Khởi nguyên của nguyên nhân, hình thành Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ

Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Phật giáo Đại thừa, chúng ta không thể bỏ qua giai đoạn Phật giáo Bộ phái hay còn gọi là Phật giáo Tiểu Thừa, là giai đoạn trung gian để hình thành nên Đại thừa Phật giáo. Bởi vì theo các nhà nghiên cứu về lịch sử thì sau khi đức Phật nhập Niết bàn khoảng 100 năm, nội bộ Phật giáo đã có những bất đồng về giới luật

Mục lục bài viết

MỞ ĐẦU
1. KHỞI NGUYÊN CỦA NGUYÊN NHÂN VÀ HÌNH THÀNH ĐẠI CHÚNG BỘ VÀ THƯỢNG TỌA BỘ

1.1. Khái lược Phật giáo Đại Chúng Bộ và Phật giáo Thượng Tọa Bộ
1.2. Nguyên nhân đưa đến sự ra đời của Phật giáo Thượng Tọa Bộ

1.2.1. Khái quát bối cảnh lịch sử trước khi đức Phật ra đời

1.3. Những nguyên nhân chính đưa đến sự ra đời của Phật giáo Đại Chúng Bộ

1.3.1. Sơ lược Phật giáo bộ phái hay còn gọi là Phật giáo Nguyên Thủy
1.3.2. Sự chuyển biến trong giáo lý Phật giáo (nguyên nhân ngoại tại)
1.3.3. Sự chuyển biến trong nội bộ Phật giáo (nguyên nhân nội tại)

KẾT LUẬN

Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Phật giáo Đại thừa, chúng ta không thể bỏ qua giai đoạn Phật giáo Bộ phái hay còn gọi là Phật giáo Tiểu Thừa, là giai đoạn trung gian để hình thành nên Đại thừa Phật giáo. Bởi vì theo các nhà nghiên cứu về lịch sử thì sau khi đức Phật nhập Niết bàn khoảng 100 năm, nội bộ Phật giáo đã có những bất đồng về giới luật

Thích Minh Nghiêm
Học viên Cao học khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

MỞ ĐẦU

Đạo Phật, xét theo phương diện lịch sử thì đã tồn tại trên hai mươi lăm thế kỷ, đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định an sinh xã hội, chính trị, cũng như văn hóa tâm linh của từng quốc gia lớn, nhỏ trên thế giới. Với phương châm đưa đạo vào đời, “Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến”, với phương châm hành đạo như thế, đức Phật đã thuyết pháp độ sinh ròng rã suốt hơn bốn mươi năm mà không hề cho đó là sự mệt mỏi.

Vì chúng sinh căn tính đa dạng, nên đức Phật phải phương tiện với nhiều pháp môn bằng câu châm ngôn quen thuộc. Đó là “vì chúng sinh đa bệnh nên Phật Pháp đa phương”. Cho nên có thể nói, Pháp Phật là bất định pháp, là pháp luôn luôn uyển chuyển theo hoàn cảnh và căn cơ của chúng sinh để hoàn thành sứ mạng cứu khổ, ban vui của mình. Với tinh thần nhập thế tùy duyên bất biến mà đạo Phật đã tạo cho mình một sức sống vô biên, vượt qua những ngăn cách của địa lý, văn hóa, tôn giáo, ý thức hệ, thời gian và không gian… tinh thần tùy duyên là tự thay đổi với hoàn cảnh để có thể tiếp nối chúng sinh, tính bất biến là giải thoát ra khỏi mọi đau khổ, sinh tử luân hồi nhưng không hề vướng mắc.

Phật giáo luôn hòa nhập với tất cả các truyền thống văn hóa tín ngưỡng của các nước trên thế giới, theo thời cuộc mà có sự thay đổi, đổi mới sao cho thật thích hợp. Với chuyên đề: “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ và các tông phái Phật giáo Trung Hoa”, học viên chọn đề tài: “Trình bày về nguyên nhân và sự hình thành của Đại Chúng Bộ và Thượng Tọa Bộ”, với tư cách là học viên, xin trình bày sự hiểu biết và nhận định của mình theo quan điểm của cá nhân.

