Khởi động thêm sự án điện sinh khối lớn nhất Việt Nam, 'cha đẻ' Vinasoy vẫn chỉ rụt rè đặt kế hoạch LNST 200 tỷ trong năm 2017

Doanh thu dự kiến trong năm 2017 đạt 7.400 tỷ, lợi nhuận trước thuế 207 tỷ đồng.

Năm 2016 là một năm kinh doanh thành công của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS – UPCoM) về mặt lợi nhuận khi giá trị LNST ghi nhận 1.400 tỷ đồng lãi (gấp tới 7 lần kế hoạch) mặc dù doanh thu không đạt mức kì vọng (đạt 96%). So sánh với các năm trước đó, tăng trưởng lợi nhuận của QNS cũng đạt mức 14,5%.

Tuy vậy, kế hoạch kinh doanh mới đây được QNS đưa ra nằm trong tài liệu họp cổ đông sắp tới lại khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ. Theo đó, doanh thu kế hoạch của công ty đề ra ước đạt 7.400 tỷ đồng trong khi LNST kế hoạch chỉ ngưỡng 180 tỷ đồng, giảm mạnh so với thực hiện 2016.

Năm 2017 QNS hiệu chỉnh tăng công suất của dự án nhà máy đường An Khê từ 12.000 tấn mía/ngày lên 18.000 tấn mía/ngày, qua đó tăng sản lượng khai thác. Dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê với công suất 95MW (nhà máy điện sinh khối lớn nhất Việt Nam) cũng đã được công ty triển khai xây dựng hoàn thành và dự kiến chạy thử ngay trong tháng 3.

Thực tế Đường Quảng Ngãi là cái tên thường xuyên đặt kế hoạch lợi nhuận thấp để rồi sau đó vượt kế hoạch đề ra một cách “ngoạn mục” khi kết thúc năm. Năm 2016, với khoản lợi nhuận “khủng” hơn 1.400 đạt được, QNS đã hoàn thành công tác phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 1.875 tỷ đồng. Mức chi trả cổ tức 50% bao gồm khoản 20% chia cổ tức bằng tiền (375 tỷ đồng) và 30% chia cổ tức cổ phiếu (563 tỷ đồng). Lợi nhuận còn lại sau phân phối vẫn còn gần 390 tỷ.

Khác với phần lớn các doanh nghiệp mía đường khác khi chủ yếu chỉ kinh doanh đường, Đường Quảng Ngãi từ lâu đã trở thành một công ty sản xuất hàng tiêu dùng với cơ cấu sản phẩm khá đa dạng từ đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), bia (Dung Quất), nước khoáng (Thạch Bích) cho đến bánh kẹo (Bisca Fun).

Trong đó, sản phẩm chủ lực đưa Đường Quảng Ngãi trở thành doanh nghiệp có vốn hóa hơn 20.000 tỷ với lợi nhuận hàng năm trên 1.000 tỷ đồng là sản phẩm sữa đậu nành.

Báo cáo thường niên năm 2015 của QNS dẫn số liệu từ thống kê của Nielsen vào tháng 12/2015 cho thấy Vinasoy nắm giữ 84,2% thị phần sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam. Thị phần thiểu số còn lại thuộc về Vinamilk, Nutifood cùng một số thương hiệu nhập khẩu.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/khoi-dong-them-su-an-dien-sinh-khoi-lon-nhat-viet-nam-cha-de-vinasoy-van-chi-rut-re-dat-ke-hoach-lnst-200-ty-trong-nam-2017-20170316020915881p4c147.news