Khởi nghiệp: Thành công nằm ở sự trưởng thành

“99% dự án khởi nghiệp là thất bại. Song, đó là sự thất bại của ý tưởng. Chính từ những thất bại, người khởi nghiệp mới thực sự trưởng thành", chia sẻ của Th.s Phạm Duy Hiếu, sáng lập Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF).

Sáng 8/11, hội thảo “Tư duy về khởi nghiệp” do Khu công nghệ phần mềm, ĐHQG TP.HCM (ITP) tổ chức đã diễn ra. Tại hội thảo, Th.s Phạm Duy Hiếu ví von, sự thành công trong khởi nghiệp cũng giống như việc cưới một cô gái làm vợ. Trong quá trình yêu nhau, nếu hai bên chưa bao giờ xảy ra tranh cãi, giận dỗi thì không thể nào có hạnh phúc sau này. Chính những lần “trục trặc”, hai người thêm hiểu nhau và sự trưởng thành cũng được rèn luyện từ chính những tranh cãi đó.

Nhìn về khởi nghiệp, Th.s Hiếu cho rằng, một dự án khởi nghiệp chỉ thất bại khi những người khởi nghiệp chấp nhận thất bại và từ bỏ dự án của mình. Con đường khởi nghiệp vốn rất chông gai, những người khởi nghiệp ai cũng mong muốn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt cho xã hội trong hoàn cảnh hạn chế về nguồn lực. Hành trình khởi nghiệp sẽ trải qua vô vàn khó khăn.

Th.s Phạm Duy Hiếu cho rằng, thành công khi khởi nghiệp là quá trình trưởng thành khi vượt qua khó khăn. Ảnh: Hà Thế An.

“Mỗi ý tưởng khi thất bại sẽ mang lại cho chúng ta một hoặc nhiều bài học. Một thất bại đúng nghĩa khi chúng ta không học được gì từ thất bại đó. Theo một nghiên cứu, cứ mỗi lần thất bại, startup sẽ gia tăng 20% thành công trong những lần tiếp theo”, Th.s Hiếu phân tích.

Người sáng lập SVF rất tâm đắc với một câu nói nổi tiếng “Thành công không phải số tiền bạn có trong tay mà là bạn đã trưởng thành với số tiền này. Một khi đã trưởng thành từ những sự thất bại, tôi tin rằng các bạn sẽ khởi nghiệp thành công 100%. Có điều, các bạn có kiên trì, kiên định với dự án của mình hay không mà thôi".

Th.s Hiếu chia sẻ một câu chuyện có thật về một nhóm startup hoạt động trong lĩnh vực tài chính chứng khoán. Startup này đã được Sàn chứng khoán tại Nhật Bản mua lại 35,01% giá trị cổ phần. Đây được xem là một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Song ít ai biết rằng, trước đó họ đã trải qua bao phen sóng gió.

Khi đi gặp nhà đầu tư thiên thần, các thành viên khởi nghiệp rất tự tin với dịch vụ của mình cùng những lời khẳng định chắc nịch là sản phẩm tốt, có khả năng tăng trưởng cao… Nhà đầu tư chỉ hỏi duy nhất một điều: “Các bạn đã thất bại lần nào chưa, và nếu có các bạn đã thất bại bao nhiêu lần?”. Người đại diện startup quả quyết: “Sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi hoàn hảo. Chúng tôi chưa từng thất bại. Đội nhóm của chúng tôi rất ăn ý và hoàn hảo”.

Nhà đầu tư thiên thần nói: “Vậy thì các bạn cần gì chúng tôi nữa? Có lẽ thời điểm này không phù hợp với chúng tôi, hãy để sự hợp tác này ở một thời điểm khác”.

Sau quãng thời gian “bay bổng” với những thành công có được, startup về chứng khoán bắt đầu xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng. Các thành viên sáng lập bắt đầu tranh giành quyền lực, chia tách nhau để khởi nghiệp riêng. Sự “đổ nát” của dự án đến mức cực đại khi startup chỉ còn lại… 2 người.

Chia sẻ của diễn giả tạo nên sự hứng khởi cho các bạn trẻ tham dự hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Chính thời điểm đó, các nhà đầu tư thiên thần bắt đầu xuất hiện. Với số vốn 200.000 USD, họ đã vực dậy dự án, tổ chức và gắn kết trở lại những người đã từng làm nên sự thành công của dự án. Và 1 năm sau, doanh nghiệp khởi nghiệp đó đã trở lại và… lợi hại hơn xưa.

“Câu chuyện đó cho thấy, một đội nhóm, một dự án khởi nghiệp chưa bao giờ trải qua thất bại, chưa gặp một trục trặc gì thì không thể coi đó là sự thành công bền vững. Chính sự trưởng thành trong sự vấp ngã khi các nhà khởi nghiệp “thử và sai” mới mang lại sự trưởng thành. Đó mới chính là chìa khóa thành công bền vững khi khởi nghiệp”- Th.s Hiếu khẳng định.

Cuối hội thảo, Th.s Hiếu đúc kết, startup đừng lấy tiền làm mục tiêu sống, thay vào đó hãy lấy giá trị của sự trưởng thành để làm mục tiêu hướng đến. Sự trưởng thành không những mang lại tiền bạc mà có thể mang lại cho mỗi người nhiều giá trị khác trong cuộc sống.

Tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Anh Thi, GĐ Khu công nghệ phần mềm, ĐHQG TP.HCM nhìn nhận, thành công trong khởi nghiệp hay bất cứ một lĩnh vực gì đều phải có quá trình học tập.

“Nhiều bạn trẻ hiện nay thường lấy các tấm gương thành đạt như Steve Jobs, Bill Gates… ra để minh chứng cho việc không học tập nhưng vẫn thành công. Không phải, họ chỉ không học ĐH thôi và những người này vẫn có quá trình học tập khác như học từ sách vở, từ bạn bè, từ cuộc sống…”, PGS. TS Nguyễn Anh Thi cho biết.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoi-nghiep-thanh-cong-khong-phai-la-tien-ma-la-su-truong-thanh-c7a465850.html