Đề tài này quả thực nằm ngoài khả năng của mình, nhưng không vì thế mà bỏ qua cơ hội tìm hiểu thêm. Mặc dù vấn đề này đã được trình bày và thảo luận rất nhiều nhưng chưa bao giờ có một kết quả khả quan. Hôm nay, tác giả chỉ mạo hiểm phân tích, chứng minh, tổng hợp,… và trình bày những quan điểm hạn hẹp của mình qua những phần cơ bản liên quan đến chủ đề đã chọn. Để bản thân và mọi người hiểu và thực hành vào đời thêm một ít tư liệu phụ trợ.

1. KHỞI NGUYÊN CỦA NGUYÊN NHÂN VÀ HÌNH THÀNH ĐẠI CHÚNG BỘ VÀ THƯỢNG TỌA BỘ

1.1. Khái lược Phật giáo Đại Chúng Bộ và Phật giáo Thượng Tọa Bộ

Theo quan điểm của HT.Quảng Độ, thì Phật giáo được chia ra làm ba thời kỳ: Phật giáo Nguyên Thủy (Thượng Tọa Bộ), Phật giáo bộ phái và Phật giáo Đại Thừa (Đại Chúng Bộ). Cũng giống như cây gồm có ba phần: rễ, thân và ngọn. Phật giáo Nguyên thủy hay còn gọi là Phật giáo thuần túy, nghĩa là Phật giáo do chính đức bổn sư Thích Ca sáng lập và truyền dạy trong suốt cuộc đời của Ngài, khi Ngài còn hiện hữu. Phật giáo Đại Thừa là Phật giáo phát triển, được hình thành từ khoảng thế kỉ thứ I (BC) và dần hoàn thiện về sau. Nhưng từ Phật giáo Nguyên Thủy đến Đại Thừa chúng ta không thể bỏ quên một mấu chốt quan trọng đó là Phật giáo bộ phái. Đây là tác nhân trung gian dẫn đến sự thành lập Phật giáo Đại thừa.

1.2. Nguyên nhân đưa đến sự ra đời của Phật giáo Thượng Tọa Bộ

1.2.1. Khái quát bối cảnh lịch sử trước khi đức Phật ra đời

1.2.1.1. Sự phát triển xã hội

Sau khi chủng người Aryan chiếm lĩnh và định cư tại Ấn Độ thì một sự dung hợp và đồng hóa đã xảy ra giữa những người dân bản địa và người Aryan, và từ đó đã hình thành nên giống người Ấn – Âu, một nền văn hóa mới phát triển.

Đạo Phật ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VI (BC), vào thời điểm này trên thế giới đã có rất nhiều nhà tư tưởng, bậc tôn sư khác ra đời như Lão Tử của Trung Quốc, Socrates của Hy Lạp, Zoroaster của Trung Đông… mỗi bậc thầy đều có mỗi chủ thuyết riêng của tôn giáo mình, làm cho dân chúng rất là phân vân, không biết ai đúng ai sai và nên theo ai, dẫn đến niềm tin tôn giáo bị khủng hoảng một cách trầm trọng. Trước khi Phật giáo ra đời ở đất nước Ấn Độ, đã hình thành và phân chia bốn giai cấp một cách rõ rệt. Giai cấp thứ nhất đó là Brahmana, lo việc cúng tế, lễ nghi. Giai cấp thứ hai đó là Khattiya, là giai cấp vua chúa, nắm quyền lãnh đạo thống trị đất nước. Giai cấp thứ ba là Vessas gồm thương gia và địa chủ. Giai cấp cuối cùng và thấp nhất đó là Shudra, là giai cấp tiện dân suốt đời làm nô lệ. Trong thời gian này, các bộ kinh Veda của Bà la môn giáo đã được lưu hành và sử dụng một cách rộng rãi, nhưng chỉ có ba tầng lớp đầu mới được quyền xem và nghiên cứu. Ở đây cần nói thêm một phần nữa về ngôn ngữ, vì trong thời đại này ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng là ngôn ngữ Sanskirt, không thông dụng cho lắm, đòi hỏi một ngôn ngữ mới mang đậm bản sắc dân tộc và tôn giáo. Nhưng dần dần tư tưởng, văn hóa con người ngày càng phát triển, họ đòi hỏi cao về tôn giáo ở tính thực tế chứ không phải chỉ chú trọng về lễ nghi cúng bái thần thánh một cách mơ hồ. Và cũng trong thời gian này, nền nông nghiệp lúa nước cũng được phát triển một cách mạnh mẽ, hệ thống tiền tệ được đưa vào sử dụng một cách rộng rãi, con người giao lưu qua lại một cách dễ dàng hơn.

