Khóc – cười chuyện đỡ đẻ của cô đỡ thôn bản

Cho sản phụ quần áo, khố tã, xin được đỡ đẻ không công, gọi sản phụ ra chái nhà để vệ sinh cho cả mẹ và con… là các công việc thường ngày của cô đỡ thôn bản đang cần mẫn ngày đêm.

Không cho người lạ vào nhà khi sản phụ đẻ

Văn hóa và phong tục tập quán là vấn đề rất đặc trưng ở các địa bàn của người dân tộc thiểu số sinh sống. Khảo sát thực tế cho thấy, có những phụ nữ ở rất gần trạm y tế xã nhưng họ vẫn lựa chọn sinh con tại nhà và mời cô đỡ thôn bản (CĐTB) đến hỗ trợ khi đẻ. Việc cung cấp dịch vụ nói chung và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng ở vùng cao cần bảo đảm tôn trọng các yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số.

Một số lãnh đạo địa phương khẳng định rằng chỉ có cô đỡ thôn bản mới có thể tiếp cận, chăm sóc bà mẹ trong địa bàn vì họ quan niệm rằng mọi chăm sóc liên quan đến phụ nữ mang thai, sinh đẻ là chuyện riêng tư, chỉ có chồng, phụ nữ trong nhà hoặc những người hết sức thân thiết mới có thể trao đổi được.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khi nhà có người mới đẻ, họ cắm cành lá xanh trước cửa là không được vào nhà. Nếu không biết mà vào là bị nhốt, không được ra ngoài. CĐTB họ biết luật lệ, họ sẽ hẹn bà mẹ bế con ra hiên hay ra chái nhà và thực hiện chăm sóc sau sinh, tư vấn rất vui vẻ. Lần sau đến, thân thiết rồi là người ta cho CĐTB vào tận trong nhà…

Nói cùng ngôn ngữ, hiểu biết về phong tục tập quán của người dân tộc, là những yếu tố quan trọng, thuận lợi cho CĐTB thực hiện tốt công việc của mình mà nhân viên y tế ở trạm y tế (TYT) hay tuyến huyện cũng không làm tốt bằng họ được. "Bà con rất tín nhiệm CĐTB, nhiều bà mẹ đồng ý đến Trạm Y tế khám thai và đỡ đẻ với điều kiện là phải có CĐTB đi cùng. Họ coi CĐTB như là người thân của họ - Thảo luận nhóm", một cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nói.

Tình trạng phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi đẻ tại nhà dù đã giảm song vẫn ở mức cao. Có rất nhiều lý do khiến sản phụ muốn đẻ tại nhà hơn cơ sở y tế như đường xá xa xôi, không có tiền thuê xe, không có tiền trả dịch vụ y tế, phong tục tập quán... Một trong số lý do được cô đỡ thôn bản huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum là sợ bị nhân viên y tế mắng.

"Bọn em là cô đỡ thôn bản thì dễ chia sẻ khó khăn với sản phụ hơn. Người dân ở đây thường không chuẩn bị tã, quần áo cho trẻ sơ sinh nên khi đến cơ sở y tế hay bị nhân viên y tế mắng. Họ rất sợ, thường cứ rúm ró cả lại. Trong khi cô đỡ thôn bản thì không mắng, lại còn cho họ quần áo cũ, khăn, tã, trợ giúp họ các kiến thức cần thiết nên sản phụ cảm thấy yên tâm, tin tưởng", cô đỡ thôn bản này nói.

"Người Mông tảo hôn nhiều, e ngại trong việc chăm sóc, chúng em lên họ vẫn e ngại, nếu là nam thì họ không cho khám luôn. CĐTB đến thì rất thuận tiện, họ đồng ý cho tiêm, cho khám thai, nói chuyện, mặt vui vẻ. Trước đây chưa có cô đỡ, chúng em phải đi từng hộ, vất vả nhưng không hiệu quả, từ khi có CĐTB, phối hợp tốt hơn nhiều.", nội dung thảo luận nhóm ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên ghi rõ.

Cô đỡ Lầu Thị C ở Đắc Nông chia sẻ, có lần cô vận động sản phụ tới đẻ tại trạm y tế nhưng gia đình sản phụ chỉ muốn đẻ tại nhà. Vì vận động không được nên cô xin được đỡ đẻ cho sản phụ, không cần được trả tiền đỡ đẻ, chỉ cần gia đình sản phụ đồng ý. May mắn cuộc sinh nở diễn ra an toàn.

