Khơi nguồn sáng tạo cho kiến trúc Việt

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Triển lãm Top 10 Awards Pavilion 2022 với chủ đề 'Tỉnh thức', diễn ra tại vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm), chỉ đơn thuần trưng bày hình ảnh và mô hình của các đồ án kiến trúc đạt giải như bao triển lãm khác, nhưng khi đài phun nước vốn đã 'ngự' ở vị trí trung tâm vườn hoa này suốt 122 năm qua bỗng nhiên 'biến mất' khiến nhiều người dân Thủ đô giật mình. Ban đầu, họ có cảm giác mất mát, thất vọng, muốn đi tìm di sản đã gắn bó với mình, để rồi vỡ òa khi biết công trình đó chẳng 'chạy' đi đâu cả, mà chỉ tạm thời 'trốn' sau khối kiến trúc pavilion bằng gương bao kín công trình trong 2 tuần (từ 20-5 đến 4-6-2023).

Kiến trúc pavilion được trưng bày tại vườn hoa Diên Hồng.

Cuộc “đi trốn” bất ngờ

Vườn hoa Diên Hồng (hay vườn hoa Con Cóc) được người Pháp xây dựng và khánh thành năm 1901, còn có tên là vườn hoa Chavassieux (tên của vị Phó Toàn quyền Đông Dương Léon Jean Laurent Chavassieux). Trải qua hơn 1 thế kỷ, vườn hoa Diên Hồng là một trong những vườn hoa đẹp nhất với đài phun nước có tượng 8 con rồng bằng đá cổ nhất Hà Nội. Công trình này gắn liền với không gian di sản được bao quanh bởi các tuyến phố Pháp gồm Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Lê Phụng Hiểu... cùng các di tích nổi tiếng của Hà Nội như Nhà khách Chính phủ (hay Bắc Bộ phủ), Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung tâm văn hóa và thương hiệu Italia. Vì thế, từ lâu vườn hoa Diên Hồng cũng được coi là một di sản kiến trúc quý của Hà Nội.

Với chức năng của một vườn hoa, một không gian công cộng, vườn hoa Con Cóc - cách gọi quen thuộc của người Hà Nội, từ lâu luôn là nơi người Hà Nội đến tập thể dục, chơi cầu lông, đạp xe, khiêu vũ hay hò hẹn, gặp gỡ. Đài phun nước có 8 con rồng đá uốn lượn mềm mại đã gắn bó với tuổi thơ của bao lớp người Hà Nội, nơi bọn trẻ thường tìm cách “chinh phục” những chú rồng bằng cách trèo lên lưng cưỡi như trong truyện cổ tích, hay thi đi vòng trên thềm đá bao quanh. Với những người lao động, đây là nơi lý tưởng để họ dừng chân nghỉ sau hàng giờ quẩy quang gánh bán hàng khắp các phố phường... Vì thế, vườn hoa Con Cóc là chốn dừng chân quen thuộc, gắn bó của những con người sống và mưu sinh trên mảnh đất này.

Vậy mà một ngày, đài phun nước ấy “biến mất” hoàn toàn. Vườn hoa ấy dường như nhiều cây xanh hơn, rộng rãi và có chiều sâu hơn. Ấy là bởi tất cả đều được phản chiếu qua một kiến trúc pavilion đã bao trùm đài phun nước bằng một khối lập phương mặt gương, khiến cho mọi công trình, không gian xung quanh vườn hoa đều được tái hiện với hình ảnh quen mà lạ. Người ta thấy một Bắc Bộ phủ với những dấu tích lịch sử in trên nền trời xanh thẳm bỗng mang một vẻ đẹp tươi mới; một Metropole lộng lẫy, xa hoa ẩn hiện sau tán lá xanh nom dịu dàng, mềm mại hơn. Đôi quang gánh mọi ngày oằn trên vai chị bán hoa quả dường như nhẹ nhàng hơn theo nhịp gánh phản chiếu trong gương bởi chị vừa có thêm “bạn đồng hành”...

Để lại cảm nghĩ sau khi thăm công trình pavilion tại vườn hoa Con Cóc, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Phương Chi, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đánh giá: “Nếu bạn đến tham quan công trình, điều đầu tiên bạn gặp phải đó là không biết pavilion nằm ở chỗ nào, vì nó thực sự trong suốt và hòa tan vào bối cảnh xung quanh. Một thiết kế mới mẻ, thú vị ở Việt Nam”. Còn theo KTS Hưng Đào (Công ty AHL Architects): “Thủ pháp không hề mới nhưng đủ gây bất ngờ với rất nhiều người gắn bó với nơi này. Một cuộc chơi ngắn hạn nhưng đầy thông điệp và chất nghệ”.

