Khơi dậy tiềm năng du lịch ở vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ĐBSCL

Các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Tuy nhiên, làm thế nào để cân bằng và hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên luôn là bài toán khó.

Ngày 29/3, trong khuôn khổ Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”, do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch BĐSCL tổ chức, TS Huỳnh Văn Đà - Trường Đại học Cần Thơ đã trình bày tham luận với chủ đề: “Phát triển du lịch ở vườn Quốc gia và khu Bảo tồn thiên nhiên vùng ĐBSCL, thực trạng và vấn đề đặt ra”.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chủ trì Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”

TS Huỳnh Văn Đà nhận định, các vườn quốc gia, khu Ramsar, rừng đặc dụng là nguồn lực để ĐBSCL phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch xanh, bởi các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở ĐBSCL có đặc trưng bởi hệ sinh thái ngập nước với hệ động thực vật rất đa dạng với nhiều loài sinh vật độc đáo.

Ngoài ra, một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên ở ĐBSCL còn mang dấu ấn lịch sử đậm nét và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như khu bảo tồn thiên nhiên Xẻo Quýt, khu bảo tồn thiên nhiên Gò Tháp. Tại đây có nhiều làng nghề truyền thống như làm nước mắm, làm khô, gác kèo ong của người U Minh và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ,....

Với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và tạo ra các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch. Song khai thác nhưng phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy là 1 thách thức lớn, đòi hỏi cách làm hết sức chuyên nghiệp của các đơn vị và địa phương có trách nhiệm quản lý. Từ nhận định này, TS Huỳnh Văn Đà đưa ra nhiều phương án để hướng đến phát triển du lịch ở vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên vùng ĐBSCL một cách bền vững.

TS Huỳnh Văn Đà - Trường Đại học Cần Thơ trình bày tham luận: “Phát triển du lịch ở vườn Quốc gia và khu Bảo tồn thiên nhiên vùng ĐBSCL, thực trạng và vấn đề đặt ra”.

Bảo vệ môi trường và bảo quản, tu bổ cảnh quan

Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hành vi làm tổn hại đến rừng, xả thải chưa đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường của các cơ sở kinh doanh du lịch. Xây dựng quy chế bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và khách du lịch về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiến hành tổ chức các đợt trồng cây cho khu vực mới bồi, trồng bổ sung các loài cây bản địa và các loài cây trong danh sách cần bảo tồn trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên nhằm đa dạng hóa rừng và hoàn chỉnh hệ sinh thái bền vững nhất.

Xây dựng chính sách phát triển du lịch

Tiếp tục bổ sung, đổi mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch; từng bước đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Sản phẩm du lịch chủ đạo bao gồm du lịch sinh thái trải nghiệm hệ sinh thái ngập nước đặc trưng; du lịch nông nghiệp trải nghiệm các mô hình canh tác nông nghiệp tại khu vực vùng đệm gắn với mua sắm đặc sản, hàng lưu niệm, làng nghề trong đó tập trung vào các sản phẩm đặc trưng ở từng địa phương hay các sản phẩm OCOP.

Sản phẩm du lịch bổ trợ gồm du lịch MICE gắn với sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL; du lịch văn hóa tâm linh gắn với việc trải nghiệm đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng của cư dân ở khu vực các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên như Gò Tháp, Rừng tràm Trà Sư,...; du lịch tìm hiểu lịch sử gắn với khu di tích Xẻo Quýt và Vườn quốc gia U Minh Hạ, du lịch khảo cổ ở Gò Tháp,...

Tạo điều kiện phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái có sự tham gia cộng đồng dựa vào cơ chế chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ sinh thái, dịch vụ chi trả môi trường rừng trên cơ sở phát triển bền vững để nâng cao thu nhập cho người nông dân tại các khu, điểm du lịch trọng điểm tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

Khách mời thích thú tham quan các gian trưng bày sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL tại Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”

Phát triển quy mô, xúc tiến quảng bá du lịch

Xây dựng thương hiệu cho riêng mình để tạo sự khác biệt và tránh trùng lặp giữa các địa phương. Liên doanh các hãng lữ hành trong khu vực ĐBSCL để tìm và mở rộng khai thác thị trường khách quốc tế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia tích cực và hoạt động du lịch của các nước như hội chợ triển lãm du lịch. Thường xuyên cập nhật thông tin về sản phẩm mới để giới thiệu rộng rãi đến khách hàng. Khai thác các kênh truyền thông số trên Internet nhằm quảng bá thông tin về các sản phẩm du lịch của các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Phát hành những ấn phẩm có chất lượng và những thông tin chính về du lịch như bản đồ, brochure du lịch để giới thiệu điểm đến, tiềm năng du lịch, con người, cung cấp các thông tin cần thiết cho khách du lịch về cơ sở lưu trú, các dịch vụ du lịch,...

Thu hút đầu tư để phát triển hệ thống nhà nghỉ và các công trình dịch vụ, các công trình vui chơi giải trí phục vụ du lịch

Nâng cấp hệ thống giao thông và hạ tầng để nâng cao khả năng tiếp cận du khách. Tổ chức giao thông phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy mô đường giao thông đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông, nâng cấp và mở rộng các tuyến đường đã được quy hoạch.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khoi-day-tiem-nang-du-lich-o-vuon-quoc-gia-khu-bao-ton-thien-nhien-dbscl.html