Khởi sắc vùng cao

Những tuyến đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông, những ngôi nhà khang trang ẩn hiện bên nương, đồi xanh mướt… cho chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt từ diện mạo thôn quê đến đời sống kinh tế của từng hộ.

Nông thôn các xã vùng cao ngày càng khởi sắc.

Có xuất phát điểm thấp nhưng với nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Bát Xát đã đạt những kết quả quan trọng. Để tập hợp người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, Bát Xát đã thành lập các tổ giúp đỡ, hỗ trợ, kêu gọi giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới. Ngân sách huyện hỗ trợ xi măng và người dân đối ứng vật liệu, nhân công thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường, xây dựng đường liên gia, ngõ xóm và các công trình công cộng; tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế.

Huyện Bát Xát dành nguồn lực lớn để làm đường giao thông nông thôn.

Phong trào làm đường giao thông nông thôn được huyện ưu tiên thực hiện. Năm 2023, huyện đã xây dựng hơn 100 km đường trục thôn, liên thôn; gần 3 km đường liên gia, ngõ xóm. Cùng với ngân sách hỗ trợ, người dân trên địa bàn đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và hơn 11 tỷ đồng xây dựng các tuyến đường. Đến nay, toàn huyện có 50% xã đạt tiêu chí giao thông.

Năm 2023, huyện tạo thêm việc làm cho gần 1.700 lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%. Từ năm 2020 đến nay, người dân trồng mới 555 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích toàn huyện lên 1.665 ha; phát triển vùng chè nguyên liệu tại 6 xã, với 550 ha; vùng trồng chuối 1.000 ha.

Nhiều tuyến đường tại các xã vùng cao được đổ bê tông, thuận lợi giao thương.

Việc chỉnh trang nhà ở dân cư, nhà vệ sinh, xây dựng chuồng trại được người dân quan tâm. Năm 2023, người dân xây mới 227 nhà ở, nâng cấp, sửa chữa 211 nhà; làm 174 nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 89,4%; làm 142 chuồng nuôi nhốt gia súc, 31 hố rác gia đình, 124 nhà tắm/bể nước. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,6%.

Bức tranh kinh tế của Bát Xát năm 2023 có nhiều khởi sắc. Giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 78 triệu đồng/ha canh tác, thu nhập bình quân đạt 36,5 triệu đồng/người.

Các huyện vùng cao quan tâm thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư.

Tại huyện Mường Khương, chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Năm 2023, toàn huyện đã huy động được hơn 6 tỷ đồng gồm tiền, ngày công, hiến đất… để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% xã trên địa bàn đạt tiêu chí giao thông; 99,3% thôn có nhà văn hóa và được cấp trang - thiết bị hoạt động; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 30,05 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo là 33,19%, giảm 6,55% so với năm 2022…

Người dân chủ động phát triển kinh tế.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5/62 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh nhấn mạnh: Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp hạ tầng nông thôn được đầu tư, đời sống người dân được nâng cao, nhiều vùng nông thôn đã thay đổi diện mạo, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khoi-sac-vung-cao-post377950.html