Khoán xe công: Mong thực chất!

Câu chuyện xe công bắt đầu “nóng” trở lại, khi Bộ Tài chính tiên phong thực hiện khoán, không cấp xe công đưa đón tận nhà đối với cấp Thứ trưởng trở xuống bắt đầu từ ngày 1/10 tới. Chủ trương này nhận được đồng tình của cả người trong cuộc và các chuyên gia kinh tế, nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước. Theo nhiều chuyên gia, việc khoán xe công nên nhân rộng ra các địa phương, bộ ngành khác, đặc biệt là cần hoàn thiện cơ chế khoán để tránh lạm dụng nhưng cũng tránh lãng phí trong việc sử dụng xe công.

Lợi 1.500 tỉ/năm nhờ khoán xe công

Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên áp dụng chính sách khoán kinh phí sử dụng xe công bắt buộc đối với các chức danh lãnh đạo từ thứ trưởng trở xuống. Còn theo cơ chế chung hiện hành, việc khoán xe công vẫn đang được thực hiện thí điểm trên tinh thần tự nguyện.

Theo quy định này, chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công được áp dụng đối với các chức danh thứ trưởng, lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Cụ thể, mức khoán được xác định bằng đơn giá khoán (theo mức giá của các hãng xe taxi loại 4 chỗ ngồi) x số kilômét khoán (từ nơi ở đến nơi làm việc) x 2 lượt x số ngày làm việc của tháng.

Với chế độ khoán mới như trên, Bộ Tài chính dự kiến tiền khoán xe cho 6 thứ trưởng là 44,22 triệu đồng/tháng. Trong đó 3 thứ trưởng có mức khoán 9,9 triệu đồng/tháng tương đương với chặng đường 15 km/lượt; 2 thứ trưởng có mức khoán 5,28 triệu đồng, tương đương quãng đường 8 km/lượt; một thứ trưởng nhà gần có mức khoán 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại chỉ 6 km/lượt.

Nhà nước sẽ tiết kiệm 1.500 tỷ/năm nhờ khoán xe công.(ảnh minh họa)

Một cán bộ cấp vụ của Bộ Tài chính cho biết từ khi ban hành quy định mới về chế độ khoán kinh phí sử dụng ô tô, có một số bộ gọi điện hỏi và thắc mắc tại sao Bộ Tài chính lại “lấy đá tự ghè chân mình”. Ý kiến dư luận cũng nhiều chiều, có người cho rằng chỉ khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón lãnh đạo thì không đáng kể vì không giảm được số lượng xe công và vẫn phải phục vụ đi họp hành. Mức khoán tính cụ thể theo quãng đường cũng không hợp lý. Thay vào đó cần khoán kinh phí sử dụng ô tô theo cả gói để cán bộ tự bố trí việc đi lại.

Về phía Bộ Tài chính thì cho rằng việc áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe công ngay cả khi chỉ dừng ở công đoạn đưa – đón lãnh đạo từ nhà đến trụ sở làm việc cũng sẽ giảm khá nhiều chi phí. Khi áp dụng chế độ này, số xe công trước đây bố trí đưa đón lãnh đạo sẽ được đưa vào phục vụ nhiệm vụ chung. Vì là quãng đường cố định nên phải tính cụ thể, không cào bằng để bảo đảm tính hiệu quả. “Đây là một nỗ lực nhằm tiết kiệm chi phí sử dụng xe công. Nếu điều này được áp dụng rộng rãi cho các bộ, ngành khác thì số tiền tiết kiệm được sẽ rất lớn” – cán bộ này nhận xét.

Theo Cục Quản lý công sản, hiện nay cả nước có khoảng gần 40.000 xe công, thuộc mức cao so với thế giới, trong đó có khoảng 26.000 xe phục vụ công tác chung. Chi phí cho mỗi xe trung bình 320 triệu đồng/năm nên ngân sách phải chi khoảng 13.000 tỉ đồng/năm “nuôi” xe công, chưa kể phải sắm mới. Nếu thực hiện khoán kinh phí đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung, mỗi năm có thể tiết kiệm ít nhất 1.500 tỉ đồng.

Cần phổ biến rộng rãi

Thực tế cho thấy, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng bởi nó hướng đến nền hành chính hiện đại, giúp lãnh đạo chủ động trong đi lại, giảm bớt được phương tiện lưu thông, tiết kiệm được tiền ngân sách.

Hiện nhiều quốc gia sử dụng là thuê các hãng xe tư nhân cung cấp dịch vụ di chuyển cho các quan chức có đủ tiêu chuẩn. Chẳng hạn như Nhật Bản chỉ có Thủ tướng mới đi xe công, còn các cấp dưới đó đều đi xe dịch vụ tư nhân.