1.2.1.2. Cơ cấu chính trị

Chế độ trung ương tập quyền, nghĩa là các quốc gia nhỏ bị quản lý và bị chi phối nền kinh tế bởi các quốc gia lớn như Ma-kiệt-đà, Kiều-tát-la… theo thứ tự bốn giai cấp của Bà la môn giáo thì đứng đầu là giai cấp Bà la môn rồi đến Sát đế lị, Phệ xã rồi đến Thủ đà la. Nhưng theo thứ tự trong Phật giáo (sử liệu Pali) thì giai cấp Sát để lợi lại đứng trên giai cấp Bà la môn, điều này không những chỉ vì đức Phật xuất thân từ giai cấp Sát để lợi mà còn cho thấy ngôi vị trước sau cũng tùy thuộc vào thế lực thực tế lúc đó nữa. Ban đầu giới quý tộc nắm lấy quyền lực trong xã hội của Bà la môn, luôn chứng minh cho rằng sự vô lý, mê hoặc lòng dân của các giáo sĩ Bà la môn, dẫn đến sự xung đột gay gắt của hai giai cấp đứng đầu xã hội thời bấy giờ đó là sự tranh giành quyền lực của giai cấp Sát để lợi và giai cấp Bà la môn. Bên cạnh đó, các tông phái như duy vật, hoài nghi, hưởng lạc, khổ hạnh ép xác… lại nổ lực phát huy tôn giáo của mình, đưa đến một xã hội rối ren với da tôn giáo, dẫn đến tân phong trào tự do tư tưởng ra đời. Như trong kinh Phạm Võng có nói, trước khi đức Phật ra đời, ở Ấn Độ đã tồn tại tới 62 trường phái tư tưởng khác nhau.

Bà La Môn giáo

1.2.1.3. Triết học

“Sự khủng hoảng xã hội mang tính toàn diện như thế biểu lộ sự khát khao về một hệ tư tưởng sống mới nhằm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột của xã hội mà hệ tư tưởng Bà la môn không còn kham nhẫn được trong vai trò lãnh đạo. Một số học giả cho rằng trên bình diện triết lý xã hội đây là một cuộc xung đột và tranh giành địa vị của hai giai cấp thượng tầng xã hội là Khattiya và Bràhmana. Một số khác lại có ý kiến cho rằng nó là sự bùng nổ của triết lý tự ngã (Atman) thay cho tư tưởng đại ngã (Bràhma), nhưng trong thực tế đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử triết học Ấn Độ. Nó đánh dấu một thời vàng son mới của một hệ thống triết học mang tính nhân đạo và nhân văn, khuynh hướng nhân bản tự đề cao trách nhiệm bản thân thay cho thuyết định mệnh, đề cao vai trò đạo sư thay cho thần thánh, nhấn mạnh tu tập thực nghiệm thay cho chủ nghĩa nghi lễ hình thức.

Sự ra đời của hệ tư tưởng Sa môn, chống đối lại hệ tư tưởng Bà la môn đã tồn tại trước đó, gọi là “hệ tư tưởng phi Bà la môn”, bao gồm hệ tư tưởng Phật giáo và 4 trường phái triết học mới được hình thành. Năm dòng triết học mới này gộp chung lại thành hệ tư tưởng Sa môn. Phương pháp tu tập của 5 trưởng phải này là tập trung thiền định để chứng đắc giải thoát qua việc quán tưởng và làm an tịnh tâm hồn. Nỗ lực giải thoát bằng khổ hạnh ép xác để nhằm chặt dứt mọi cấu uế, lậu hoặc đang chế ngự và kiểm soát tâm. Cứu cánh giải thoát, chân lý không phụ thuộc vào sự hy sinh mà mà nhờ vào tự lực. Quân điểm chống đối việc giết hại sinh vật để cúng tế”.[1]

