Khởi nghiệp với nghề đan, móc len

Có chung niềm đam mê với nghề móc len và muốn tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ ở địa phương, 2 chị Nguyễn Hồ Trà My (sinh năm 1993) và Bùi Thị Bích Thuận (sinh năm 1971), cùng ở thôn Triệu Hải (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm) đã mạnh dạn khởi nghiệp và thành công với các sản phẩm từ sợi len.

Duyên với nghề

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý, Trường Đại học Sài Gòn nhưng chị Nguyễn Hồ Trà My không theo nghề mà quyết định rẽ hướng sang làm các sản phẩm móc len. Chị My cho biết, khi còn nhỏ chị đã học được cách móc len từ mẹ. Trong quá trình học, với nghiệp vụ sư phạm, chị dạy móc len cho những người có nhu cầu. Sau đó, thấy sản phẩm thú bông móc len được ưa chuộng nên chị đã mày mò tự học và làm. Nhờ học viên, bạn bè giới thiệu, chị bắt đầu nhận đơn hàng. May mắn nhận được nhiều sự hỗ trợ nên chị có các đơn hàng lớn hơn và đăng ký kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh. Tháng 5-2018, chị quyết định chuyển về quê lập nghiệp và bắt đầu dạy móc len cho phụ nữ ở địa phương. “Tôi mượn một phòng nhỏ của ba mẹ để có nơi cho học viên làm, rồi tự xoay vốn bằng các đơn đặt hàng của khách. Cứ thế, tôi lấy tiền cọc mua sợi len rồi bán sản phẩm lấy tiền xoay vòng. Dần dà, tôi phát triển các sản phẩm nhiều hơn. Sau khi lấy chồng, được sự hỗ trợ của gia đình 2 bên, tôi đã xây dựng xưởng sản xuất để có nơi làm việc ổn định cho các chị em”, chị My chia sẻ.

Hộ kinh doanh My Len do chị My làm chủ tạo việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương.

Trong khi đó, chị Bùi Thị Bích Thuận đã gắn bó với nghề đan, móc len gần 30 năm nay. Lúc trẻ, khi làm văn thư ở một trường học, với bàn tay khéo léo của mình, chị làm thêm các sản phẩm từ len để bán. Đam mê với nghề nên chị luôn tìm tòi các mẫu mã mới để thực hiện. Năm 2003, chị vay vốn để khởi nghiệp với các sản phẩm thủ công từ len. Ngoài ra, chị còn lấy hàng dệt len từ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) về bán, kiếm thêm thu nhập. Đến năm 2018, chị quyết định đầu tư máy móc để làm thêm hàng dệt len. Chị Thuận cho biết: “Tôi phải lên Đà Lạt học nghề dệt; vợ chồng vừa học vừa làm, tự mày mò, tìm hiểu để làm ra sản phẩm và trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng cũng thành công”.

Công việc đan, móc len đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì nhưng với niềm đam mê với nghề, 2 chị đã từng bước phát triển được nhiều sản phẩm. Các sản phẩm như: Thú, hoa, mũ, áo… móc len của 2 chị đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023.

Chị Thuận với các sản phẩm từ len do hộ kinh doanh của mình sản xuất.

Tạo việc làm cho phụ nữ

Hộ kinh doanh My Len do chị My làm chủ, sản xuất chủ yếu là thú nhồi bông và hoa móc len. Mỗi tháng, xưởng của chị xuất bán khoảng 1.000 - 1.500 sản phẩm các loại; phân phối cho các sân bay, 7 chi nhánh ở Hà Nội và Khu nghỉ dưỡng Alma (huyện Cam Lâm); xuất khẩu sang một số nước như: Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Canada, Qatar… Chị sử dụng 100% sợi cotton thân thiện với môi trường nên được khách hàng ưa chuộng.

Theo chị My, có khoảng 30 chị em đang làm việc tại xưởng với các công đoạn móc, nhồi bông, ráp thành phẩm, thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, chị còn tạo việc làm cho vài trăm thợ làm công đoạn móc len tại nhà ở trong tỉnh và nhiều địa phương khác trong nước. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, chị còn được hội phụ nữ địa phương giúp đỡ. Mỗi khi có hội chợ, chị đều đem sản phẩm thủ công của mình đi giới thiệu, quảng bá. Bên cạnh gia công sản phẩm cho các đơn vị trong nước, 4 tháng qua, chị bắt đầu thực hiện thương hiệu “BABI HAUS” của riêng mình để dần mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Một số mẫu sản phẩm thú bông móc len do hộ kinh doanh My Len sản xuất.

Năm 2023, tuy cả 2 cơ sở đều gặp khó khăn trong kinh doanh do thị trường biến động nhưng các chị vẫn cố gắng duy trì, tạo thêm thu nhập cho phụ nữ địa phương. Chị Đường Thị Niên (trú thôn Hiền Lương, xã Cam An Bắc) - lao động tại hộ kinh doanh My Len chia sẻ: “Trước đây, ngoài làm nội trợ, tôi còn chăn nuôi thêm nhưng thu nhập không nhiều. Từ năm 2018 đến nay, làm việc tại cơ sở My Len, tôi có công việc ổn định với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng nên đời sống gia đình được cải thiện”.

Bà NGUYỄN THỊ THU THẢO - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam An Bắc: Hai hộ kinh doanh của chị My và chị Thuận hoạt động tốt nên tạo được nhiều việc làm cho phụ nữ. Đa số người dân ở địa phương làm nông theo mùa vụ nên có nhiều thời gian nông nhàn. Với sự phát triển của các hộ kinh doanh về đan, móc len đã tạo điều kiện cho phụ nữ địa phương có thêm việc làm, thu nhập ổn định để lo cho gia đình.

HÒA TRANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202402/khoi-nghiep-voi-nghe-dan-moc-len-21c073e/