Việc sử dụng các hàng xe tư nhân có thể giúp cho việc kiểm soát chiều dài quãng đường di chuyển một cách chuẩn xác, và thanh toán chi phí cũng sẽ chính xác và tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc bỏ tiền ra mua xe mới, tuyển lái xe, chi phí vận hành, khấu hao xe…

Điều mong muốn của người dân hiện nay là làm sao để chủ trương này được luật hóa, được triển khai rộng rãi, hiệu quả, đảm bảo công bằng. Theo đó, cần phải quyết liệt thực hiện việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô ở các bộ ngành, địa phương chứ không chỉ riêng Bộ Tài chính hay chỉ mang tính chất kêu gọi, khuyến khích như trước đây.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cũng chia sẻ, cần đưa việc khoán kinh phí sử dụng vào các đối tượng cụ thể, xem xét sát từng đối tượng, đặc thù công việc. Cần xem xét đến giá cả cho hợp lý, theo từng thời điểm, địa phương để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người được hưởng… Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát từ các cơ quan liên quan, từ chính người dân cũng như việc phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.

Cuối cùng, một yếu tố rất quan trọng khác đảm bảo chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, đó là cần có sự quyết tâm thực sự, đặc biệt là sự gương mẫu đi đầu của những cán bộ chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị.

Không nên khoán nửa vời

Ông Bùi Ngọc Sơn – Viện nghiên cứu kinh tế chính trị thế giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) – cho rằng việc Bộ Tài chính mới khoán đoạn đường từ nhà đến cơ quan, còn từ cơ quan đi các nơi vẫn xe công là bước đệm, do đó cần tiến tới khoán 100%.

Nên ước tính trên thực tế công việc rồi khoán, không cần mua xe nữa, “chứ có xe, lãnh đạo thích thì họ vẫn đi”. Ông Sơn nêu tại nhiều nước, cấp thứ trưởng họ cũng không mua xe riêng phục vụ, ta không phải vì ngân sách khó khăn mới khoán, mà không khó khăn cũng cần khoán để tránh việc lạm dụng.

Theo ông Sơn, nhiều cán bộ lấy lý do công việc quá bận, phải tự lo xe thì sẽ lỡ việc là không thật. Bởi taxi, xe hợp đồng bây giờ rất nhiều, chỉ gọi vài phút là có mặt, nhất là khách thường xuyên. Thậm chí tắc đường, đi xe ôm còn nhanh hơn. Chỉ có điều nó không “oai” mà thôi. Bộ Tài chính đã “khởi động”, ông Sơn đề nghị cần sớm quy định không mua xe công cho cấp thứ trưởng trở xuống mà khoán toàn bộ.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng nên khuyến khích xe các hãng tư cung cấp cho dịch vụ công. Ví dụ bộ có thể thuê hãng xe nào đó thay vì ngân sách phải bỏ tiền để mua xe, rồi trả lương, trả tiền xăng…

Như ở Nhật Bản cũng đã áp dụng hình thức thuê này từ lâu. “Cách đây hơn 10 năm, tôi đi công tác Nhật Bản. Sang đó mới thấy chỉ có thủ tướng mới sử dụng xe do Nhà nước mua, còn các cấp khác đi xe tư nhân cung cấp…”.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Học viện chiến lược và phát triển, Bộ KH-ĐT – cũng cho rằng cần phải quyết liệt thực hiện việc khoán xe công ở các bộ ngành, địa phương chứ không nên chỉ khuyến khích nữa vì chúng ta đã khuyến khích từ lâu nhưng không đâu vào đâu.

Sở Tài chính Hà Nội cho biết cuối năm nay, Hà Nội sẽ cố gắng thí điểm khoán xe công ở một số sở, ban ngành, sau đó sẽ nhân rộng. Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài chính xây dựng phương án thí điểm khoán kinh phí tự túc phương tiện cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ôtô khi đi công tác. Tuy nhiên, sẽ phải tính toán một xe công chi phí hết bao nhiêu gồm tiền mua, sửa chữa, bảo hành, tiền xăng, lương lái xe… để đưa ra mức khoán phù hợp.