Ngoài ra, trào lưu tư tưởng này còn chống đối hệ thống giai cấp đã được mặc định từ trước từ tư tưởng của các bộ kinh Veda. Đức Phật đã từng khẳng định “Không phải do sinh mà người ta trở thành Bà la môn, cũng không phải do sinh mà người ta trở thành kẻ hạ tiện, chỉ do hành động mà người ta trở thành Bà la môn hay hạ tiện…”. Chống đối kinh Veda về việc cúng tế quỷ thần, chống đối trường phái khổ hạnh… cho nên bài pháp đầu tiên mà đức Phật sau khi thành đạo đã giảng dạy cho năm anh em Kiều Trần Như đó là từ bỏ hai cực đoan khổ hạnh và ép xác. Và quan niệm giải thoát khỏi vòng xoáy của nghiệp và chấm dứt tái sinh trong thế giới khổ đau. Tóm lại, lúc giao thời nền văn minh cũ đang biến đổi, tôn giáo truyền thống Bà la môn có tính cách chủ nghĩa quan liêu, hời hợt. Không còn đáp ứng đủ nhu cầu tự giác của quần chúng, do đó vào thời đại này có nhiều giáo đoàn phát khởi. Trong phong trào ấy thường có những xu thế cực đoan nguy hiểm của các nhà tư tưởng mới, nhưng xét cho cùng thì chẳng qua cũng chỉ là kết quả của lòng mong muốn cố gắng vượt hẳn lên trên các tư tưởng, tôn giáo truyền thống dương thời mà thôi. Chính vì thế mà đạo Phật đã ra đời, kịp đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu của thời đại, như nhà xã hội học nổi tiếng thế giới Max Webber đã nói: “Phật giáo là sản phẩm của nền văn hóa đô thị”.

1.3. Những nguyên nhân chính đưa đến sự ra đời của Phật giáo Đại Chúng Bộ

1.3.1. Sơ lược Phật giáo bộ phái hay còn gọi là Phật giáo Nguyên Thủy

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Phật giáo Đại thừa, chúng ta không thể bỏ qua giai đoạn Phật giáo Bộ phái hay còn gọi là Phật giáo Tiểu Thừa, là giai đoạn trung gian để hình thành nên Đại thừa Phật giáo. Bởi vì theo các nhà nghiên cứu về lịch sử thì sau khi đức Phật nhập Niết bàn khoảng 100 năm, nội bộ Phật giáo đã có những bất đồng về giới luật cũng như những tranh cãi về giáo pháp. Tiêu biểu nhất đó là sau lần kết tập kinh điển lần thứ hai, do bất đồng quan điểm nên một nhóm người khoảng 500 vị đã rời khỏi cuộc kết tập lần này và thành lập Đại Chúng bộ (làm nền tảng cho Phật giáo phát triển sau này), số còn lại là Thượng Tọa bộ, cũng từ đây các bộ phái khác cũng lần lượt nối tiếp nhau ra đời.

“Nếu đứng về phương diện hình thức mà nhận xét sự tiến triển của Phật giáo thì ta thấy đến thời đại Bộ phái Phật giáo, về mặt tổ chức đã khá hoàn bị, những kinh điển căn bản và sự giải thích về giáo nghĩa đã được xác định, rồi đến những quy định của giáo đoàn cũng mỗi ngày mỗi trở nên tinh vi, nhiều bộ luận ra đời nhằm để hoàn bị cho giáo nghĩa riêng của từng bộ phái của mình”[2]. Nhưng Bộ phái Phật giáo chỉ chủ trương giải thoát cho bản thân, lại quá tôn sùng đức Phật, cho đức Phật là một bậc xuất thế, cao siêu, người thưởng không thể sánh bằng cho nên người tu theo Phật chỉ được xem là đệ từ Phật mà thôi. Bộ phái Phật giáo còn được xem là Tiểu thừa Phật giáo vì quá chú trọng về vấn đề chuyên môn hóa, nên đã biến thành chủ nghĩa xuất gia, còn đối với quần chúng tại gia, Bộ phái Phật giáo đã không thể tiếp xúc trực tiếp để duy trì và hướng đạo cho họ. Cũng vì thế mà đối với những xu hướng tiến bộ và tinh thần hoạt động không ngừng của thời đại, Bộ phái Phật giáo đã không có được sự thích ứng thỏa đáng, từ đó đòi hỏi một khuynh hướng tư tưởng mới của Phật giáo ra đời, gọi là Đại thừa Phật giáo.

