Khởi sắc nông thôn mới huyện Cao Lộc nhìn từ sự thay đổi ngoạn mục ở 'điểm sáng' Gia Cát

Diện mạo nông thôn mới huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) những năm qua đang có những màn 'lột xác' ngoạn mục, làm thay đổi đời sống kinh tế, tinh thần của người dân, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo bền vững, trên nền tảng sản xuất giàu khoa học - kỹ thuật.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2015, Gia Cát là xã đầu tiên của huyện Cao Lộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, sau "chiến công" đầu, xã tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu mới.

"Điểm sáng" Gia Cát

Năm 2022, Gia Cát được chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Cao Lộc. Để thực hiện mục tiêu đề ra, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động huy động nguồn lực của người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí.

Diện mạo nông thôn mới ở Cao Lộc ngày càng khởi sắc (Ảnh: BLS).

Cụ thể, tổng nguồn lực huy động xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Gia Cát là 25,66 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 24,25 tỷ đồng, người dân đóng góp 1,41 tỷ đồng. Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của nhân dân, việc triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Gia Cát đã đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, trục thôn được cứng hóa, có đèn chiếu sáng và giữ gìn sạch đẹp; 91,5% đường ngõ, xóm được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện lưới quốc gia; 3/3 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo quy định; 100% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 100%…

Thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao góp phần nâng cao thu nhập, đẩy nhanh giảm nghèo trên địa bàn Gia Cát. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 47,76 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,96%. Qua đó, xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

Sức bật từ sản xuất

Không dừng lại ở việc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bước sang năm 2023 và những năm tiếp theo, xã Gia Cát tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự chung tay, góp sức của người dân cũng như huy động các nguồn lực khác để tiếp tục hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu.

Có một điều dễ nhận thấy là để có được thành công tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xã Gia Cát đã có những sự đầu tư rất mạnh vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó đóng góp vào những thành công chung.

Nhiều năm qua, xã Gia Cát là một trong những vùng rau chủ lực trên địa bàn huyện Cao Lộc, với tổng diện tích trên 50 ha rau màu VietGAP, hữu cơ. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh.

Nông thôn mới Cao Lộc có nền tảng vững vàng từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp (Ảnh: BLS).

Điển hình có thể kể đến HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát phát triển sản xuất có ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả vượt trội. Giám đốc Hoàng Văn Thuận cho hay, HTX hiện đang phát triển các cây trồng chủ lực, có giá trị cao như dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây…

Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ vào sản xuất, HTX đảm bảo năng suất, nâng cao chất lượng, cải thiện giá bán, tạo việc làm thu nhập cao cho lao động. 100% hộ thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Gia Cát chỉ là một trong số nhiều địa phương ở Cao Lộc xây dựng nền tảng vững chắc cho nông thôn mới bằng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Điển hình, ở xã Hải Yến có cây ăn quả là sản phẩm chủ lực, với tổng diện tích hơn 100 ha. Gần 10 năm qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như mận, hồng không hạt Bảo Lâm…

Ông Lương Văn Thế, thôn Tồng Liền, trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm đã được hơn 13 năm, cho biết gia đình ban đầu chỉ trồng vài chục cây, khi cây cho thu hoạch, quả hồng bán được giá cao, dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Thấy có hiệu quả kinh tế, ông đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và mở rộng diện tích trồng.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

“Đến nay, gia đình tôi có trên 500 cây hồng, trong đó trên 250 cây đã cho thu hoạch, mỗi năm cho thu hơn 3 tấn quả, đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng. Cùng với đó, tôi trồng trên 500 cây mận, cho thu hơn 4 tấn quả mỗi năm và 2 ha hồi, 5 ha thông cũng đã cho thu hoạch. Từ các cây trồng trên cho gia đình tôi thu về hơn 250 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí”, ông Thế nói.

Cùng với xã Gia Cát và Hải Yến, các địa phương khác trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Chủ trương này được người dân đồng thuận hưởng ứng và triển khai thực hiện, từ đó huyện đã có nhiều nông sản hàng hóa có chất lượng cung cấp cho thị trường, đem lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.

Với nền tảng từ nông nghiệp, huyện Cao Lộc dự kiến đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu trong những năm tới. Đến đầu năm 2023, trên địa bàn huyện có 9/20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Năm 2023, huyện Cao Lộc phấn đấu đưa xã Bảo Lâm đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại phấn đấu đạt thêm từ 1 - 2 tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2022 mỗi xã xây dựng từ 1 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu… Dù còn nhiều thách thức, nhưng các mục tiêu đang dần được hoàn thành.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/khoi-sac-nong-thon-moi-huyen-cao-loc-nhin-tu-su-thay-doi-ngoan-muc-o-apos-diem-sang-apos-gia-cat-1096899.html