồng”.

Sau gần nửa năm, tôi đã quá mệt mỏi với cuộc sống ngột ngạt. Cái ý nghĩ “hay chấm dứt sớm để sau này đỡ phải khổ”, đôi lúc thoáng qua đầu tôi. Nhưng chưa kịp nghĩ sâu xa hơn thì cũng là lúc tôi biết mình đang mang giọt máu của Quang. Chồng tôi sung sướng đón nhận tin vui. Anh quan tâm, chăm sóc tôi nhiều hơn.

Tôi cũng hi vọng rằng, sau khi mang bầu, sinh con thì tính đa nghi, vũ phu của chồng cũng sẽ giảm đi. Nhưng đó chỉ là “hi vọng hão huyền” của tôi.

Một buổi trưa, tôi mang cơm đến cơ quan nhưng không ăn vì có cô bạn lại hẹn đi ăn trưa cùng. Suất cơm đó, tôi cho một anh đồng nghiệp ở cơ quan. Như lệ thường, trưa anh ấy gọi hỏi tôi ăn cơm chưa, vì biết tính chồng, tôi nói đang đi ăn cùng bạn gái.

Chồng tôi hỏi, thế đi ăn thì suất cơm kia cho ai, tôi nói cho anh bạn đồng nghiệp. Chỉ có thế thôi chồng tôi cũng nổi đóa lên.

Anh ta suy diễn rằng, “cho cơm sau này còn “cho gì” nữa?”, rồi: “Chắc giờ cô sung sướng lắm, đang mang bầu thì thoải mái vui vầy với người khác mà không lo phải dùng biện pháp”. Tối đó, anh nhắn cho tôi bảo “chán đời” và đi nhậu. Nửa đêm về, Quang lại lôi tôi ra đay nghiến, chì chiết.

Cứ thế, những suy diễn, xúc phạm của Quang khiến trong suốt thời gian mang bầu tôi phải cắn răng chịu đựng. Tôi phải rất kiềm chế để mình không quá căng thẳng, lo lắng hoặc tức giận mà ảnh hưởng đến thai nhi.

Tôi thừa nhận rằng, chồng mình được lòng rất nhiều người, đặc biệt là gia đình bên ngoại. Ai cũng bảo, Quang là chàng rể tốt, biết quan tâm, đối xử khéo léo, và rất nhiệt tình nên ai cũng yêu quý. Quả thực, nếu chồng không quá đa nghi thì có lẽ tôi cũng có một mái ấm rất hạnh phúc.

Cuộc sống gia đình tôi hạnh phúc thì ít mà “xô lệch bát đũa” thì nhiều. Sau này, tính đa nghi của chồng còn được đẩy lên “max level” (mức độ cao nhất) khi chồng tôi còn nghi ngờ vợ “lằng nhằng” với em chồng tôi – em trai ruột của Quang.

Thỉnh thoảng, tôi hoặc em trai Quang gọi điện hỏi thăm sức khỏe nhau, thấy vậy, chồng tôi bóng gió nói rằng “có khi anh lại trở thành người đi tìm vợ cho em trai cũng nên” hoặc “có việc gì mà hai chị em phải gọi điện cho nhau nhiều thế?”...

Thật sự 3 năm yêu nhau và nhất là hơn 1 năm sống chung với sự ghen tuông bệnh hoạn của chồng, tôi đã quá mệt mỏi. Đến nỗi, chắc bị khủng hoảng tinh thần vì có chồng như vậy, những câu tra hỏi của chồng còn ám ảnh tôi vào tận giấc mơ. Tôi không muốn ly hôn chồng, nhưng tôi không biết làm cách nào để chồng tôi đừng ghen tuông ích kỷ và không suy diễn nữa. Xin mọi người hãy cho tôi một lời khuyên.

Người vợ khốn khổ

Chị phải khiến chồng hiểu mình không phải là tài sản của anh ấy

Thực ra câu chuyện của chị không phải quá hiếm ở trên đời. Tôi cũng đã từng chứng kiến một vài câu chuyện tương tự, và kết cục thì không lấy gì làm tốt đẹp: Hoặc là chia tay đường ai nấy đi, hoặc là một trong hai người quá bức xúc và cần phải chia sẻ với một người thứ ba.

Già néo thì đứt dây, tức nước sẽ vỡ bờ, cái gì cũng phải có giới hạn nhất định, đã gọi là “quá” thì đều không tốt. Tôi nói vậy bởi tôi thấy là giữa vợ chồng chị đã có chữ “quá” tồn tại rồi. Chồng chị ghen tuông quá mức, không biết đâu là giới hạn, không cần biết đúng sai phải trái, chủ quan áp đặt, và dẫn đến việc thiếu tôn trọng vợ, tệ hại hơn là xúc phạm vợ. Ngược lại, chữ “quá” cũng có ở chị, đấy là nhẫn nhịn quá.