1.3.2. Sự chuyển biến trong giáo lý Phật giáo (nguyên nhân ngoại tại)

Trong lúc này, khái niệm về quả vị Phật được khai triển và phân tích chi li vì sự ảnh hưởng học thuyết siêu hình của Hindu và Kỳ Na giáo, hệ quả đức Phật trở thành bậc siêu nhân và siêu thế. Phát triển rộng hơn, Phật giáo Đại thừa mở ra chuyện tiền thân của ngài dưới hình ảnh là một vị Bồ tát với hạnh nguyên từ bi, nhẫn nại, trí tuệ để cửu giúp chúng sinh. Do vậy, Đại thừa, đặc biệt là giáo lý Bồ tát có thể xem là hệ quả của tín ngưỡng Bhakti.

Tiếp theo, đó là sau sự suy thoái và sụp đổ của triều đại Mauyan (340-298 TCN) – triều đại ủng hộ Phật giáo cho đến cuối thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, sau đó đến triều đại Sunga thuộc họ Hindu bắt đầu trị vì Ấn Độ. Triều đại này ra sức khủng bố, chống đối Phật giáo (Anti Buddhist) và ủng hộ cho sự phục hưng của đạo Hindu vốn mang tính đa thần do chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Bhati. Bên cạnh tín ngưỡng Bhati Ấn giáo còn chịu nhiều ảnh hưởng từ nhiều truyền thống khác nhau như truyền thống thờ thần mặt trời của Ba Tư (thế kỷ III, BC), sự bùng phát của tín ngưỡng Rồng (Ragar belief) ở Kasmir. Trong lúc đó, Phật giáo bộ phái lại tự cô lập hóa chính mình bằng những tranh luận giáo nghĩa mang nặng tính chuyên môn chỉ dành cho tầng lớp tu sĩ, trong khi đó cư sĩ, phật tử hoàn toàn bị bỏ quên.

Khi con người bị quên lãng thì họ tự đi tìm đến một niềm tin khác, đạo Phật hoàn toàn bị mất địa bàn hoạt động tại Ấn Độ từ thời kì đó và tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay. Để cứu vãn tình thế, các nhà lãnh đạo Phật giáo trong thời kì đó đã tìm cách thích nghi với trào lưu của xã hội, bằng việc tạo ra nhiều danh hiệu Phật giống thần của tín ngưỡng thờ thần Mặt trời (Sunworship) như Amitabha, Vairocara (Đại Nhật); Dipakara (Nhiên Đăng, tạo ra các vị Bồ tát giống như các vị thần trong đạo Hindu. Được phát triển một cách khéo léo, uyển chuyển với các pháp môn tu tập, cấp độ tu chứng khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, hình tượng Bồ Tát (được ghi lại trong kinh diễn Pali) được phổ biến và phát triển trong quần chúng nhân dân một cách tích cực, lúc này mọi người biết đến Bồ Tát như một vị Phật bà, gần gũi, thân thiện với con người. Với lý tưởng Bồ Tát đạo là lấy pháp thế gian làm phương tiện, là nơi chốn để hành đạo, lấy việc cứu độ chúng sinh làm cơ sở cho việc tu chứng, hoàn thiện cả hai phương diện đạo và đời.

1.3.3. Sự chuyển biến trong nội bộ Phật giáo (nguyên nhân nội tại)

Bộ phái Phật giáo (Phật giáo Nguyên Thủy) lúc này chỉ chú trọng vào sự giải thoát của cá nhân, chủ trương vào sự tu tập nơi thâm sâu, tĩnh mịch lý tưởng A La Hán chỉ còn xuất hiện trong đội ngũ tăng già. Chính cũng vì thiếu sự hoạt động cứu thế ấy mà Bộ phái Phật giáo đã trở thành chủ nghĩa xuất gia, chủ nghĩa tịch tĩnh và tiêu cực và dần dần đưa Phật giáo vào con đường cùng, vì đã đánh mất đi lý tưởng tự giác và giác tha, một trong hai những điều then chốt của lập trường cứu thế trong Phật giáo.

