Khởi sắc các xã biên giới Sông Mã • Kỳ II: Thành quả của những nỗ lực

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm vươn lên thoát nghèo của nhân dân, bức tranh nông thôn mới của 4 xã biên giới huyện Sông Mã đang có những gam màu tươi sáng.

Phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa

Trên sườn đồi rộng hơn 1 ha trồng bưởi da xanh, nhãn chín sớm và trồng xen cây ổi, anh Lò Văn Hùng, bản Nà Lứa, xã Mường Hung, hái mấy quả ổi chín, thơm mời chúng tôi thưởng thức và bảo, việc trồng xen như vậy để có thu nhập liên tục trong năm. Anh kể: Trước đây, gia đình tôi trồng cây nhãn, cây bưởi địa phương trong nương ngô chỉ để phục vụ sinh hoạt, bởi có bán cũng không được giá, mà cũng chẳng có mấy người mua. Năm 2018, tôi bàn với gia đình cải tạo diện tích vườn bằng cây nhãn chín sớm, cây bưởi da xanh, trồng xen thêm cây ổi không hạt. Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, kết hợp với học hỏi thêm kinh nghiệm qua sách báo và các gia đình làm trước, ba năm qua, sau khi trừ chi phí, vườn cây của gia đình thu gần 400 triệu đồng/năm. Anh Hùng phấn khởi khoe thêm: Gia đình tôi đã mở rộng thêm 3 ha nhãn và xoài tượng da xanh, dự kiến vụ sang năm sẽ cho thu hoạch.

Vào cuộc cùng với nông dân 4 xã biên giới, từ năm 2018 đến nay, cán bộ các cơ quan chuyên môn của huyện bám sát từng địa bàn, phối hợp với các xã hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn. Từ năm 2018 đến nay, đã có hàng nghìn lượt lao động trong 4 xã biên giới được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Huyện còn tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở các mô hình điển hình trong huyện, để được “mắt thấy, tai nghe”, từ đó tin tưởng áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.

Nhân dân xã Chiềng Khương thu hoạch dứa Queen.

Ông Nguyễn Chí Thành, Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ xây dựng 3 mô hình kinh tế tại 4 xã biên giới. Gồm mô hình dứa Queen tại xã Chiềng Khương và Mường Sai; mô hình gà đẻ trứng tại xã Chiềng Khương. Trong đó, năm 2021, xã Chiềng Khương được chọn điểm trồng cây dứa Queen phục vụ nguyên liệu cho Trung tâm Chế biến rau, quả Doveco Sơn La, với 38 hộ dân tham gia trồng 50 ha. Ngay vụ đầu tiên, 70% diện tích trồng dứa đã cho thu hoạch quả, sản lượng đạt 180 tấn quả, trừ chi phí, các hộ thu lãi từ 70-100 triệu đồng/ha. Hiện nay, cây trồng này đang được bà con trong xã nhân rộng. Ngoài ra, 60 hộ dân của 4 xã được hỗ trợ gần 2,2 tỷ đồng theo Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 128/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 28/2/2020, để đầu tư xây dựng lò sấy hơi nhiệt. Có 1 hộ được hỗ trợ 46,2 triệu đồng đầu tư containe đông lạnh, lạnh.

Nhân dân bản Huổi Mo, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã thu hoạch nhãn.

Trên đường vào thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Ten Bạnh, xã Chiềng Khương, xung quanh nhà ở của các hộ dân, trên các phiêng bãi và các sườn đồi, là bạt ngàn màu xanh của cây nhãn. Các chủ vườn đầu tư hệ thống ống tưới ẩm, cách vài gốc cây lại lắp đặt hệ thống van phun nước để tưới nước cho cây. Anh Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX, cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích này được trồng giống nhãn lồng Hưng Yên. Trải qua nhiều năm, cây nhãn thoái hóa, chất lượng quả không cao. Chúng tôi đã tiến hành cắt ghép sang nhãn miền thiết theo cách mỗi năm thực hiện cắt ghép một phần diện tích. Năm 2017, tôi liên kết với một số hộ gia đình trong bản thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, với 23 thành viên, quy mô sản xuất hiện tại là 43 ha nhãn (6 ha nhãn chín sớm, còn lại là nhãn miền thiết). Toàn bộ diện tích được chăm sóc theo quy trình VietGAP; năng suất đạt 12 tấn quả/ha, tiêu thụ trên thị trường các tỉnh và xuất khẩu sang Trung Quốc. Trừ chi phí thu nhập bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/vụ.

