Khoản bồi thường khổng lồ của không quân Mỹ

Một thẩm phán của tòa án liên bang Mỹ vừa ra phán quyết yêu cầu lực lượng Không quân Mỹ phải bồi thường hơn 230 triệu USD cho các nạn nhân của vụ xả súng năm 2017 tại một nhà thờ ở bang Texas.

Theo thẩm phán Xavier Rodriguez, thủ phạm Devin Patrick Kelley lẽ ra đã không thể sở hữu vũ khí do đã có tiền án với hai tội danh về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, lực lượng không quân Mỹ đã không nhập dấu vân tay cũng như không gửi thông tin về vụ án của Kelley lên cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin tội phạm quốc gia. Nhờ đó, Kelley đã vượt qua các cuộc kiểm tra lý lịch và mua súng một cách dễ dàng.

Trong phán quyết dài 185 trang của mình, thẩm phán Rodriguez đã thống kê thiệt hại mà vụ xả súng gây ra cho mỗi nạn nhân và một số thành viên trong gia đình họ, tổng cộng khoảng 80 người.

Khu tưởng niệm một số nạn nhân trong vụ xả súng nhà thờ Baptist ở Sutherland Springs bang Texas, Mỹ. Ảnh: AP

Vụ xả súng xảy ra vào sáng chủ nhật ngày 5-11-2017, khi Kelley bước vào nhà thờ Baptist ở Sutherland Springs, Texas và chĩa súng bắn vào các giáo dân đang cầu nguyện, khiến 26 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Trong số những người thiệt mạng có một phụ nữ đang mang thai. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử bang Texas. Thủ phạm Kelley đã tìm cách chạy trốn khỏi cuộc truy đuổi và sau đó tự sát trước khi bị cảnh sát tóm được.

Một ngày sau vụ xả súng hàng loạt, lực lượng không quân Mỹ thừa nhận đã không nhập được dữ liệu về phiên tòa xử bạo lực gia đình của Kelley vào hệ thống cơ sở dữ liệu liên bang để theo dõi thông tin. Ngay sau đó, không quân Mỹ đã yêu cầu điều tra vụ việc và còn phát hiện một thông tin động trời khác: Hàng chục thành viên trong lực lượng không quân Mỹ từng bị buộc tội hoặc bị kết án với những tội danh nghiêm trọng trong thời gian tại ngũ. Song các thông tin này không hề được báo cáo lên hệ thống cơ sở dữ liệu liên bang như quy định của luật pháp Mỹ.

Hơn một năm sau vụ xả súng, ngày 7-12-2018, tờ The New York Times đăng tải bài viết trên cơ sở báo cáo dài 131 trang của văn phòng tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo đó, lực lượng không quân Mỹ đã bỏ lỡ tới 6 cơ hội để cảnh báo các cơ quan thực thi pháp luật về tiền sử bạo hành gia đình của Kelley, một bằng chứng quan trọng có thể ngăn cản hắn sở hữu súng một cách hợp pháp.

Báo cáo cho biết, văn phòng tổng thanh tra “đã tiêu tốn nhiều nguồn lực đáng kể” trong cuộc điều tra do tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Trước câu hỏi tại sao các dấu vân tay và báo cáo về tội bạo hành của Kelley không được nhập vào cơ sở dữ liệu, đại diện lực lượng không quân Mỹ đổ lỗi sai sót này là do các nhân viên đặc vụ thiếu kinh nghiệm, được đào tạo không nhất quán và kém hiệu quả, cũng như “lỗ hổng trong giám sát và cường độ làm việc cao”.

Kelley có thời gian phục vụ trong lực lượng không quân Mỹ từ năm 2010 tại căn cứ Không quân Holloman ở New Mexico, cho đến khi bị buộc giải ngũ vào năm 2014. Hồ sơ tòa án do không quân Mỹ công bố cho thấy, Kelley từng bị đưa ra tòa án binh năm 2012 với tội danh tấn công vợ và bạo hành con riêng của vợ. Hắn phải thi hành án tù giam trong 12 tháng.

Luật liên bang cấm những người có tiền án bạo lực gia đình sở hữu súng. Thế nhưng ngay sau khi bị đuổi khỏi lực lượng không quân Mỹ, trong thời gian 2015-2017, Kelley đã mua được tới 4 khẩu súng phục vụ cho mục đích phạm tội của hắn.

Vụ xả súng đẫm máu năm 2017 đã buộc lực lượng không quân Mỹ phải rà soát lại toàn bộ các vụ án của quân nhân trong lực lượng này, nhằm tránh bỏ sót trường hợp thông tin về các tội phạm trong thời gian tại ngũ không được nhập đầy đủ lên hệ thống cơ sở dữ liệu liên bang. Với công chúng Mỹ, đây quả là một kẽ hở lớn trong hệ thống luật pháp liên bang, mà ở một góc độ nào đó, đã tiếp tay cho hoạt động tội phạm liên quan đến súng đạn gia tăng ở Mỹ thời gian qua.

Hà Phương / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/khoan-boi-thuong-khong-lo-cua-khong-quan-my-55102.html