Khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển

TP HCM tập trung phát triển hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công, tận dụng quỹ đất… để khơi thông các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 7-1, Thường trực HĐND TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình TP HCM đã phối hợp tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 1-2024 với chủ đề "Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TP HCM năm 2024". Dự chương trình có Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ.

Đẩy mạnh kết nối vùng

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cho rằng một trong những "điểm nghẽn" được thành phố tập trung khơi thông là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ông đặt câu hỏi TP HCM còn nhiều công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư rất lớn nhưng triển khai chậm, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, vậy giải pháp để sớm hoàn thành các công trình này thế nào?

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM, quan tâm về vấn đề liên kết vùng. "Với vai trò nòng cốt, đầu tàu, TP HCM có biện pháp, giải pháp gì để thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực, không gian phát triển mới cho thành phố cũng như vùng Đông Nam Bộ và các địa phương trong cả nước?" - ông đặt vấn đề.

Trả lời cử tri, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng thông tin trong năm 2023, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng như cầu Long Kiểng, cầu Long Đại, cầu Vàm Sắt 2…

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, TP HCM sẽ chú trọng công tác quy hoạch, trong đó cập nhật đầy đủ những nội dung liên quan công trình giao thông.

Việc thực hiện dự án sẽ được tổ chức đồng bộ, quyết liệt, nhất là phối hợp nhịp nhàng với các bộ, ngành trung ương và địa phương đối với các dự án có tính liên kết vùng như Vành đai 3, Vành đai 4... Bộ máy điều hành dự án cũng tiếp tục được kiện toàn; việc phê duyệt, thẩm định thiết kế sẽ sáng tạo hơn.

Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời diễn ra sáng 7-1

Nói về liên kết vùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết TP HCM luôn chủ động mở rộng hợp tác với các địa phương.

Vừa qua, TP HCM đã ký kết hợp tác với 38 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng vùng Đông Nam Bộ, TP HCM đã ưu tiên liên kết nhiều lĩnh vực lớn như mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, logistics và kỹ thuật. Đồng thời, đầu tư vào du lịch và văn hóa nhằm thu hút du khách, quảng bá hình ảnh của TP HCM và vùng Đông Nam Bộ.

TP HCM cũng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước; giảm thiểu thủ tục hành chính; phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Chú trọng nguồn lực đất đai

Nguồn lực đất đai cũng được cử tri TP HCM quan tâm. Cử tri Nguyễn Trọng Hoài nhìn nhận đất đai rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý đô thị, sử dụng đất đai thời gian qua còn hạn chế. "Thành phố có giải pháp gì để tăng thu ngân sách từ đất đai trong thời gian tới" - ông nêu câu hỏi.

Giải đáp vấn đề cử tri đặt ra, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Huỳnh Văn Thanh nhấn mạnh đất đai tham gia trực tiếp và gián tiếp trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố. Những năm qua, nguồn thu từ đất luôn chiếm tỉ lệ cao trong nguồn thu ngân sách của TP HCM.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết thành phố tiếp tục đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, để khơi dậy nguồn lực từ lực lượng này.

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, ông Thanh cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ 4 giải pháp chính. Sở sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có; thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo chính sách đặc thù của Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cũng như tăng cường việc quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng và tham mưu cho UBND TP HCM ban hành "Quy chế và cơ chế phối hợp trong thực hiện tạo quỹ đất trên địa bàn TP HCM". Theo ông Thanh, đây là giải pháp căn cơ và là "lá chắn" hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết tình trạng "đầu cơ" đất đai tại các vùng phụ cận.

Phát biểu tại chương trình, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM Lê Trương Hải Hiếu nhấn mạnh việc khơi thông các nguồn lực không chỉ tạo đà, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2024 mà còn cả những năm tiếp theo.

Ông Hiếu đề nghị trong thời gian tới, TP HCM cần tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai những dự án giao thông trọng điểm, quan trọng như Vành đai 3, Vành đai 4; dự án xây dựng cao tốc Mộc Bài - TP HCM, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Bởi lẽ, kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông là yếu tố quyết định trong việc thúc đẩy liên kết vùng, khơi thông các nguồn lực khác để phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, việc phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai là vấn đề cấp thiết.

Thu trên 2.200 tỉ đồng từ 3 lô đất

Theo ông Huỳnh Văn Thanh, trong năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đấu giá 3 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.

Đó là 2 lô đất ký hiệu I-2, I-3 tại khu chức năng số 1 và lô đất ký hiệu 3-5 tại khu chức năng số 3. Dự kiến, việc đấu giá sẽ mang về nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên 2.215 tỉ đồng.

Tiếp tục "chiêu hiền, đãi sĩ"

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết TP HCM đang triển khai một số chính sách để thu hút, đón đầu lực lượng lao động có trình độ cao.

TP HCM sẽ thực hiện tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định 140/2017 của Chính phủ. Bên cạnh đó, thành phố cũng vừa ban hành 2 nghị quyết quan trọng về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học (có thể lên đến 100 triệu đồng) và chính sách đãi ngộ để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc (hỗ trợ 2-4 lần mức lương cơ sở vùng), nhằm triển khai Nghị quyết 98 và tạo cơ sở để thành phố thu hút, giữ chân người tài.

TP HCM cũng đang xây dựng Đề án cải cách nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Trong đó, TP HCM đề xuất những chính sách mới để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, tài năng, tâm huyết cống hiến cho thành phố.

"Những chính sách trên từng bước sẽ tạo nền tảng cơ bản để TP HCM tiếp tục "chiêu hiền, đãi sĩ", thu hút, giữ chân và trọng dụng nhân tài, góp phần xây dựng thành phố phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng" - Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoi-thong-nguon-luc-tao-da-phat-trien-196240107214505533.htm