Có lẽ với nhiều người, kiến trúc pavilion khá mới lạ, nhưng với giới kiến trúc thì không. Trong tiếng Anh, từ “pavilion” có nghĩa là nhà rạp, lều lớn, gian hàng... Còn trong ngôn ngữ kiến trúc - xây dựng, “pavilion” được hiểu là nhà hóng mát hay phần nhà nhô ra. Đây là kiểu công trình có quy mô vừa phải, thường được trưng bày tại các không gian công cộng nhằm truyền tải ý tưởng, quan niệm, phong cách và ngôn ngữ kiến trúc riêng của một KTS về những xu hướng, vấn đề trong xã hội.

Với ý nghĩa này, công trình pavilion tại vườn hoa Con Cóc do đôi vợ chồng KTS Nguyễn Đình Hùng và Nguyễn Hoàng Kim (Công ty TNHH Kiến trúc NOWA) thiết kế đã đảm nhận chức năng che chở, giúp đài phun nước “biến hình”. Qua đó truyền tải thông điệp “Tỉnh thức”, dùng cái vỏ vật chất hiện đại là khối kính lập phương dựng trên khung giàn thép ringlock kiên cố để giấu vào lòng nó khối di sản có lịch sử hàng trăm năm nhằm “đánh thức” xúc cảm và suy nghĩ của người dân Thủ đô.

Từ công trình này, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày chúng ta quên hết những gì mình đang có, nơi ta thuộc về? Nếu một ngày những di sản quen thuộc trong đời sống không còn, thì một đô thị mang trong mình hơn 1.000 năm lịch sử như Hà Nội còn lại gì để thế hệ mai sau gìn giữ, kế tục? Đấy là những câu hỏi gợi mở nhưng chạm tới thực tế trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có lịch sử của mình. Vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ di sản của cha ông luôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của các thế hệ người Việt.

Đài phun nước được giấu kín bên trong kiến trúc pavilion.

Ảnh: Hưng Đào

Văn hóa bản địa khơi nguồn sáng tạo

Khối kiến trúc pavilion của hai KTS Nguyễn Đình Hùng và Nguyễn Hoàng Kim là công trình thứ 21 được trưng bày tại Triển lãm Top 10 Awards Pavilion 2022, trong đó bao gồm 10 công trình nhà ở đạt giải Top 10 Houses, 10 công trình thiết kế nội thất đạt giải Top 10 Interior Design, thuộc Giải thưởng Top 10 Awards 2022. Đây là năm thứ 5 giải thưởng này được Công ty Kiến Việt tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhằm tìm kiếm những KTS tài năng, có phong cách với những công trình mang tính định hướng, phản ánh xu hướng kiến trúc mới của thế giới.

Giải thưởng này đặc biệt chú trọng đến các yếu tố cần thiết đối với một công trình kiến trúc của Việt Nam, đó là: Đẹp, công năng sử dụng, phù hợp với môi trường khí hậu, tiên phong áp dụng công nghệ vật liệu mới, mang tính truyền thống bản địa, dẫn dắt xu thế, giải quyết vấn đề nhà ở tại Việt Nam và an toàn cho người sử dụng.

Nếu xem kỹ các công trình được trưng bày và tham gia Giải thưởng Top 10 Awards 2022 sẽ nhận thấy, hầu hết các tác phẩm đều đáp ứng được các tiêu chí của cuộc thi, trong đó nổi bật là xu hướng thiết kế mang tính sáng tạo khi kết nối không gian sinh hoạt của con người với thiên nhiên, là sự kết hợp hài hòa giữa không gian thành thị và nông thôn, giữa các vật liệu xây dựng hiện đại với truyền thống như rơm, rạ, tre, nứa; giữa yếu tố phương Đông và phương Tây... tạo nên sự đối lập trong một chỉnh thể hoàn hảo, góp phần định hình phong cách thiết kế hướng tới yếu tố bản địa để tạo nên bản sắc cho đội ngũ KTS Việt.

Chia sẻ về chất lượng giải năm nay, KTS Vương Đạo Hoàng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Kiến Việt Group cho biết: Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được 231 tác phẩm dự thi - con số kỷ lục so với các năm trước. Bên cạnh những tác phẩm đạt giải được giới thiệu tại triển lãm, các công trình nhà ở và nội thất còn lại đều đẹp, hiện đại và sáng tạo; là sự kết hợp hài hòa giữa tính đương đại và giá trị văn hóa bản địa của Việt Nam thông qua việc lựa chọn ngôn ngữ kiến trúc, vật liệu xây dựng truyền thống mà vẫn nhấn mạnh tới vai trò trung tâm của con người.

Sự tương đồng về ngôn ngữ kiến trúc giữa các công trình này cũng tạo nên xu hướng và khẳng định vị thế của ngành Kiến trúc Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này được chính các KTS - giám khảo người nước ngoài có tên tuổi như Maurichi Alves, Niwa Takashi, Olivier Souquet... tham gia chấm giải qua các năm nhận định. Từ đó có thể nhận thấy một thực tế là yếu tố văn hóa bản địa đã mang lại nhiều lợi thế, đồng thời khơi nguồn sáng tạo vô tận cho các KTS Việt Nam khi bước ra thế giới.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-nguon-sang-tao-cho-kien-truc-viet-444522.html