Khởi nghiệp, cần “soi” thị trường thật kỹ rồi hãy tìm giải pháp

Doanh nghiệp khởi nghiệp trước tiên hãy tìm hiểu nhu cầu thị trường để biết khách hàng đang gặp phải “nỗi đau” gì, vấn đề gì. Từ đó, startup sẽ sử dụng nguồn lực đang có để tạo ra giải pháp giải quyết vấn đề của khách hàng.

Đó là chia sẻ của anh Phan Đình Tuấn Anh, CEO cộng đồng Angels 4 US tại hội thảo “Thiết kế và cải tiến mô hình kinh doanh cho startup”. Sự kiện do Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với cộng đồng Angels 4 US tổ chức vào sáng 03/12.

CEO của Angels 4 US nhấn mạnh, các startup hiện nay thường mắc “căn bệnh” cố hữu là phát triển thị trường theo mô hình ngược.

“Tức là các dự án startup thường xây dựng sản phẩm, dịch vụ từ trước theo những nguồn lực đang có rồi bán ra thị trường và thất bại vì không có người dùng. Sản phẩm, dịch vụ dù có tốt đến đâu mà không có người dùng thì dự án cũng đổ bể. Bài tập chúng tôi giao cho các nhóm thực hiện là 2 yếu tố trong Business Model Canvas. Các startup phải tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm vấn đề của khách hàng trước rồi sau đó mới sáng tạo ra các giải pháp để giải quyết vấn đề”- anh Tuấn Anh chia sẻ.

Anh Phan Đình Tuấn Anh chia sẻ về mô hình Business Model Canvas. Ảnh: Hà Thế An.

Cũng theo CEO của Angels 4 US, Business Model Canvas có thể xem là công cụ chuẩn cho tất cả các giải pháp kinh doanh thông thường và sáng tạo. Mô hình này phát triển dựa trên 9 yếu tố như: phân khúc khách hàng nhắm đến, các xây dựng quan hệ khách hàng, cách thức phân phối sản phẩm, các nguồn lực của công ty, các đối tác hoặc người hỗ trợ của công ty, cơ cấu chi phí cho kinh doanh…

“Từ việc nghiên cứu thị trường, các dự án startup có thể thay đổi một yếu tố công cụ Business Model Canvas để đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh của mình có hiệu quả hơn. Nếu thay đổi một yếu tố nào đó trong mô hình Business Model Canvas, đồng nghĩa với việc các yếu tố còn lại cũng sẽ thay đổi để phục vụ cho yếu tố thay đổi”- anh Tuấn Anh nhìn nhận.

Trao đổi với PV Khampha.vn, anh Phan Đình Tuấn Anh cho biết, công cụ Business Model Canvas có thể ứng dụng cho cá nhân trọng mọi lĩnh vực ngành nghề chứ không chỉ trong kinh doanh.

“Việc sơ đồ hóa cá nhân trong mô hình này có thể giúp doanh nghiệp đánh giá được nhân sự mà mình muốn tuyển dụng mà không cần phải xem CV. Bởi công cụ Business Model Canvas có thể mô tả được khả năng, tầm nhìn, mục tiêu, cách thức làm việc…Mỗi cá nhân cũng có thể thiết lập các yếu tố liên quan để phục vụ cho mục tiêu chính của công việc mình”- anh Tuấn Anh nói.

Business Model Canvas (BMC) là một công cụ xây dựng mô hình kinh doanh được thiết kế bởi tiến sĩ Alexander Osterwalder (người Thụy Điển). BMC là một cách thể hiện thông tin về các nhân tố đầu vào tạo nên chuỗi giá trị của một doanh nghiệp dưới dạng hình ảnh, được sử dụng rộng rộng rãi trong quá trình xây dựng, hoạch định một doanh nghiệp mới. Ngoài ra, BMCcũng được sử dụng để phân tích tình hình kinh doanh hiện tại của công ty.

Có 9 nhóm nhân tố chính cấu thành nên BMC là trụ cột tạo nên tổ chức của một công ty, gồm có: Đối tác chính, Hoạt động kinh doanh chính, Nguồn lực chính, Giá trị thặng dư, Quan hệ khách hàng, Kênh thông tin và Phân phối, Phân khúc khách hàng, Cơ cấu chi phí và Dòng doanh thu.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoi-nghiep-can-soi-thi-truong-that-ky-roi-hay-tim-giai-phap-c7a474149.html