Khơi dậy tiềm năng từ sản phẩm OCOP

Dù tỉnh Bình Phước triển khai chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) chậm hơn so với mục tiêu, kế hoạch đề ra, cuối năm 2020, toàn tỉnh chưa đến 30% số huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chương trình, tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, nỗ lực của các chủ thể sản xuất, đến nay chương trình đã được triển khai đến tất cả địa phương trong tỉnh. Qua đó trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn.

ĐA DẠNG SẢN PHẨM OCOP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay toàn tỉnh có 157 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP hạng 3-5 sao. Trong đó, có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao với gần 80 chủ thể đăng ký. Điều đó chứng tỏ việc nhận diện và phát triển sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh là hết sức đúng đắn, sát thực tiễn. Chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì sản phẩm OCOP ngày càng phát triển, thể hiện trình độ sản xuất của nông dân có sự tiến bộ rõ rệt. Đây là kết quả của sự chỉ đạo hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm cung ứng ra thị trường và sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Công ty cổ phần Hà Mỵ (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú) có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao vào năm 2023. Trong ảnh: Công nhân công ty trong giờ làm việc

Các sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú chủng loại, gồm 127 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, như: Sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, mít ruột đỏ, cam, ổi, mít sấy thăng hoa, hạt điều rang muối, hạt điều tẩm gia vị, chả lụa, bột dế, hạt tiêu... 30 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống có cồn như: rượu chuối hột, rượu sâm bố chính, rượu đông trùng hạ thảo; đồ uống không cồn như: cà phê nguyên chất, bột ngũ cốc dinh dưỡng, yến sào tinh chế, mật ong, nước uống đóng chai. 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm: mũ, giày, dép (nón) đan len, hoa đan len; hoa khô ngũ sắc để bàn, tranh gỗ nghệ thuật.

Trong 157 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, có 3 sản phẩm hạng 5 sao gồm: hạt điều nhân trắng, hạt điều rang muối và hạt điều không rang muối của Công ty cổ phần Hà Mỵ, huyện Đồng Phú. Đây là những sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn để xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và là nhãn hàng riêng cho hệ thống siêu thị Co.opmart.

Bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ cho biết: Các sản phẩm đạt OCOP 5 sao của công ty đều có mã số truy xuất nguồn gốc và được thu mua trực tiếp từ các vùng trồng điều tại xã Bom Bo và Phước Sơn của huyện Bù Đăng; sử dụng giống mới lai tạo, được chăm sóc hữu cơ phù hợp với chất đất, khí hậu địa phương.

HỖ TRỢ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, thực hiện chương trình OCOP, công tác xúc tiến thương mại được phối hợp triển khai tích cực và hiệu quả. Qua đó, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm đến điểm bán hàng OCOP, các trung tâm thương mại lớn như hệ thống Co.opmart Đồng Xoài, Đồng Phú. Doanh nghiệp cũng đã chủ động tham gia tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời mở điểm giới thiệu, trưng bày, mua bán sản phẩm như: hạt điều Bà Tư của Công ty cổ phần tập đoàn Gia Bảo (TP. Đồng Xoài); điều Hà Mỵ của Công ty cổ phần Hà Mỵ; yến sào của Công ty TNHH MTV Bảo Ngân (huyện Bù Đốp)…

Công tác xúc tiến thương mại tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm đến trung tâm/điểm bán hàng OCOP

Bên cạnh những kết quả nổi bật, quá trình triển khai chương trình OCOP bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương còn hạn chế; một số nơi có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa dựa vào thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP; nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa chú trọng yếu tố chất lượng, đặc biệt là gắn với thị hiếu người tiêu dùng.

Công tác xúc tiến thương mại nhiều lúc còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, thương hiệu OCOP Việt Nam. Năng lực của các tổ chức kinh tế OCOP còn khiêm tốn nên việc quản trị, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khăn.

Việc phát triển sản phẩm OCOP tuyệt đối không được làm theo phong trào, không xuề xòa trong quá trình thẩm định, đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu sản phẩm OCOP khác. Xây dựng sản phẩm OCOP theo quy luật cung - cầu, trong đó gắn với nhu cầu trong nước, khu vực và quốc tế, đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương.

Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế hợp tác, Sở NN&PTNT HUỲNH HỮU NHƯNG

Ông Huỳnh Hữu Nhưng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế hợp tác, Sở NN&PTNT cho biết: Để phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới, sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp. Trong đó, tập trung những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới sáng tạo, đặc biệt đối với sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường xuất khẩu.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/153399/khoi-day-tiem-nang-tu-san-pham-ocop