Trong lúc này, những tư tưởng của các nam, nữ cư sĩ tại gia theo trường phái tự do cũng có một sức ép mạnh đối với Phật giáo, theo như trong những kinh điển của Đại thừa thì có cư sĩ Duy-ma-cật, Thắng-man-phu-nhân, Hiền Hộ… Thông thường, những vị Tỷ kheo bị truyền thống trói buộc, còn cư sĩ tại gia, tuy cũng theo truyền thống nhưng trực tiếp thích ứng với hoàn cảnh. Tuy lấy Phật làm lý tưởng, nhưng chúng ta vẫn có thể tu hành trở nên viên mãn như Phật, vì lý tưởng của Đại thừa, chỉ cần ai đã phát Bồ Đề tâm, thực hành Bồ Đề nguyện thì cũng đều có thể trở thành Phật.

Điểm thứ hai cần nhắc đến ở đây đó là trong lúc này, hệ thống văn học Jataka (nói về tiền thân của đức Phật, mọi hiện hình của Bồ Tát chẳng qua cũng chỉ liên quan đến những tiền thân của đức Phật Thích Ca mà thôi), cũng đang phát triển một cách tích cực. Như trong bản kinh Jataka có nói rõ, không nhất định phải xuất gia làm Sa môn. Trái lại, những người tại gia mặc dù còn gánh vác nhiều chức vụ, chỉ cần phát tâm niệm trên cầu đạo giác ngộ, dưới hóa độ chúng sinh, đều có thể trở thành Bồ Tát. Bộ phái Phật giáo chủ trương thờ Xá lợi, nhưng Đại thừa Phật giáo lại lấy pháp làm trung tâm.

Với phương châm “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, Phật pháp cần phải đa dạng về chuyên môn hóa. Muốn phát triển một cách bền vững lâu dài, rộng rãi thì cần phải thích ứng và Phật pháp cần phải chuyển biến một cách phù hợp với văn hóa địa phương cũng như bản sắc dân tộc ở từng quốc gia, từng vùng mà Phật giáo muốn phát triển. Để tồn tại lâu dài, bắt buộc Phật giáo phải có những chuyển biến một cách tích cực, hòa nhập với cộng đồng như nước hòa với sữa, tạo ra một môi trường văn hóa tâm linh đặc sắc, thích hợp với thời đại, chính vì thế mà Phật giáo mang tên Đại thừa đã ra đời.

KẾT LUẬN

Trước đây chúng ta cho rằng giáo lý Tiểu thừa là giáo lý không chứng quả Phật, chỉ có giáo lý Đại thừa mới là Phật pháp thực sự. Mặt khác, các nhà sư Nguyên Thủy cho rằng giáo lý Nguyên Thủy là của Phật và giáo lý Đại Thừa là ngoại đạo… sự bất đồng này đã đóng băng mối quan hệ giữa hai truyền thống này trong hàng nghìn năm. Ngày nay, với sự tiến bộ của phương tiện, mọi khía cạnh của xã hội đã thay đổi, và quan điểm Tiểu thừa và Đại thừa không còn phù hợp nữa.

Sau khi nghiên cứu, không có Đại thừa hay Tiểu thừa từ thời Nguyên Thủy đến thời kỳ bộ phái (400 năm sau đức Phật). Các thuật ngữ Đại thừa và Nguyên Thủy xuất hiện cùng lúc với kinh điển Đại thừa vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên hoặc sau Công nguyên.

Thuật ngữ Theravada không nên được hiểu là Nguyên Thủy mà chỉ áp dụng cho giai đoạn hệ phái, lúc bấy giờ, các cuộc tranh luận giữa các tông phái về phương pháp tu tập chủ yếu tập trung vào lý thuyết và hình thức.

Giáo lý được phân làm hai truyền thống: Truyền thống Nguyên Thủy và truyền thống Phát triển. Về mặt địa lý: truyền thừa thì gọi là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Sử dụng từ ngữ Nguyên Thủy và Phát triển nói lên tính xuyên suốt của cây đại thọ, giáo lý đạo Phật, mà phần gốc, rễ là Nguyên Thủy; phần thân ngọn cảnh lá là Phát triển. Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn. Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên Thủy và Phát triển – cả hai bổ sung cho nhau. Vậy khi chúng ta nhìn vào một cái cây với đầy đủ rễ cành lá ngọn sum suê thì chắc hẳn cái cây đó phát triển rất tốt, tương tự như vậy sự phân chia bộ phái đó cũng làm cho Phật giáo phát triển cho đến ngày nay.

