Khoan xuyên núi khắc phục sự cố sập hầm đường sắt qua đèo Cả

Khoan đào từ trên sườn núi, lồng ống bơm bê tông xuống hầm để gia cố, khắc phục sạt lở... là loạt giải pháp đang được triển khai với hy vọng sớm thông hầm đường sắt qua Đèo Cả (Khánh Hòa).

Tăng cường loạt giải pháp khoan từ trên xuống, gia cố từ dưới lên

Chiều 15/4, ghi nhận PV, ngành đường sắt tăng cường loạt mũi thi công khắc phục sạt lở, gia cố trong đường hầm, đồng thời bố trí thêm công tác khoan từ trên đường Đèo Cả xuống.

Theo đó, đơn vị chức năng bổ sung phương án khoan nhiều mũi từ trên sườn núi, lồng ống bơm bê tông xuống hầm đường sắt qua Đèo Cả..

Ông Trần Hòa Nam (áo trắng, giữa) cũng lãnh đạo các đơn vị ngành Đường sắt kiểm tra khắc phục hầm đường sắt qua đèo Cả.

Tại mặt trên của sườn núi (cách QL1 chừng 50m), dưới thời tiết nắng nóng, hàng chục công nhân chạy đua cùng với thời gian miệt mài khoan các mũi xuống khu vực đỉnh hầm. Công nhân sẽ tiến hành khoan thẳng, để sau đó, bơm bê tông vào núi. Việc làm này nhằm gia cố sườn núi, hạn chế tình trạng sạt lở vào thân hầm.

Trong hầm, các mũi thi công tiếp tục lắp đặt trợ lực, gia cố, tăng sức chịu lực cho vòm hầm bằng thép.

Theo đại diện ngành đường sắt, tại phía nam hầm, tiếp tục gia cố bằng khung sắt và phun bê tông trong hầm. Phía trên đèo Cả, các đơn vị xác định tọa độ để khoan từ trên núi xuống hầm đường sắt, sau đó, bơm phun bê tông để gia cố. Phía đầu bắc hầm, tiếp tục đưa khung sắt vào đoạn sạt lở để gia cố.

Công tác khắc phục đang rất khó khăn, do tầng địa chất phức tạp. Vì vậy, chưa thể xác định thời gian thông hầm.

Đảm bảo tiến độ và an toàn

Chiều cùng ngày (15/4), có mặt hiện trường khắc phục sạt lở thông hầm đường sắt, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi sự cố hầm đường sắt qua đèo Cả, tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp các đơn vị ngành đường sắt huy động tối đa phương tiện đảm bảo việc trung chuyển hành khách.

Các đơn vị như Công an, Quân sự, UBND huyện Vạn Ninh đảm bảo tốt ANTT trong việc trung chuyển, phân luồng, cấm ô tô qua đèo Cả. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ ngành đường sắt khắc phục sự cố, sớm thông tuyến đường sắt cũng như đường bộ qua đèo Cả.

Đơn vị thi công bố trí khoan nhiều mũi từ trên núi xuống.

"Địa phương và các đơn vị đơn vị tranh thủ thời tiết nắng ráo để thi công, đảm bảo an toàn cho người lao động", ông Nam nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) cho biết, để ngăn chặn đất đá sụt lún tiếp tục xảy ra, ban đã cắm các ống sắt từ trên đỉnh núi xuống; từ trong hầm thực hiện cắm ngang ống sắt vào sâu vách. Các phương án đều được chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, Cục Đường sắt Việt Nam và các chuyên gia đã đưa ra phương án đúng hướng.

"Do địa chất phức tạp nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi nỗ lực cố gắng thông hầm trong thời gian sớm nhất, có thể đến cuối tuần này. Từ khi không cho các phương tiện ô tô đi trên hầm đã giảm lượng đất đá rơi xuống", ông Tuấn cho biết.

Hành khách lên xe tại ga Giã để trung chuyển sang ga Tuy Hòa.

Ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, đến sáng nay Chi nhánh đã chuyển tải 36 chuyến tàu với số lượng 10.000 hành khách do sự cố sập hầm đường sắt qua đèo Cả. Hành khách sẽ đi từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Vạn Giã (Khánh Hòa) và ngược lại.

Chi nhánh đang huy động xe tải để đưa những loại hàng hóa đông lạnh trên các toa hàng di chuyển sang container, xe tải để giao kịp cho khách hàng. Toàn bộ chi phí vận chuyển ngành đường sắt sẽ chi trả, chủ hàng không phải chịu thêm chi phí phát sinh.

Video: Xuyên đêm khắc phục sụt lún hầm đường sắt qua đèo Cả

Công nhân đường sắt xuyên đêm khắc phục sụt lở hầm đường sắt qua đèo Cả

Tưởng Cao Sơn

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/khoan-xuyen-nui-khac-phuc-su-co-sap-ham-duong-sat-qua-deo-ca-192240415191731812.htm