Khơi thông dòng chảy nguồn vốn FDI

GD&TĐ - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/3/2017 cả nước có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính chung trong quý I/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng tốc chảy vào Việt Nam và dự báo tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tiếp theo của năm 2017...

Những tín hiệu khả quan

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư đợt 1 năm 2017 cho 18 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn lên tới gần 1,3 tỷ USD. Trong số này, có 10 dự án đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký 740,7 triệu USD; 8 dự án tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm là 536 triệu USD. Chỉ trong một ngày, mà có tới 18 dự án được trao chứng nhận đầu tư - một động thái cho thấy, vốn FDI đang tăng tốc chảy vào Việt Nam.

Danh sách những doanh nghiệp nước ngoài được cấp chứng nhận đầu tư đợt này đáng chú ý là các dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP III), VSIP II - A chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm của Singapore; Kolon Industries Inc., (Hàn Quốc), với dự án sản xuất sợi lốp polyester HMLS để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô; Tata Coffee Limited (Ấn Độ), với dự án sản xuất cà phê hòa tan. Chưa kể, còn có Polytex Far Eastern (Đài Loan) - tăng vốn thêm 485,8 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp của họ lên 760 triệu USD…

Như vậy, kể từ đầu năm 2017 đến nay, Bình Dương đã thu hút tổng cộng hơn 2 tỷ USD vốn FDI. Tuy nhiên, với con số thu hút vốn ấn tượng này, Bình Dương vẫn chưa phải là địa phương thu hút FDI nhiều nhất trong những tháng đầu năm. Bởi trước đó đúng 1 tháng, Bắc Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Samsung Display, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,5 tỷ USD. Đây là dự án FDI lớn nhất kể từ đầu năm tới nay đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Và chỉ nhờ dự án này, không nằm ngoài dự đoán, Bắc Ninh đã vươn lên dẫn đầu các địa phương thu hút FDI trong quý I/2017.

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, nếu chỉ tính riêng phần đăng ký đầu tư ở Bình Dương và Bắc Ninh, ít nhất đã có thêm 3,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, cao hơn mức vốn FDI đăng ký của cả 2 tháng đầu năm cộng lại (3,4 tỷ USD). Đó là còn chưa kể, cách đây ít ngày, Keppel Land, cũng là một nhà đầu tư Singapore, đã tuyên bố mua thêm 16% cổ phần lại liên doanh Keppel Land Watco, chủ đầu tư của Dự án Saigon Centre. Số cổ phần nói trên được chuyển từ đối tác Việt Nam của Keppel Land là Tổng Công ty cổ phần Đường sông miền Nam, trị giá 845,9 tỷ đồng, tương đương khoảng 53,5 triệu USD Singapore; dự án Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD tại Hà Nội...

Ngoài ra, còn có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng 206,4% so với cùng kỳ năm 2016; và có 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016.

FDI sẽ tiếp tục chảy

Trong bối cảnh hàng loạt dự án được đăng ký mới, thì cũng tương tự, có không ít dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư đang vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Mới đây tại TPHCM đã chính thức khánh thành tòa nhà văn phòng 17 tầng Mapletree Business Centre (MBC) hạng A đầu tiên. Dự án do Mapletree (Singapore) triển khai và góp phần quan trọng nâng tổng vốn đầu tư của Mapletree tại Việt Nam lên tới 1,2 tỷ USD Singapore.

Trong một động thái khác, Công ty Wilmar International Limited (Singapore) đang lên kế hoạch đầu tư một nhà máy sản xuất dầu đậu nành, vốn đầu tư 30 triệu USD tại Bình Định. Cũng tại tỉnh này, Công ty TNHH Năng lượng Seoul (Hàn Quốc) cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư một dự án năng lượng tái tạo với vốn đầu tư 215 triệu USD.

Trong khi đó, Aeon cũng đã chính thức công bố việc sẽ mở trung tâm Aeon MALL thứ 2 tại Hà Nội. Dự án có vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019. Thậm chí, nhà đầu tư này cũng đã bắt đầu tới Hải Phòng để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

Trong khi đó, theo khẳng định của lãnh đạo Bộ KH&ĐT thì Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sao cho thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/3/2017 cả nước có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung trong quý I/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng tốc chảy vào Việt Nam và dự báo tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tiếp theo của năm 2017...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/khoi-thong-dong-chay-nguon-von-fdi-3095611-b.html