Khánh An

Diễn đàn

Xe công và… xe ông

Các thứ trưởng, tổng cục trưởng và tương đương thuộc Bộ Tài chính đã bắt đầu chấm dứt việc đưa đón từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà bằng xe công kể từ ngày 3-10. Như vậy, Bộ Tài chính đã tiên phong trong việc thực hiện chủ trương khoán xe công sau khi ban hành Quyết định 1997/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng ô tô, áp dụng từ đầu tháng 10-2016. Bằng cách này, dự kiến tiền khoán xe cho 6 thứ trưởng là 44,22 triệu đồng, tiết kiệm được nhiều so với trước đây.

Cho dù Bộ Tài chính không đưa ra con số cụ thể về khoản chi phí tiết kiệm được nhưng bấy nhiêu cũng đủ để hoan nghênh. Từ sự đi đầu của Bộ Tài chính, hàng trăm cơ quan khác sẽ noi theo đó mà làm, từng bước giúp chủ trương khoán xe công trở thành hiện thực và được thực hiện một cách thực chất.

Việc khoán xe công ở Bộ Tài chính mang tính khích lệ là chính. Lợi ích kinh tế trước mắt không quan trọng bằng sự thay đổi về tư duy và hành vi, tiếp theo đó là chuyển biến tích cực của chính sách. Quan trọng hơn nữa là khiến người dân tin vào quyết tâm đổi mới của bộ máy hành chính công, đặt kỳ vọng vào một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính mà thời gian gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay đề cập.

Thực ra, người dân không hề khắt khe với các khoản chi hỗ trợ công vụ cho cán bộ lãnh đạo, trong đó có chi phí xe công, miễn sao họ làm tốt nhiệm vụ, chức trách và đồng tiền ngân sách phải được rót đúng địa chỉ, xe công được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng xe công, dùng xe công cho việc riêng đã xảy ra tràn lan, kéo dài hàng chục năm mà Nhà nước không có cách nào khắc phục hiệu quả.

Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định mỗi đơn vị nhà nước chỉ được trang bị tối đa 2 xe công nhưng trên thực tế thì không được thực hiện nghiêm. Theo báo cáo về tài sản nhà nước năm 2015 của Chính phủ, tính đến hết năm 2015, tổng số ô tô công là hơn 37.700 chiếc. Tiền trả lương tài xế, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu cho số xe công này hằng năm khoảng 320 triệu đồng/chiếc; tổng số kinh phí để “nuôi” cả dàn xe lên tới gần 13.000 tỉ đồng/năm. Để sở hữu số xe này, ngân sách đã tốn gần 23.000 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD). Sau một thời gian dài sử dụng, giá trị của hơn 37.700 chiếc xe công nêu trên nay chỉ còn lại khoảng hơn 6.700 tỉ đồng (35%). Tốn kém và lãng phí khủng khiếp!

Chỉ còn cách khoán mới tạo ra thay đổi, tiến tới chấm dứt xe công trên diện rộng. Hành trình này thực sự gian nan, từ lúc đem ra thảo luận, tranh cãi đến thời điểm triển khai thực hiện vào lúc này đã phải mất cả chục năm. Từ nay trở đi, hành trình đó vẫn tiếp tục gặp thách thức; nếu các bộ, ban, ngành và địa phương không quyết tâm, không gương mẫu thì sẽ sớm rơi vào tình trạng hô hào, đánh trống bỏ dùi.

Ông José Alberto Mujica Cordano làm Tổng thống Uruguay từ tháng 3-2010 đến tháng 3-2015. Suốt nhiệm kỳ của mình, vị tổng thống này đi làm bằng chiếc Volkswagen Beetle đời 1987, tự lái. Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tìm được tấm gương như ông Mujica rất khó, thôi thì hãy bắt đầu từ cú hích tập thể do Bộ Tài chính khởi xướng, thà muộn còn hơn không.

Hoài Phương (Báo Người Lao động)

Bình luận

Không ồ ạt khoán xe công

Kinh phí “nuôi” một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng/năm. Ước tính mỗi năm, 40.000 xe công tiêu tốn 12.800 tỉ đồng. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính, cho biết: việc khoán xe công phải thực hiện thận trọng từng bước, không thể làm ồ ạt.

Theo số liệu công bố năm 2008, cả nước có gần 40.000 xe công, trong đó có khoảng 2.000 xe chức danh – thuộc mức cao so với thế giới. Kinh phí “nuôi” một xe công trung bình mỗi năm khoảng 320 triệu đồng, bao gồm lương tài xế, hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Ước tính mỗi năm, 40.000 xe công tiêu tốn 12.800 tỉ đồng tiền ngân sách.

