Khoe bảng điểm của con trên mạng: Biểu hiện rõ của bệnh thành tích

'Là phụ huynh, chúng ta nên hiểu các con thực sự cần điều gì và nên làm gì để tốt cho các con. Nhiều khi tôi cũng không hiểu, phụ huynh khoe bảng điểm, giấy khen và thông tin của con lên facebook để làm gì?', PGS.TS Văn Như Cương cho hay.

Từ 1/6 khi Luật trẻ em chính thức có hiệu lực: Nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ trước khi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ: Tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập; Nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định. Tuy nhiên, phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ.

Một thực tế mà chúng ta ai cũng thấy, khi năm học kết thúc cũng là lúc bố mẹ “thi nhau” khoe giấy khen, thành tích học tập của con trên mạng xã hội như một niềm tự hào. Việc khoe thông tin cá nhân của trẻ lên mạng là tốt hay xấu với trẻ?

Bố mẹ khoe bảng điểm của con sẽ phạm luật (ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục).

Cô Lê Thị Loan cho hay: “Trước hết tôi rất vui mừng vì hệ thống luật pháp của nước ta về quyền trẻ em và chăm sóc giáo dục trẻ em đã dần tương đồng với các nước trên thế giới. Theo đó trẻ em ngày càng được bình đẳng, tôn trọng và có nhiều cơ hội phát triển chứ không còn là những đứa trẻ “thấp cổ bé họng” như trước đây.

Quyền được giữ bí mật về thông tin cá nhân thể hiện sự tôn trọng nhân cách trẻ em. Ở các nước phát triển nhà trường không được công khai kết quả học tập của các em nếu các em không đồng ý. Ngược lại, kết quả học tập của con được giữ kín như những thông tin cá nhân để đảm bảo các em không bị cảm thấy kém cỏi nếu kết quả học tập thấp hơn các bạn khác.

Ở nước ta, các bậc cha mẹ bấy lâu nay vẫn cư xử với con cái mình như một vật sở hữu và thoải mái chia sẻ, khoe khoang con như những thành tích của mình mà không cần biết trẻ có bằng lòng hay không. Luật Trẻ em sửa đổi đã góp phần điều chỉnh những việc làm theo cảm tính của người lớn trong việc đảm bảo các quyền của trẻ em”.

Cô Lê Thị Loan cũng cho biết thêm: “Hiện tượng nhiều cha mẹ đã đưa bảng thành tích học tập và rèn luyện của con mình lên mạng xã hội để khoe, nếu không được sự đồng ý của các con, ngoài việc vi phạm quyền trẻ em họ còn vô tình gây áp lực cho con em mình: Những em không có thành tích gì đáng kể sẽ cảm thấy tủi thân, yếm thế vì thua bạn kém bè. Những em có nhiều thành tích rất dễ nảy sinh tâm lý tự mãn, kiêu kỳ, rất bất lợi trong việc hình thành nhân cách các cháu.

Mặt khác, các bậc cha mẹ khoe thành tích con mình cũng là biểu hiện của bệnh thành tích. Chính cha mẹ cũng gây áp lực thành tích cho nhà trường trong việc chạy đua giành giải thưởng trong nhiều cuộc thi tràn lan hiện nay.

Rồi những phụ huynh mà con chưa có thành tích cũng thấy tủi thân, về nhà lại trách móc con cái, ép chúng học để có bảng thành tích đẹp mà khoe khoang. Như thế, chẳng phải cả người lớn và trẻ em đều mắc bệnh thành tích sao?

Người lớn hãy tôn trọng Quyền trẻ em và tạo điều kiện tốt nhất để các em phát triển tối đa những tiềm năng ẩn chứa trong mỗi em, đó là niềm hạnh phúc đối với trẻ và đối với mỗi bậc cha mẹ”.

Cũng liên quan đến vấn đề này PGS.TS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh) cho hay: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Luật quy định, nếu phụ huynh khoe thành tích của con lên mạng xã hội sẽ bị phạt.

Là phụ huynh, chúng ta nên hiểu các con thực sự cần điều gì và nên làm gì để tốt cho các con. Nhiều khi tôi cũng không hiểu, phụ huynh khoe bảng điểm, giấy khen và thông tin của con lên facebook để làm gì?

Đó là chưa kể, các con sẽ có nguy cơ bị những kẻ xấu theo dõi, đánh cắp thông tin, bắt cóc…”.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/khoe-bang-diem-cua-con-tren-mang-bieu-hien-ro-cua-benh-thanh-tich-post228681.info