Khỏi phải đợi kiếp sau

PN - Cấn thai đứa con thứ hai, chị dâu tôi mở lịch đếm và thở dài, ngày sinh em bé sẽ rơi vào kỳ học của lớp tại chức mà chị đang theo học.

Chị than thở, hồi con gái dại dột nghỉ học sớm, nay cố gắng sửa chữa sai lầm thì ông trời không thương, thêm một lần nữa bị dở dang. Trách thân trách phận rồi chị trách chồng, trách luôn ông trời rồi ước: “Kiếp sau xin được làm đàn ông”.

Anh hai phiền lòng vì mình cư xử đâu đến nỗi tệ mà “bị” vợ ước như vậy, bèn tuyên bố “Em khỏi phải đợi kiếp sau”.

Thế là hai anh chị vạch ra một thỏa thuận: anh hai sẽ xin nghỉ phép và cộng thêm nghỉ không lương một tháng để chăm sóc con cho vợ được đi học. Để vợ khỏi phải buồn bực vì trót sinh ra làm đàn bà, từ nay về sau mọi công việc chia đôi, anh và chị đều nhận lãnh trách nhiệm bằng nhau.

Vậy là, chị chưa đi học nhưng sự chia đôi đã bắt đầu và ngày càng sòng phẳng. Anh đưa bé lớn đi nhà trẻ, người đón về là chị dù cơ quan anh gần nhà trẻ hơn. Việc nấu nướng chợ búa là của chị, vậy phần anh lau nhà và nhét áo quần vô máy giặt, phơi và xếp cất khi áo quần đã khô. Bạn bè anh tới thì chị phục vụ nước nôi và ngược lại. Thậm chí tối nào đi nhậu thì… anh chở bé lớn về gửi cho bà nội để chị muốn đi chơi cũng không bị vướng bận!

Chính vì gửi con cho bà nội để tạo điều kiện cho vợ đi chơi mà cả nhà tôi mới biết anh chị phân chia bình đẳng theo kiểu này. Ba má tôi vốn dễ tính nên chỉ bật cười nói: “Nhà nào cũng có lúc nắng mưa”, coi như có dịp chơi với cháu nội. Rồi sau đợt chị đi học hai tháng về, sự phân chia rốt ráo hơn nữa, phần anh chăm sóc bé lớn mọi điều, bé nhỏ vì còn bú nên là phần việc của chị.

Anh đưa đón bé lớn tới trường và các lớp học thêm, có lần hội phụ huynh gọi điện thoại để bàn việc xây dựng quỹ khen thưởng, người nhấc điện thoại là chị, nhưng khi nghe việc liên quan tới lớp học của bé lớn thì chị không nghe nữa mà chuyển điện thoại cho anh, cả khi bé lớn bị bạn bè bắt nạt, anh cũng là người giải quyết. Và cũng như vậy, anh bình thản khi chị gọi taxi chở chị và bé nhỏ đi khám bệnh, bình thản đọc báo khi chị vừa bế bé nhỏ đang khóc vừa khuấy nồi cháo… Đã phân công rồi mà!

Tết, anh hai gọi điện thoại nhờ tôi mua áo quần mới cho bé lớn. Tôi hỏi: “Vợ anh đâu mà phải nhờ?”. Anh hai cười khì: “Bình đẳng mà, việc ai nấy làm cho khỏe, khỏi cân đo kể lể mệt óc”. Được nhờ mua áo quần Tết nên tôi mới biết điều mà ba mẹ tôi gọi là "nắng mưa" đó kéo dài cho tới lúc này. Bé lớn như đã quá quen với việc mẹ chỉ quan tâm tới em nhỏ nên chấp nhận việc không phải mẹ mà là tôi dắt bé đi mua sắm như là điều hiển nhiên.

Tôi tự hỏi, nếu sự tình này kéo dài thêm nữa sẽ ra sao? Điều chắc chắn là hai đứa con sẽ trở nên vô cảm, điều mà chúng học được ngay từ cha mẹ mình trong cái sự gọi là "bình đẳng" một cách kỳ quặc đó.

Hương Nguyên

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: vochongbinhdang@baophunu.org.vn

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/dien-dan/khoi-phai-doi-kiep-sau/a84647.html