Để tiếp cận được với bà mẹ, trẻ em của đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa, cần phải có những nhân viên y tế là người dân tộc sinh sống ngay tại địa phương, có cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán với đồng bào và được đào tạo kỹ năng chuyên môn. Trong hoàn cảnh đó, từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, Bệnh viện Từ Dũ đã có sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn, bản (CĐTB) là người dân tộc thiểu số cho những vùng còn nhiều khó khăn.

Cô đỡ thôn, bản được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại bản địa, có cùng văn hóa, phong tục tập quán, dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản. Để trở thành cô đỡ thôn, bản, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn, bản có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.

Hàng nghìn bà mẹ được cô đỡ thôn bản trợ giúp khi sinh

Những đóng góp đó đã góp phần làm giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh tại cộng đồng. Điều này khẳng định sự phù hợp của CĐTB với cộng đồng, họ đóng vai trò như cầu nối giữa cộng đồng và cơ sở y tế. Sự chấp nhận của cộng đồng đối với CĐTB đã khẳng định được nhu cầu thật sự đối với loại hình nhân viên y tế này.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có 1.549 CĐTB đang hoạt động tại 28 tỉnh miền núi, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên.

Do số lượng CĐTB còn thiếu, trong khi số thôn bản khó khăn về công tác CSSKSS còn nhiều nên một số (9,1%) CĐTB phải phụ trách thêm các thôn bản lân cận (có những cô được phân công phụ trách 3-4 bản). Việc kiêm nhiệm thêm các thôn bản ngoài nơi cư trú sẽ mang đến những khó khăn như địa bàn rộng, gánh nặng công việc tăng lên… nhưng nhiều CĐTB vẫn chấp hành sự phân công của TYT xã.

Ngoài ra, nhiều CĐTB còn tham gia thêm nhiều nhiệm vụ khác trong cộng đồng, trong đó kiêm nhân viên YTTB (24,8%); 13,4% đảm nhiệm các công việc khác trong thôn như Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Bí thư Chi bộ.

Kết quả khảo sát cho thấy cho thấy tỷ lệ bà mẹ đi khám thai và đến đẻ tại CSYT tại những vùng có CĐTB hoạt động đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều vùng trước đây có tỷ lệ đẻ tại nhà rất cao (như Bù Đăng, Bù Đốp của Bình Phước, Bắc Ái của Ninh Thuận…) đến nay tỷ lệ sinh tại cơ sở y tế đã đạt xấp xỉ 100% .

So với mặt bằng chung của các xã vùng II, III thuộc Vùng đồng bào DTTS và MN, tỷ lệ bà mẹ và sơ sinh được khám thai ít nhất 3 lần đã được cải thiện rõ rệt tại các thôn có CĐTB. Điều đó chứng tỏ sự đóng góp rất lớn của đội ngũ CĐTB trong việc cải thiện tỷ lệ khám thai đủ 3 lần của toàn vùng.

Trong năm 2019, CĐTB đã phát hiện 2.210 trường hợp thai nghén có nguy cơ và 1.341 bà mẹ có nguy cơ trong chuyển dạ . Riêng trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tại 10 tỉnh thuộc Dự án Hỗ trợ CĐTB, các cô đỡ đã phát hiện 821 trường hợp bất thường ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, xử trí ban đầu và chuyển đến CSYT kịp thời.

Tính riêng trong 18 tháng đầu của giai đoạn I, tại 10 tỉnh của Dự án Hỗ trợ CĐTB đã có 8.693 bà mẹ, sơ sinh được CĐTB chăm sóc 1-2 lần; 8.091 bà mẹ, sơ sinh được CĐTB chăm sóc 3 lần trở lên.

Ghi nhận từ các báo cáo của Đoàn giám sát liên ngành (bao gồm đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH-ĐT, Bộ Y tế, và cơ quan Liên hợp quốc) thực hiện tại nhiều vùng có văn hóa khác nhau như Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận cho thấy việc có các cô đỡ tại các thôn, bản vùng núi cao là một giải pháp phù hợp, đáp ứng với yêu cầu tôn trọng phong tục, tập quán văn hóa, tín ngưỡng của người dân các địa phương.

Ngày 8/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản, trong đó CĐTB được chính thức công nhận là một loại hình nhân viên y tế thôn bản, chuyên về "chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em ở thôn, bản có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, còn tồn tại phong tục, tập quán không đến khám thai, quản lý thai và đẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có diện tích rộng, giao thông khó khăn, phức tạp, khả năng tiếp cận của người dân với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạn chế".

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khoc-cuoi-chuyen-do-de-cua-co-do-thon-ban-169230309094938851.htm