Ông Cà Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, chia sẻ thêm: Xã có 690 ha nhãn, trong đó, trên 25 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, 10 ha nhãn được cấp mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc, Úc. Cùng với bán quả nhãn, nhân dân còn đầu tư gần 300 lò sấy long nhãn, duy trì 1 container lạnh đảm bảo tiêu thụ hết nhãn của nông dân trong xã và các xã lân cận.

Đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất

Huyện Sông Mã đã lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng các công trình thiết yếu, như hệ thống đường giao thông, các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, hệ thống cung cấp điện và cải tạo nguồn nước... nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.

Xã Mường Hung được xây cầu kiên cố.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Trong giai đoạn 2017 - 2023, trên địa bàn các xã biên giới đã triển khai thực hiện 112 dự án, với tổng mức đầu tư 395 tỷ 897,3 triệu đồng. Trong đó, 90 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 22 dự án đang thi công. Việc phát triển kết cấu hạ tầng đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Đến nay, các công trình cơ sở hạ tầng tại 4 xã biên giới cơ bản đáp ứng sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Trong đó, 4/4 trụ sở làm việc của UBND xã, 4 trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng khang trang; 70% số nhà văn hóa các bản được đầu tư xây dựng; các trường học đều đã được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhiệm vụ dạy - học của các nhà trường; 60% số tuyến đường từ trung tâm xã về các bản đã được cứng hóa; các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo chủ động tưới tiêu cho trên 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp...

Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Sai được đầu tư xây dựng khang trang.

Ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Mường Sai, phấn khởi: Đến nay, các công trình điện, đường, trường, trạm ở xã đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng sản xuất và đời sống của nhân dân. Riêng năm 2023, xã phối hợp với đơn vị thi công khởi công xây dựng nhà văn hóa các bản Tân Hống, Nà Un, Co Đứa; nhà lớp học điểm trường bản Co Đứa, Trường mầm non Biên Cương; cầu Suối Lẹ bản Ỏ - Nong Phạ; công trình định cư cho nhân dân bản Nong Phạ; sắp xếp dân cư bản Tin Tốc. Các công trình đưa vào sử dụng, góp phần cùng xã đạt 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu nông thôn mới.

Cùng với đó, hệ thống đường tuần tra biên giới trên địa bàn huyện gồm 4 tuyến, tổng chiều dài là 61km, mặt đường bê tông, nằm dọc trên địa bàn 3 xã Chiềng Khương, Mường Hung và Mường Cai. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã cấp 10 tỷ 431 triệu đồng cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và đảm bảo giao thông, đáp ứng việc đi lại của nhân dân và công tác tuần tra biên giới thuận lợi, an toàn.

Xây dựng vùng biên ổn định, phát triển

Sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm và nỗ lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân, 4 xã biên giới của huyện Sông Mã đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, 4 xã có 2.678 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là nhãn, bưởi da xanh, thanh long, dứa Queen. Trong đó, 1.725 ha trồng nhãn (1.645 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 17.922 tấn/năm). Hầu hết diện tích trồng nhãn được sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm bán trên thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Bà con còn trồng 41 ha cây cà phê, sản lượng đạt 620 tấn quả cà phê tươi/năm; 4,8 ha cây mía, sản lượng đạt 15 tấn mía cây. Đồng thời, khoanh nuôi, bảo vệ 2.934,3 ha rừng. Chăn nuôi đang từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn trên 400 nghìn con gia súc, gia cầm.

Chia vui với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy, phấn khởi: Đời sống nhân dân 4 xã biên giới của huyện đang khởi sắc từng ngày. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của các xã biên giới giảm từ 31,6% năm 2021 xuống còn 13,4% năm 2023. Có 1 xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2023... Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ toàn diện các xã biên giới nhằm rút ngắn khoảng cách về đời sống với nhân dân các vùng trong huyện.

Hành trình đến 4 xã biên giới của huyện Sông Mã đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc và sự cảm phục về quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, cũng như ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo của nhân dân. Chúng tôi tin, 4 xã sẽ tiếp tục bứt phá, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn; khu vực biên giới luôn được giữ vững ổn định và phát triển.

Hồng Luận, Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/khoi-sac-cac-xa-bien-gioi-song-ma-ky-ii-thanh-qua-cua-nhung-no-luc-N6IMsSdSR.html