Những tư tưởng Phật giáo Phát triển đều phải mang tính kế thừa giáo lý Nguyên Thủy, nếu không thì giáo lý Phát triển sẽ mất đi giá trị của nó. Mặc dù truyền thống Nguyên Thủy và Phát triển có những khác biệt, tuy nhiên, những khác biệt ấy lại có cùng chung một nét. Cả hai đều nhìn nhận đức Phật Thích ca Mâu ni là bậc đạo sư. Cả hai đều chấp nhận và hành trì giáo lý tứ thánh đế, bát chính đạo, duyên khởi… đều chấp nhận 3 pháp ấn: khổ, không, vô ngã; đều chấp nhận con đường tu tập: giới, định, tuệ. Cả hai đều từ chối về một đấng tối cao sáng tạo và ngự trị thế giới.

Đạo Phật ra đời như vầng thái dương tỏ rạng, xóa tan màn đêm vô minh tăm tối, giải thoát con người khỏi ách nô lệ lâu đời vốn đã đè nặng lên những thành kiến của của quần chúng nhân dân thời bấy giờ. Khẳng định lại sự bình đẳng của mỗi con người trong xã hội, mang tính tích cực, nhân văn sâu sắc. Với câu châm ngôn bất di bất dịch: “Không có giai cấp trong giọt nước mắt cùng mặn và giọt máu cùng đỏ” Sự giải thoát ra khỏi hệ lụy của một hệ tư tưởng thần thánh thời ấy đã mang đến nhiều hạnh phúc cho nhân loại, bất kể đó là nam hay nữ, sang hay hèn và bất kể người đó thuộc sắc tộc gì hoặc địa vị nào trong xã hội. Phật giáo đưa mọi người đến gần với ánh sáng của chân lý và sự giải thoát rốt ráo, vạch ra một con đường an vui cho tha nhân cũng như tự thân với những ai biết và thực hành theo lời Phật dạy. Chính vì lẽ ấy, sự ra đời của đức Phật đã đáp ứng được ước mơ của con người trong xã hội thời đại ấy, cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, Ngài đã mang đến cho loài người chúng ta một thông điệp về sự bình an trong cuộc sống là trong ta và trong mỗi người đều có một Phật tính hiện hữu, đều có sức mạnh chuyển hóa.

Chuyển hóa từ chính trong sự nhận thức tầm thường của dục vọng, từ sự ham muốn thúc đầy của dục ái, và từ sự ham muốn dứt khoát xả bỏ tư duy giữa cái ta và cái của ta, thì lúc ấy con người đã đến rất gần với ánh sáng của chân lý và đi đến bến bờ hạnh phúc, vì Phật luôn ở gần chúng sinh.

Thích Minh Nghiêm
Học viên Cao học khóa II – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chandradhar Sarma, Nguyễn Kim Dân (dịch) (2015), Ph. D Triết học Ấn Độ, Nxb Tổng Hợp.
2. Nguyễn Kim Dân (2005), Triết học Ấn Độ, Nxb Tổng Hơp.
3. Đại sư Ấn Thuận, Thích Quảng Đại (biên dịch) (2022), Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ tập 1,2, Nxb Lao Động, Hà Nội
4. Kimura Taiken, HT Thích Quảng Độ (dịch) (2012), Nguyên Thủy Phật giáo tư tưởng Luận, Nxb Tôn giáo.
5. Kimura Taiken, HT Thích Quảng Độ (dịch) (1969), Đại Thừa Phật giáo tư tưởng Luận, Nxb Tôn giáo.
6. Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (2022), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Lao Động, Hà Nội.
7. Thích Mãn Giác (2007), Lịch sử triết học Ấn Độ, Nxb Văn Hóa Sài Gòn.
8. Nguyễn Đăng Thục (2020), Lịch sử triết học phương Đông, phần 3, Nxb Hồng Đức.
9. Thích Viên Trí (2006), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông.

[1] Thích Viên Trí (2006), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông. Tr. 37-46.
[2] Kimura Taiken, HT Thích Quảng Độ (dịch) (1969), Đại Thừa Phật giáo tư tưởng Luận, Nxb Tôn giáo. Tr.55.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khoi-nguyen-cua-nguyen-nhan-hinh-thanh-dai-chung-bo-va-thuong-toa-bo.html