Khơi nguồn đam mê trong mỗi giờ học

Tình yêu văn chương trong tôi bắt nguồn từ tình yêu quê hương bên bờ sông Vàm Cỏ và lớn dần theo năm tháng, như sự biết ơn mà tôi dành cho người cô yêu quý của mình

Hai mươi lăm năm trước, quê hương Tân Trụ, Long An của tôi còn nghèo. Con đường đến ngôi trường cấp hai của tôi vẫn còn là con đường đất, bùn lầy trơn nhẵn vào những ngày mưa, chiếc xe đạp cọc cạch đến trường bảy cây số cũng cảm thấy vô cùng khó khăn vì sình lầy bám đầy vào hai bánh xe, không chạy được có quãng phải dắt bộ.

"Trị" học trò dốt văn

Có bữa đến trường, tôi phải mang tà áo dài trắng nhem nhuốc vào lớp. Tuy nhiên, đó là những năm tháng mà tôi không thể nào quên, khi hằng ngày, mình cùng những người bạn đồng trang lứa được đi lượm từng con chữ, bên những giọt mồ hôi của thầy cô luôn vì những đứa học trò vùng sâu vùng xa như tụi tôi. Trên con đường khá gian nan ấy, tôi được gặp một người đã gieo cho tôi tình yêu đối với văn chương, đặc biệt là định hướng cho tôi trở thành giáo viên văn như hiện tại.

Tác giả (thứ hai từ trái qua) cùng học trò trong các hoạt động tại Trường THCS Tôn Thất Tùng, quận Tân Phú, TP HCM. (Ảnh tác giả cung cấp)

Ngày xưa, tôi là một đứa con gái với năng lực học tập không giỏi, đặc biệt là môn văn thì khỏi phải nói, tôi chẳng có một chút cảm hứng khi tiếp cận với môn học khá trừu tượng này. Những lời giảng ngọt ngào, những dòng chữ như rồng bay phượng múa trên bảng đen của cô không làm cho tôi cuốn hút. Tôi chỉ biết cắm cúi ghi những nội dung trên bảng xuống vở rồi thôi. Vì vậy, điểm kiểm tra môn văn của tôi lúc nào cũng chỉ lẹt đẹt 4, 5 điểm.

Nhưng điều ấy đã được thay đổi khi lên lớp 10 ở Trường THPT Tân Trụ - Long An, tôi được học cô dạy môn ngữ văn của tôi - Đặng Thanh Loan - một giáo viên kỳ cựu của trường, đồng thời là chủ nhiệm lớp tôi năm ấy. Có lẽ, đầu năm học, cô cũng mệt mỏi với tôi lắm, cô dùng đủ các phương pháp để "trị" những đứa dốt văn như tôi nhưng chưa cải thiện được gì mấy. Một sáng nọ, sau khi mệt mỏi học hai tiết văn, tôi ngồi trong lớp chứ không ra sân chơi như mọi ngày. Cô Loan cầm xuống cho tôi một số cuốn tạp chí cũ, đó là những cuốn tạp chí "Văn nghệ quân đội" mà tôi chưa bao giờ thấy. Cô bảo:"Em đọc đi, mỗi ngày mỗi quyển, chừng nào đọc xong hãy gửi lại cô". Lúc đầu tôi cũng chưa hiểu vì sao cô lại muốn tôi đọc nó. Có thể nói, ngày đó, có trong tay chồng tạp chí ấy như có được thứ giải trí quý giá. Bởi lẽ, trường vùng sâu vùng xa ngày xưa làm gì có thư viện, ngoài bộ sách giáo khoa cũ chuyền tay từ năm này đến năm khác, anh chị học rồi để lại cho lớp sau, đến khi trang sách nhàu nát thì chúng tôi không có gì để tham khảo.

Vì vậy, càng đọc tôi càng thấm thía nhiều điều: rằng qua từng trang từng trang trong những cuốn tạp chí, tôi thấy những số phận bi thương sau chiến tranh hiện ra, những tấm lòng thiện lương trong cuộc sống, hay những người lính Cụ Hồ kiên gan quyết bám vị trí chiến đấu dù có phải hy sinh…

Ngoài ra, trong tiết học, bằng giọng truyền cảm, cả lớp đắm chìm trong các câu chuyện kể như "Người đàn ông có bộ mặt cười", "Đức cha Serghi" mà sau này tôi mới biết đó là những tác phẩm kinh điển của nhân loại. Có lần cô bảo: "Người yêu văn chương trước hết phải có tâm hồn văn chương, phải gắn văn chương với cuộc đời, phải đồng cảm với những nỗi oan khiên và biết xót xa trước những phận người khổ đau bất hạnh trong cuộc sống này…".

Khơi nguồn văn học

Có lẽ từ đây, cô đã gợi lên trong tôi niềm đam mê văn chương và hiểu rằng chỉ có học mới viết tiếp ước mơ, mới thay đổi được cuộc sống đói nghèo ở vùng đất quanh năm nhiễm phèn nhiễm mặn này. Tôi học hành ngày một tiến bộ, đặc biệt là môn văn. Điểm tám môn văn đầu tiên làm cho tôi hạnh phúc vô biên. Cô nhận xét: "Em có khiếu học văn đấy. Chỉ là em chưa biết cách khơi nguồn của bản thân thôi. Biết đâu, sau này em sẽ là một giáo viên dạy văn như cô nhỉ". Niềm hứng khởi văn chương trong tôi trỗi dậy, câu nói vừa thật vừa như đùa của cô giúp tôi tự tin hẳn và xem đó là động lực để cố gắng mỗi ngày. Tôi mong được trở thành giáo viên văn như cô, đem tình yêu và lửa nghề truyền đến bao thế hệ.

Rồi từng ngày, một đứa con gái xem môn văn là nỗi sợ hãi ngày nào bắt đầu bập bõm sáng tác thơ văn, dù chỉ những bài thơ về người lính, về quê hương... Và tôi tập tành hát những bài hát về quê hương mình, về dòng sông thân thuộc như "Vàm Cỏ Đông" của nhạc sĩ Trương Quang Lục, hay "Dòng sông và tiếng hát" của Nguyễn Nam… rồi càng cảm nhận sâu sắc sao quê mình đẹp đến thế.

Đến giờ, tôi vẫn không quên người đã mở ra cho mình một con đường tuy không rạng rỡ như các nghề khác nhưng vô cùng thanh cao mà tôi lấy làm hãnh diện đó là nghề dạy học. Qua những bài dạy, cô đã dần hình thành trong tôi tình yêu văn chương và khi đã trở thành một giáo viên dạy văn tôi biết rằng trên hành trang vào đời của mình luôn có bóng dáng của cô. Đó là những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, nhận được lời động viên của cô, gợi cho tôi sự ham học, thích văn chương. Rồi từ đó yêu nghề giáo và dấn thân với nghề giáo!

Giờ đây, trên bục giảng, tôi vẫn truyền thụ những kiến thức và tình yêu văn chương cho học trò của mình mỗi ngày. Lửa nghề cô hun đúc và trao truyền tôi luôn gìn giữ và truyền dạy cho bao thế hệ học trò của mình…

"Cô đã gợi lên trong tôi niềm đam mê văn chương và hiểu rằng chỉ có học mới viết tiếp ước mơ, mới thay đổi được cuộc sống khó khăn ở vùng đất quanh năm nhiễm phèn nhiễm mặn.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Lê Chinh (Tân Phú, TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoi-nguon-dam-me-trong-moi-gio-hoc-196240331194054823.htm