Khoảng trống trong công tác y tế học đường

KTĐT - Tại lớp tập huấn về y tế học đường dành cho cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại các trường học ở Hà Nội do Sở Y tế tổ chức, có hơn 70 cán bộ, nhân viên y tế học đường đến từ các trường học tại các quận nội thành và một số huyện như Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn... tham gia. Quá nửa số này là những người chưa từng được đào tạo về y tế, không phải là bác sĩ, y tá mà chỉ là những người làm kiêm nhiệm. Họ là kế toán, văn thư, thủ quỹ, giáo viên... được nhà trường giao cho kiêm nhiệm thêm trọng trách làm nhân viên y tế, phụ trách chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh toàn trường.

Ở Hà Nội hiện mới chỉ có quy định bắt buộc 100% số trường mầm non phải có nhân viên y tế chuyên trách, còn ở các bậc học từ tiểu học trở lên thì chưa có quy định cụ thể, cũng chưa có sự quan tâm cần thiết. Quá nhiều trường tiểu học, phổ thông vẫn sử dụng cán bộ y tế kiêm nhiệm hoặc đưa nhân viên không học về nghề y kiêm nhiệm công tác y tế. Cụ thể, trong 74,6% số trường học ở Hà Nội có cán bộ y tế thì tính riêng trên địa bàn Hà Nội cũ hiện vẫn còn đến 42,6% số trường học sử dụng cán bộ y tế kiêm nhiệm. Hơn 50% số trường còn lại đã có cán bộ y tế chuyên trách nhưng đa phần là nhân viên do nhà trường tự ký hợp đồng ngắn hạn, rất ít trường có biên chế cho nhân viên y tế học đường mà việc bổ sung chỉ tiêu biên chế nhân viên y tế học đường lại thuộc ngành giáo dục chứ không phải ngành y tế. Một vấn đề nữa cũng cần nói đến là rất ít người tốt nghiệp các trường về y tế muốn vào làm việc tại các trường học. Bởi áp lực công việc cao, lương lại thấp và khả năng được vào biên chế rất ít. Với những trường có được cán bộ y tế chuyên trách, hơn 50% là nhân viên do nhà trường tự ký hợp đồng ngắn hạn. Họ được hưởng chế độ rất thấp, với nhân viên hợp đồng ngắn hạn chỉ khoảng 600.000 - 800.000đ/tháng, nhân viên hợp đồng dài hạn cũng chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Theo quy định thì các trường mầm non trên địa bàn thành phố phải có phòng y tế, nếu không phải có khu vực y tế. Nhưng không phải trường nào cũng có nhân viên y tế, trường nào không có thì có một người là “vệ sinh viên” làm kiêm cả nhiệm vụ y tế trường học. Y tế trường học không phải là làm nhiệm vụ chăm sóc chữa trị cho trẻ ốm. Trước đây, trường cũng có phòng cách ly dành cho trẻ bị ốm và được cán bộ y tế của trường chăm sóc. Tuy nhiên, lương của cán bộ y tế (trình độ trung cấp) quá thấp nên các trường không hợp đồng được. Đặc biệt, đối với trường mầm non, tất cả các cô giáo đều phải được học để phòng chống tai nạn thương tích trong các trường. Tuy nhiên, do hệ thống y tế trong trường học như hiện nay thì các trường chỉ có thể tiếp nhận trẻ khỏe mạnh đến trường, kiên quyết không nhận những trẻ ốm và mắc các bệnh lây nhiễm. Bước vào năm học này, để khắc phục khoảng trống trong công tác y tế học đường hiện nay, Sở đưa ra kế hoạch tăng cường công tác y tế học đường đến năm 2010 với các chỉ tiêu cụ thể: Phấn đấu 80% trường mầm non, phổ thông có cán bộ y tế chuyên trách, 90% trường có phòng, góc y tế theo qui định; 90% trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh... Hiền Minh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=57&newsid=179037