Chị nhẫn nhịn hết lần này qua lần khác, luôn sống trong một niềm hi vọng mong manh rằng chồng mình sẽ thay đổi, nhưng anh ấy không hề thay đổi. Và tôi khẳng định, anh ấy không thể tự thay đổi được, nếu không có ai đó giúp anh ấy nhận thức được rằng anh ấy đang hành xử quá bất bình thường. Và cách hành xử ấy đang đe dọa tới sự tồn vong của mái ấm gia đình.

Nếu chồng không ghen tuông quá mức thì có lẽ gia đình tôi rất hạnh phúc (Ảnh minh họa)

Tôi thừa nhận rằng, chồng mình được lòng rất nhiều người, đặc biệt là gia đình bên ngoại. Ai cũng bảo, Quang là chàng rể tốt, biết quan tâm, đối xử khéo léo, và rất nhiệt tình nên ai cũng yêu quý. Quả thực, nếu chồng không quá đa nghi thì có lẽ tôi cũng có một mái ấm rất hạnh phúc.

Vấn đề bây giờ là nên giải quyết thế nào? Tôi nghĩ việc đầu tiên là chị không nên giữ kín trong lòng mình những ấm ức này nữa. Có vẻ như chị vẫn đang cố che giấu, bao biện cho anh ấy, đặc biệt là trong mối quan hệ với gia đình hai bên nội ngoại.

Cha mẹ, anh chị em, họ hàng đôi bên đều cho rằng anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời, và chị là người may mắn vì đã lấy được anh ấy. Chị bị cái thiện cảm của mọi người dành cho anh ấy lấn át, che chắn, chị không đủ can đảm để nói ra sự thật. Và vì như thế, anh ấy càng được đà lấn tới, càng nghĩ việc ghen tuông tới mức bệnh hoạn của anh ấy là chuyện đương nhiên, chẳng có gì đáng phải suy nghĩ hay xấu hổ.

Một bên thì giấu không nói ra để giữ lấy cái vỏ bọc hạnh phúc viên mãn giả tạo, một bên thì chẳng mảy may suy nghĩ, nên mâu thuẫn giữa hai người sẽ càng ngày càng nhức nhối, càng ngày càng khó tìm được tiếng nói chung. Cứ cái đà này, chị sẽ ngày càng mệt mỏi, càng ức chế, thậm chí stress vì cái cách đối xử của anh ấy.

Tôi nghĩ chị cần phải tâm sự với bố mẹ, anh chị em ruột, thậm chí là bố mẹ chồng. Nhất định phải tâm sự, phải để cho mọi người thấy rằng anh ấy có vấn đề về nhận thức cũng như ứng xử.

Một người nói có thể anh ấy không nghe, nhưng nhiều người nói, nói một cách khách quan, với lý lẽ thuyết phục thì nhất định anh ấy phải suy nghĩ. Điều căn bản nhất trong quan hệ vợ chồng, ngoài yêu thương, còn phải có lòng tin, và sự tôn trọng.

Nhưng anh ấy không có lòng tin cũng không có sự tôn trọng. Chị cần phải khiến anh ấy hiểu rằng chị không phải là tài sản của anh ấy, anh ấy không có quyền sở hữu chị mà giữa hai người là quan hệ vợ chồng, nhất thiết phải có sự bình đẳng và tôn trọng nhau.

Tôi không nghĩ ghen tuông là một bệnh, và là thứ bệnh không thể chữa được. Đó chỉ là một lối nghĩ, một lối ứng xử, một thứ yếu đuối, mất tự tin về tinh thần.

Người đàn ông càng ghen tuông càng chứng tỏ anh ấy mất tự tin, anh ấy sợ tình cảm giữa hai vợ chồng không đủ lớn để giữ chân vợ trong khung cửa nhà mình. Vậy thì chị phải có trách nhiệm trong chuyện này.

Chị cần phải giúp anh ấy nhận thức lại vấn đề, cần phải để anh ấy hiểu rằng anh ấy đã làm chị bị tổn thương vì đã xúc phạm đến sự chung thủy của chị, đến tình cảm mà chị dành cho anh ấy. Chị cũng cần cho anh ấy biết rằng già néo thì đứt dây, nếu anh ấy không biết dừng lại đúng lúc thì chính anh ấy đang đe dọa tới mái ấm mà hai người đang có.

Tôi biết việc này rất khó, nhưng chừng nào chị còn yêu thương chồng, chừng nào chị còn muốn giữ lại gia đình nhỏ của mình thì nhất định chị sẽ tìm ra cách để giải quyết.

Chị đừng cắn răng chịu đựng, đừng nhẫn nhịn nữa, cũng đừng cảm thấy xấu hổ, đừng sợ người thân thất vọng về vợ chồng mình nữa, chị cần có sự hỗ trợ từ người thân hai bên. Tuy nhiên, cần phải thật khéo léo, mềm dẻo, tế nhị, để chồng chị không cảm thấy bị xúc phạm ngược trở lại. Xây dựng một tổ ấm đã khó, vun vén cho nó, nuôi dưỡng nó càng khó gấp bội phần.

Chúc anh chị sớm có cuộc sống bình yên bên nhau!

Sưu tầm

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/khon-kho-vi-chong-cu-sang-kiem-tra-so-km-xe-trua-hoi-an-com-cung-ai-85307/