Khối ngoại chuẩn bị kích hoạt 'cuộc chơi' tỷ USD?

Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, một lượng lớn nguồn vốn của các nhà đầu tư ngoài nước lên đến hàng tỷ USD sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026.

Lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư ngoài nước lên đến hàng tỷ USD dự kiến sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam

Cụ thể, theo Cushman & Wakefield, Việt Nam đã và tiếp tục lọt vào “tầm ngắm” của một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài hiện chiếm hơn 90% hoạt động giao dịch M&A bất động sản, dẫn đầu là các nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc. Các nhà đầu tư này thường có lợi thế về vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa, và am hiểu pháp luật địa phương.

Khối ngoại tích cực M&A

Dữ liệu của Cushman & Wakefield cũng chỉ ra rằng các nhà đầu tư nội địa hiện đang nghiêng về cán cân của bên bán nhờ vào khả năng tốt trong việc tiếp cận các quỹ đất hiện hữu trên thị trường bất động sản.

Mặc dù các doanh nghiệp trong nước có lợi thế am hiểu thị trường, nhưng vẫn đang đối mặt với những thách thức chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được dòng vốn.

Nhưng quan trọng hơn hết, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, kể từ khi thị trường bất động sản Việt Nam hình thành, phân khúc nhà ở luôn là loại hình hấp dẫn cả nhà đầu tư nội và ngoại. Đó là nhờ vào dân số Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đông dân, đứng thứ 15 trên thế giới với 100 triệu người. Mô hình nhân chủng học ở Việt Nam với 70% dân số trong độ tuổi 15 - 64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh càng tăng tính hấp dẫn đối với thị trường nhà ở đối với FDI.

Hơn 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung ở phân khúc nhà ở cao cấp. Những tên tuổi đã rất quen thuộc trên thị trường như Keppel Land, CapitaLand với các dự án bất động sản cao cấp đầu tiên tại Việt Nam như The Estella hoặc The Vista được đưa ra chào bán trên thị trường.

Gần đây cũng có một số khoản đầu tư khá lớn được ghi nhận như Frasers Property Vietnam thông báo về việc hợp tác với Gelex Group - tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu trong nước, để cùng phát triển danh mục đầu tư các khu công nghiệp và mở rộng thị trường bất động sản công nghiệp trên khắp miền Bắc, tổng mức đầu tư dự kiến là 250 triệu USD.

Hay như thương vụ Foxconn thuê thêm đất tại Việt Nam, tổng giá trị khoảng 100 triệu USD tại khu công nghiệp Quang Châu và khu công nghiệp WHA 1… Ngoài các nhà đầu tư châu Á, sự quan tâm của các quốc gia châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng.

Các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các bất động sản văn phòng có vị trí tốt ở Việt Nam, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh, khi họ đặt mục tiêu kỳ vọng vào tiềm năng gia tăng giá trị và sự giảm của tỷ suất vốn hóa.

Hàng tỷ USD chờ đổ vào bất động sản

Cũng theo đơn vị này, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam muốn tìm kiếm các bất động sản đầu tư có dòng thu nhập ổn định. Tuy nhiên, các cơ hội như vậy còn rất hạn chế bởi lẽ thị trường bất động sản của Việt Nam còn khá non trẻ và các vấn đề về cải thiện chỉ số minh bạch.

Về phía bên mua, trở ngại chủ yếu Cusman & Wakefield ghi nhận vẫn nằm ở việc tìm kiếm những cơ hội có chất lượng tốt. Thực tế, mặc dù có nhiều tài sản đang thoái vốn, nhưng danh mục dự án để khối ngoại có thể “xuống tiền” lại khá hạn chế. Nguyên nhân đến từ tính pháp lý, độ chênh về kỳ vọng giá cả từ cả hai phía, và quy trình bồi thường.

Về phía bên bán, khó khăn về quá trình xử lý pháp lý và phê duyệt dự án hiện tại đang kéo dài khiến nhiều chủ đầu tư gặp thách thức với các mục tiêu thời gian và đầu ra của sản phẩm.

Tuy còn nhiều thử thách, nhưng đây vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

Nhìn về phía trước, Cusman & Wakefield vẫn rất lạc quan về triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam trong tất cả các loại tài sản. Các chỉ số kinh tế hiện hữu và tương lai được các chuyên gia trong nước lẫn quốc tế đánh giá tích cực. Điều này được dự báo sẽ có những tác động tốt lên các thị trường tại Việt Nam.

Trong đó nhà ở, đặc biệt là nhà ở thuộc phân khúc bình dân và trung cấp vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ vào các yếu tố vĩ mô tích cực của Việt Nam. Mảng công nghiệp và hậu cần dự kiến sẽ tiếp tục dẫn đầu thu hút đầu tư trong các phân khúc do lĩnh vực sản xuất không ngừng phát triển và mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất quốc tế.

Các phân khúc văn phòng và bán lẻ cũng có triển vọng tốt, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập và sức mua tiêu dùng của người dân. Đồng thời, các quy trình pháp lý nhằm sở hữu các quỹ đất “sạch”, “đẹp” cũng là rất quan trọng đối với loại hình tài sản này.

Phân khúc nghỉ dưỡng đang trên đà hồi phục sau đại dịch. Việt Nam hiện sở hữu lợi thế đường bờ biển dài, thời tiết ôn hòa và thiên nhiên hoang sơ nên có nhiều tiềm năng nhằm thu hút đầu tư, M&A đối với thị trường này.

Theo Diệu Hoa/Diendandoanhnghiep.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khoi-ngoai-chuan-bi-kich-hoat-cuoc-choi-ty-usd.html