Ông Thắng cho biết hiệu quả của việc khoán kinh phí sử dụng xe công là rất lớn nhưng trăn trở của ban soạn thảo là thực hiện khoán xe đến chức danh nào cho phù hợp. Theo quy định, chức danh có hệ số phụ cấp 0,7 trở lên được sử dụng xe công, hệ số phụ cấp 1,25 được bố trí xe đưa đón song cả nước chỉ có 901 xe chức danh. Một số địa bàn, lĩnh vực hoạt động chỉ được sử dụng xe đi công tác.

“Một số đơn vị chỉ có 1 người đạt tiêu chuẩn sử dụng xe công mà vẫn mua hẳn 1 xe thì rất khó. Vì thế, hướng đang bàn tới là chỉ cấp sở trở lên hoặc cấp quận, huyện được trang bị 2 xe, còn cấp thấp hơn vẫn được sử dụng tiêu chuẩn nhưng phải nhận khoán” – ông Thắng cho biết.

Ông Thắng phân tích: Theo kinh nghiệm các nước, chế độ khoán kinh phí xe công chỉ nên áp dụng từ cấp thứ trưởng của bộ, ngành và cấp phó của các địa phương trở xuống; đồng thời, phải tính đến vấn đề an ninh, an toàn và bảo đảm không ảnh hưởng tới việc đi lại chung của lãnh đạo. Do đó, việc khoán xe công phải thực hiện thận trọng từng bước, không thể làm ồ ạt.

Nghị quyết 01/2016 của Quốc hội cũng yêu cầu từng bước thực hiện khoán xe công. Để nâng cao tính thực thi, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn xe công cho Chính phủ thay vì thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay – tức là sẽ có nghị định hướng dẫn thực hiện thay vì quyết định. Như vậy, trách nhiệm tuân thủ sẽ cao hơn.

PV

Dư luận

Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế:

Việc thực hiện khoán xe công của Bộ Tài chính, cần phải nhân rộng hơn và tiến tới cơ chế khoán xe công bắt buộc. Vì trên thế giới nhiều nơi không còn áp dụng cơ chế xe công đưa đón cho nhiều chức danh lãnh đạo. Tại Thụy Điển, lãnh đạo cấp cao không có xe đưa đón tại nhà mà sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, sang hơn thì đi taxi. Tại Việt Nam, tâm lý chung là sính xe công, lãnh đạo phải đi xe biển xanh mới oai và đây là cách nghĩ, là “di sản” có tính chất phân biệt đẳng cấp của thời kỳ phong kiến. Tôi thấy cán bộ cấp sở, thậm chí có vị chủ tịch liên minh hợp tác xã, cũng đi xe biển xanh là không thể chấp nhận được. Cần phải coi hành vi vi phạm quy định sử dụng xe công là ăn cắp của công vì đây là dùng tiền đóng thuế của dân vào việc cá nhân.

Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế:

Chủ trương này của Bộ Tài chính rất phù hợp, tôi chấp hành ngay. Không biết mọi người thế nào chứ tôi thấy đi taxi cũng bình thường. Hơn nữa, việc đi taxi cũng chỉ áp dụng khi đi từ nhà tới cơ quan và ngược lại, còn họp hành, công tác khác vẫn sử dụng xe cơ quan. Chủ trương này hợp lý nên tôi sẽ chấp hành nghiêm túc.

Ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế:

Khoán xe công cho thứ trưởng đã thay đổi cơ bản tư duy cố hữu của nhiều cán bộ trong việc sử dụng xe công và sẽ là nền tảng để tiến tới xây dựng hàng loạt các cơ chế mở rộng cung cấp dịch vụ công. Câu chuyện khoán xe công không chỉ đơn giản là khoán xe ở một cơ quan, tổ chức nào đó mà nó còn liên quan đến câu chuyện mua sắm, vì khi đã khoán rồi, số lượng xe công cũng có thể giảm bớt. Chẳng hạn, trước đây một bộ có 3 thứ trưởng thì phải có 3 xe công tương tự với 3 chức danh này. Nhưng khi thực hiện khoán, số xe sẽ giảm đi chỉ cần 1-2 chiếc chỉ để phục vụ cho công tác chung.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế:

Việc khoán xe công của Bộ Tài chính sẽ tạo ý thức tiết kiệm ngân sách, giảm đáng kể chi phí so với ngân sách phải bỏ tiền trang trải chi phí xe công phục vụ chức danh (tiền mua xe, nuôi lái xe, bảo dưỡng…). Việc khoán này cũng giảm nguy cơ lạm dụng xe công phục vụ việc riêng, gây phản cảm trong xã hội. Điều quan trọng là chủ trương khoán xe công phải được áp dụng với tất cả các cơ quan, bộ ngành./.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/mong-thuc-chat/