Khơi dậy tiềm năng phát triển từ các làng nghề: (Kỳ 1)- Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn

Ninh Bình là địa phương có nhiều làng nghề, trong đó có những làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm đến hàng nghìn năm, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Các làng nghề không chỉ lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà nỗ lực phát triển thích ứng tình hình mới, góp phần tăng thu ngân sách cho các địa phương; thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tạo việc làm ổn định, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn của tỉnh.

Sản xuất sản phẩm tại làng nghề gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô).

Nơi kết tinh các giá trị văn hóa

Làng nghề Bát Tràng nổi tiếng gần xa với những sản phẩm bằng gốm sứ. Thế nhưng, ít ai biết được rằng "tổ nghề" của làng gốm Bát Tràng ngày nay là làng gốm cổ Bồ Bát, nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, làng gốm Bồ Bát đã nổi danh từ cách đây hàng nghìn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các thợ tài hoa của làng sáng tạo ra. Điều này được chứng minh qua các đợt khảo cổ tại khu di tích Mán Bạc ở thôn Bạch Liên. Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loại hình hiện vật với những chất liệu khác nhau, trong đó có hiện vật gốm như: Nồi gốm, bát gốm, bình gốm, bi gốm… thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (giai đoạn tiền Đông Sơn) có niên đại hơn 3.500 năm. Ở thời Lý - Trần, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung "Đại Việt quốc quân thành chuyên" - loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng... Vào năm 1010, những nghệ nhân giỏi của làng nghề đã theo triều đình nhà Lý dời đô về Thăng Long và định cư ở vùng ven sông Hồng, nơi có vùng đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và tạo nên làng gốm sứ Bát Tràng ngày nay. Nghề gốm Bồ Bát cũng từ đó bị thất truyền.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Vang, người đầu tiên xây dựng và hồi sinh nghề gốm cổ Bồ Bát cho biết: Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, người dân thôn Bạch Liên (làng Bồ Bát xưa) luôn mong muốn đưa nghề cổ được phục hồi. Cùng với sự phát triển của du lịch Ninh Bình, nghề gốm cổ truyền thống làng Bồ Bát đã thực sự trỗi dậy và phát triển. Hiện sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa …, đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật… Tất cả đều được chế tác tinh xảo. Bằng sự khéo léo và tình yêu quê hương, những người thợ của làng nghề đã thổi hồn cho các sản phẩm gốm sứ bằng những nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu mang nét chấm phá ấn tượng của non nước Ninh Bình.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 77 làng nghề được công nhận, trong đó có 4 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 11 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 3 làng nghề dịch vụ, phục vụ đời sống dân cư nông thôn. Ninh Bình đã có 2 nghề (chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân và gốm cổ Bồ Bát), 1 làng nghề (thêu ren Văn Lâm) được công nhận là nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; 1 nghề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân). Thời gian qua, nghề truyền thống, các làng nghề được nhìn nhận là một di sản văn hóa bởi nó chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần của cộng đồng tại địa phương từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.

Tạo sức bật cho kinh tế nông thôn

Làng nghề nề tại xã Yên Nhân, huyện Yên Mô đã được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề cấp tỉnh. Từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong xã Yên Nhân đã có nhiều người đi làm thợ nề. Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, kinh tế phát triển, nhu cầu xây dựng ngày một nhiều đã tạo cơ hội cho nghề nề truyền thống phát triển, các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và đã đứng ra thành lập các đội thợ nề xây dựng…

Để tạo tiếng vang, những người thợ luôn dồn tâm huyết, học hỏi những kỹ năng xây dựng: nghiên cứu bản vẽ, nắm bắt nguyên lý, kết cấu và quy chuẩn chất lượng... nhờ đó đã tạo niềm tin với khách hàng. Những người thợ nề của xã Yên Nhân đã để lại dấu ấn quan trọng trên những con đường lát bê tông, những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, trường học, trụ sở, đặc biệt là đình, chùa, miếu, phủ, các biệt phủ, lâu đài... trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Những người thợ nề của Yên Nhân đều là những người có bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Từ năm 2015 đến nay, có 15 thí sinh là con em ở xã Yên Nhân tham gia các cuộc thi tay nghề cấp tỉnh, cấp quốc gia và tay nghề các nước ASEAN...

Ông Phạm Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: Làng nghề nề có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên địa bàn xã hiện có trên 40 doanh nghiệp xây dựng được thành lập và hơn 100 tổ thợ nề là đầu mối kết nối công việc cho lao động trên địa bàn. Mức thu nhập bình quân của thợ nề trong xã đạt hơn 110 triệu đồng/ người/năm. Nghề Nề phát triển đã góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016 và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cuối năm 2023.

Với sự vào cuộc và hỗ trợ của các cấp, các ngành, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho hơn 30.800 lao động. Nhiều làng nghề đã tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường như: các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, chế biến cói, gốm sành sứ, sản xuất bún bánh, trồng đào phai... Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Toàn tỉnh đã có 9 sản phẩm của 7 làng được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Một số làng nghề gần các điểm du lịch có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất gắn với hình thức du lịch làng nghề và dịch vụ phục vụ du lịch, tạo lợi thế thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề đã thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo..., góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của làng nghề ước đạt 2.687 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 55,8 triệu đồng/năm. Trong đó, thu nhập trung bình của lao động tham gia các làng nghề đá mỹ nghệ khoảng 80 triệu đồng/ người/năm; gỗ mỹ nghệ hơn 106 triệu đồng/người/năm; chế biến cói, bèo bồng trên 47 triệu đồng/ người/năm; gốm sứ 70 triệu đồng/người/năm; thêu ren hơn 43 triệu đồng/người/năm; nghề nề 110 triệu đồng/người/năm...

Bài, ảnh: Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khoi-day-tiem-nang-phat-trien-tu-cac-lang-nghe-ky-1-thuc-day/d20230629095555236.htm